Thứ Sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024

Đơn thư khiếu nại, tố cáo chủ yếu liên quan đến đất đai

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định
(Thanhuytphcm.vn) - Sáng 14/11, Quốc hội thảo luận về tình hình khiếu nại tố cáo (KN, TC) 2018. Năm 2018, KN, TC của công dân tăng về số lượng đơn thư, số vụ việc thuộc thẩm quyền so với năm 2017. Nhìn chung tình hình KN, TC từ cuối năm 2017 đến nay còn diễn biến phức tạp và gay gắt. Tình trạng công dân tụ tập đông người lên Trung ương khiếu kiện gia tăng. Đáng chú ý, một số thế lực đã lợi dụng tình hình KN, TC để lôi kéo, kích động công dân tụ tập đông người hoặc có hành vi quá khích làm ảnh hưởng đến an ninh, trật tự và tác động tiêu cực vào tâm lý của cán bộ, nhân dân.

Khiếu nại, tố cáo còn diễn biến phức tạp

Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái đã trình bày báo cáo của Chính phủ về tình hình KN, TC 2018. Theo báo cáo, các cơ quan hành chính Nhà nước đã giải quyết 27.583 vụ việc KN, TC thuộc thẩm quyền, đạt tỷ lệ 83,7% (KN 20.894 vụ việc, đạt 83,4%; TC 6.689 vụ việc, đạt 84,9%). Qua giải quyết KN, TC đã kiến nghị thu hồi cho Nhà nước, trả lại cho tập thể, cá nhân 213,2 tỷ đồng, 97,2ha đất; khôi phục, đảm bảo quyền lợi cho 1.802 tập thể, cá nhân; kiến nghị xử lý vi phạm 462 người (đã xử lý 372 người), chuyển cơ quan điều tra 9 vụ.

Tổng Thanh tra Chính phủ cũng nêu rõ nguyên nhân chính của tình trạng này là do công tác quản lý Nhà nước và việc thực thi pháp luật của cán bộ, công chức trong bộ máy hành chính nhà nước có thiếu sót, vi phạm. Còn có tình trạng lạm dụng quy định Nhà nước trong thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, cộng đồng; phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi thu hồi đất chưa thỏa đáng, thiếu công khai, minh bạch, công bằng. Thủ trưởng cơ quan hành chính ở một số nơi chưa thực hiện đúng quy định của pháp luật tiếp công dân, giải quyết KN, TC. Việc tiếp dân định kỳ tại một số nơi còn chưa đảm bảo đúng quy định của Luật Tiếp công dân; giải quyết KN, TC thuộc thẩm quyền tại một số địa phương còn chậm, chưa đúng trình tự, thủ tục, chính sách pháp luật và chưa phù hợp với thực tiễn. Đặc biệt, vẫn còn tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, thiếu quyết tâm trong việc tiếp công dân, đối thoại với dân, xem xét, giải quyết KN, TC nhất là các vụ việc có tính chất phức tạp.

Báo cáo cũng chỉ rõ, tỷ lệ giải quyết các vụ việc KN, TC thuộc thẩm quyền tuy đã có nhiều cố gắng nhưng vẫn đạt thấp hơn so với mục tiêu đề ra (trên 85%). Một số địa phương chưa quyết liệt trong giải quyết các vụ việc KN, TC tồn đọng, phức tạp, kéo dài. Trong khi đó, theo dự báo của Thanh tra Chính phủ, tình hình khiếu kiện của công dân tới đây vẫn diễn biến phức tạp.

Thẩm tra báo cáo của Chính phủ, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định cho biết tình hình giải quyết KN, TC trong năm qua đã có sự chuyển biến tốt hơn so với các năm trước. Nội dung KN, TC cơ bản không có nhiều thay đổi so với các năm trước; khiếu nại vẫn chủ yếu là về đất đai; tố cáo vẫn chủ yếu là tố cáo cán bộ, công chức lợi dụng chức vụ, quyền hạn cố ý làm trái trong quản lý, thực thi công vụ, bao che cho cấp dưới gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân; một số trường hợp người khiếu nại chuyển sang tố cáo do kết quả giải quyết không đáp ứng được mong muốn...

Tuy nhiên, theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định, báo cáo của Chính phủ vẫn chưa phân tách được số liệu những vụ việc KN, TC thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan theo ngành dọc ở địa phương (như Bảo hiểm xã hội, thuế, hải quan, thi hành án dân sự...); chưa phân tích cụ thể việc xử lý các vụ việc KN, TC phức tạp, tồn đọng kéo dài; chưa có đánh giá xu hướng phát triển của các vụ việc khiếu kiện tập trung đông người ẩn chứa yếu tố phức tạp, nhạy cảm hoặc có sự kích động, lôi kéo của các thế lực thù địch, gây mất an ninh, trật tự xã hội tại một số địa phương.

Khiếu nại vượt cấp chưa giảm

Cũng trong sáng 14/11, Quốc hội nghe Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải trình bày Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết đơn thư KN, TC của công dân gửi đến Quốc hội.

Theo đó, trong kỳ này, Quốc hội đã tiếp nhận 43.324 đơn thư KN, TC, tăng 1,1% so với cùng kỳ. Nội dung đơn chủ yếu liên quan đến đất đai (chiếm khoảng 70%), ngoài ra tại kỳ này nổi lên một số nội dung KN, TC mới thuộc lĩnh vực văn hóa như xếp hạng, bảo tồn, tôn tạo di tích lịch sử, phong tặng danh hiệu nghệ sĩ; thuộc lĩnh vực giáo dục như sai phạm trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông, tiêu cực trong thu chi ở một số trường học, thực hiện chế độ cho giáo viên không đúng quy định, về những bất cập trong chương trình sữa học đường; thuộc lĩnh vực xây dựng như sai phạm trong quy hoạch, mật độ xây dựng đô thị, quản lý chất lượng các công trình hạ tầng; đặc biệt khiếu nại liên quan đến quản lý, vận hành và bảo đảm phòng cháy chữa cháy tại các tòa nhà chung cư có dấu hiệu gia tăng, tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp.

Sau khi nghiên cứu, Quốc hội đã chuyển 6.968/11.864 đơn đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết (đạt 58,73%); ban hành 1.600 văn bản hướng dẫn, trả lời công dân (chiếm 13,48%), còn lại 3.296 đơn tiếp tục nghiên cứu, lưu theo dõi (chiếm 27,79%). Đến nay đã nhận được 4.226 văn bản trả lời (đạt 60,65% tổng số đơn chuyển), còn 2.742 văn bản chưa được trả lời (chiếm 39,35%).

Báo cáo giám sát cũng chỉ ra, việc tiếp công dân định kỳ của Chủ tịch UBND cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã ở hầu hết các địa phương đều chưa đủ số kỳ tối thiểu theo quy định Luật Tiếp công dân, do vậy việc tiếp công dân còn chưa gắn với thẩm quyền giải quyết nên chất lượng tiếp công dân chưa cao, khiếu nại vượt cấp chưa giảm.

Trung Kiên

Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo