Thứ Năm, ngày 28 tháng 3 năm 2024

Đề xuất trao nhiều đặc quyền cho Trưởng đặc khu

Các đại biểu phát biểu tại hội thảo

(Thanhuytphcm.vn) – Ngày 20/9, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tổ chức Hội thảo tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương tại đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt (đặc khu) nhằm lắng nghe ý kiến các chuyên gia, nhà quản lý, góp hoàn thiện dự thảo Luật Đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt.

Vụ trưởng Vụ Quản lý các khu kinh tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông cho biết, theo quy định của Hiến pháp, đặc khu là một loại đơn vị hành chính, do Quốc hội thành lập. Tại Kết luận số 21-TB/TW, Bộ Chính trị đã đồng ý cho thành lập 3 đặc khu: Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc trực thuộc tỉnh và yêu cầu cơ cấu, mô hình tổ chức chính quyền địa phương của đặc khu do luật quy định. Để đảm bảo việc xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương phù hợp với các quy định về thể chế, chính sách kinh tế - xã hội có tính chất đặc biệt, vượt trội, cạnh tranh quốc tế, Chính phủ đề nghị xác định chính quyền địa phương tại các đặc khu trên không phải cấp chính quyền địa phương.

Do đó, không tổ chức HĐND và UBND tại 3 đặc khu. Chính quyền địa phương nơi đây là một thiết chế gọi là Trưởng đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt (Trưởng đặc khu) có bộ máy giúp việc và các cơ quan chuyên môn. Trưởng đặc khu được phân cấp, phân quyền mạnh; do Thủ tướng bổ nhiệm, bãi nhiệm, cách chức và chịu sự giám sát của HĐND, UBND cấp tỉnh.

Dự thảo luật lần này bổ sung thêm Hội đồng Tư vấn và giám sát do Thủ tướng thành lập trên cơ sở đề xuất của Bộ Nội vụ hoạt động song song với Trưởng đặc khu. Việc giám sát của cơ quan này sẽ được báo cáo thẳng lên Thủ tướng.

Băn khoăn về vấn đề kiểm soát quyền lực khi  dự thảo Luật đề xuất trao nhiều đặc quyền cho Trưởng đặc khu, PGS.TS Hoàng Ngọc Giao, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách pháp luật và phát triển (Vusta) đặt vấn đề: “Nếu không kiểm soát quyền lực, lợi ích nhóm len lỏi vào đây dễ dàng, đặc khu dễ trở thành miếng mồi ngon”.

Theo ông Giao, Trưởng đặc khu do Thủ tướng bổ nhiệm nhưng lại do tỉnh giám sát là rất khó thực hiện bởi ngay cả với chính quyền cấp tỉnh, HĐND còn giám sát rất hình thức. Bày tỏ không tin tưởng vào Hội đồng Giám sát tư vấn, dễ bị lợi ích nhóm kiểm soát, ông Giao đề nghị cần có tư duy đột phá để kiểm soát quyền lực theo hướng vẫn có HĐND nhưng phải tổ chức khác đi: trưởng đặc khu và trưởng khu hành chính không tham gia HĐND và để dân trực tiếp bầu HĐND. Trưởng đặc khu hành chính cũng bầu trực tiếp như thị trưởng để người dân giám sát. Ông cũng cho rằng thanh tra và kiểm toán là 2 thể chế giám sát tốt, cần phải trực thuộc HĐND.

Phản biện quan điểm trên, nguyên Phó viện trưởng Viện Chính sách phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) Nguyễn Bá Ân cho rằng, nếu áp HĐND, UBND vào đặc khu thì không thành công. Quan trọng là phải có tư duy đột phá về tổ chức hành chính cho đặc khu không hoàn toàn giống Luật Tổ chức chính quyền địa phương, thể chế hành chính hiện đại, tạo môi trường thuận lợi thu hút nhà đầu tư; cần trao đủ quyền của Thủ tướng, bộ, ngành, tỉnh vào đặc khu, thậm chí, đặc khu phải có thẩm quyền vượt cả cấp tỉnh. Thủ tướng bổ nhiệm, miễn nhiệm Trưởng đặc khu là cơ chế giám sát quyền lực tốt, giám sát theo quyết định hành chính. Cùng với đó còn có HĐND cấp tỉnh, Hội đồng giám sát tư vấn.

Chung quan điểm, TS Phạm Tuấn Khải, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp luật (Văn phòng Chính phủ) đề nghị đổi mới tư duy. “Phải suy nghĩ vượt ra ngoài không nên đặt ra cứ phải có HĐND bên cạnh. Tôi nghiêng về phương án đặc khu trong cơ chế độc lập hoàn toàn và chịu sự điều chỉnh của pháp luật riêng dành cho nó, để trưởng đặc khu chịu trách nhiệm trước pháp luật. Phải để trưởng đặc khu có đặc quyền riêng, chịu trách nhiệm trước pháp luật và có giám sát”.

Đây cũng là quan điểm của Thứ trưởng Nội vụ Trần Anh Tuấn nhằm đưa đặc khu có thẩm quyền vượt trội so với các cơ quan hành chính khác.

Vân Thanh

Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo