Thứ Năm, ngày 28 tháng 3 năm 2024

Đến năm 2025, TPHCM cơ bản giải quyết ùn tắc giao thông

Đại biểu Nguyễn Thị Tố Trâm (quận Bình Tân) chất vấn lãnh đạo Sở GTVT TP tại phiên chất vấn kỳ họp lần thứ 15 HĐND TP khoá IX
(Thanhuytphcm.vn) - Trưa 13/7, trong phần trả lời chất vấn các ý kiến đại biểu (ĐB) tại kỳ họp thứ 15, HĐND TP khóa IX, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP Trần Quang Lâm cho biết, từ nay đến năm 2025, nếu các tuyến đường Vành đai 2, 3 và các công trình giao thông trọng điểm của TP hoàn thành đưa vào sử dụng, tình hình ùn tắc giao thông trên địa bàn TP sẽ cơ bản được giải quyết.

Phát triển giao thông công cộng, hạn chế giao thông cá nhân

Đề cập về nỗi ám ảnh của người dân đối với tình trạng kẹt xe của TP, ĐB Nguyễn Minh Nhựt (Quận 3) cho rằng: TP cần quy hoạch định hướng phát triển giao thông đô thị từ nay đến năm 2025 và những năm tiếp theo; cũng như đề nghị Giám đốc Sở GTVT TP cho biết cụ thể tiến độ của từng giai đoạn.

Giải trình vấn đề này, Giám đốc Sở GTVT TP Trần Quang Lâm thông tin: Hiện nay, theo thống kê của Ngân hàng Thế giới, tình trạng kẹt xe không chỉ xảy ra ở TPHCM mà còn ở nhiều nước trên thế giới; kẹt xe đi kèm với tai nạn giao thông và ô nhiễm môi trường. Tình trạng kẹt xe đối với các TP lớn đang phải xử lý, đó là vấn đề đô thị hóa ngày càng nhanh. Theo đánh giá của Bộ Xây dựng, cả nước đô thị hóa 40%, riêng TPHCM tốc độ đô thị hóa 80%. Như vậy, để giải quyết bài toán kẹt xe cần quan tâm vấn đề quy hoạch và tổ chức thực hiện quy hoạch.

Theo Giám đốc Sở GTVT TP Trần Quang Lâm, từ nay đến 2025, Sở đã chạy mô hình với dự báo giả định đường Vành đai 2, 3, tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên, cầu đường Nguyễn Khoái, cầu đường Bình Tiên đi vào hoạt động thì việc giải quyết ùn tắc giao thông ở TP cơ bản. 

Giám đốc Sở GTVT TP Trần Quang Lâm cho biết: Để thực hiện được việc này, hiện nay TP đã họp xem xét và giao Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP đề xuất chủ trương đầu tư với hình thức nhanh để đầu tư các trục quốc lộ kết nối TPHCM với các tỉnh, thành; đẩy nhanh đường Vành đai 3 trên cơ sở Nghị quyết 54 cho phép TP sẽ ứng vốn cho Bộ GTVT triển khai.

Bên cạnh đó, TP thực hiện một số giải pháp về giao thông công cộng. Bởi vì, với TPHCM hiện nay không những đô thị hóa nhanh mà phải đối mặt với việc di dân cơ học từ các tỉnh về TP sinh sống, làm việc. Do đó, phát triển giao thông công cộng là bắt buộc và sở đang tính toán, phối hợp với các chuyên gia nước ngoài, các tổ chức quốc tế để triển khai. Vì hiện nay, việc chiếm dụng mặt đường xe máy chiếm gấp 5 lần so với xe buýt, xe con chiếm 8,5 lần so với xe buýt. Vì vậy, nếu phát triển hạ tầng sẽ không thể thỏa mãn nhu cầu đi lại của người dân mà phải phát triển giao thông công cộng; cũng như có những bước hạn chế giao thông cá nhân.

Kiểm tra, xử lý nghiêm tình trạng tái lập mặt đường

Cũng tại phiên chất vấn, các ĐB cũng đề nghị Sở có biện pháp chấn chỉnh và xử lý đối với các chủ đầu tư, nhà thầu thi công các công trình thực hiện tái lập mặt đường cẩu thả; cũng như TP có giải pháp tháo gỡ vướng mắc trong việc thực hiện các dự án đầu tư bãi xe ngầm trên địa bàn TP. ĐB Trương Lâm Danh (Quận 6) phản ánh: Hiện nay, đối với các dự án thi công đào đường sau khi thi công xong việc tái lập mặt đường thực hiện không đảm bảo kỹ thuật và có thể gây ra tai nạn giao thông. Vì vậy, đề nghị Giám đốc Sở cho biết, công tác thanh tra, xử phạt đối với công trình vi phạm về tái lập mặt đường?.

Về vấn đề này, Giám đốc Sở GTVT TP Trần Quang Lâm thông tin: Về công tác tái lập mặt đường, đây là vấn đề ngành quan tâm. Hiện nay, trên địa bàn TP có 119 rào chắn, trên 48 tuyến đường, chủ yếu phục vụ cho các dự án đầu tư hạ tầng giao thông và ngành thoát nước. Thời gian vừa qua, Sở tham mưu UBND TP ban hành Quyết định 38 thay thế cho Quyết định 09 để đưa ra một số quy định cụ thể hơn, đặc biệt là vấn đề yêu cầu khoan kích ngầm, thời gian thi công, trách nhiệm thu gom vật tư để đảm bảo vệ sinh môi trường, trật tự an toàn ở các công trình, trong đó có vấn đề tái lập mặt đường.

Giám đốc Sở Giao thông và Vận tải TPHCM Trần Quang Lâm trả lời chất vấn tại kỳ họp lần thứ 15 HĐND TP khoá IX Giám đốc Sở Giao thông và Vận tải TPHCM Trần Quang Lâm trả lời chất vấn tại kỳ họp lần thứ 15 HĐND TP khoá IX

Về việc xử lý vi phạm trong thi công trên đường bộ, trong 6 tháng đầu năm, Thanh tra Sở đã phát hiện và lập biên bản 537 vụ với số tiền xử phạt là 3,316 tỷ đồng. Bên cạnh đó, Sở cũng thành lập đoàn thanh tra để thanh tra các công trình thi công vào ban đêm. Qua việc thanh tra, vừa qua đã xử lý, chấn chỉnh 15 công trình của các chủ đầu tư, với các lỗi vi phạm đó là thay đổi rào chắn so với khi cấp phép, hệ thống biển báo không tuân thủ, chất lượng rào chắn, không có người điều tiết giao thông…

Giám đốc Sở GTVT TP Trần Quang Lâm cũng thông tin thêm: Về vấn đề tái lập mặt đường, hiện nay đối với những tuyến đường nối TPHCM đã ban hành cấm đào, đặc biệt là các tuyến đường trung tâm với những công trình nhựa trong 5 năm không được đào và hàng năm yêu cầu phối hợp với các công ty điện lực, viễn thông xây dựng kế hoạch triển khai đồng bộ đối với các tuyến đường được phép đào. Cùng với đó, ứng dụng công nghệ khoan kích ngầm. Tuy nhiên, có những công trình do giải pháp thi công là thi công xong tái lập tạm để đảm bảo giao thông và ban đêm triển khai lại nên việc tái lập chưa tốt. Mặt khác, chất lượng tái lập sau một thời gian xe lưu thông không đảm bảo và trách nhiệm này thuộc về đơn vị thi công nên Thanh tra Sở tập trung kiểm tra, xử lý nghiêm việc này.

Ngoài ra, trong thời gian tới, Sở phối hợp với Trường Đại học Bách Khoa để nghiên cứu giải pháp vật liệu cho phù hợp với khu vực tái lập như hố đào, rãnh đào trong phạm vi nhỏ dùng vật liệu phù hợp đảm bảo tái lập nhanh nhưng đảm bảo chất lượng tránh lún.

ĐB Nguyễn Thị Tố Trâm (Bình Tân) chất vấn: Diện tích bến bãi của TP hiện nay chỉ đạt 20% so với nhu cầu của người dân. Riêng bãi giữ xe cá nhân chỉ đáp ứng 1% nhu cầu. Trong khi đó, TP có 4 dự án bãi đậu xe ngầm đầu tư theo hình thức xã hội hóa như bãi đậu xe ngầm Công viên Lê Văn Tám, Tao Đàn, Sân vận động Hoa Lư…, nhưng đến nay các dự án này vẫn nằm trên giấy. Vì vậy, Sở cần có giải pháp và đề xuất UBND TP tháo gỡ sớm triển khai thực hiện các dự án này?.

Giải đáp vấn đề này, Giám đốc Sở GTVT TP Trần Quang Lâm thừa nhận: Hiện nay, hệ thống giao thông tĩnh TP đạt khoảng 21%. Trong đó, theo quy hoạch ở khu vực trung tâm TP có các bãi xe ngầm Lê Văn Tám, Hoa Lư, Lam Sơn, Trống Đồng. Tuy nhiên, loại hình đầu tư bãi xe ngầm trong đô thị suất đầu tư lớn. Đơn cử như dự án bãi đậu xe ngầm Lê Văn Tám, TP đã ký hợp đồng BOT từ năm 2010, sau đó nhà đầu tư triển khai các thủ tục đầu tư nhưng không thể triển khai được.

Đình Lý - Long Hồ


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo