Thứ Năm, ngày 28 tháng 3 năm 2024

Đề xuất giám sát chuyên đề nguồn lực chống dịch và đổi mới sách giáo khoa

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội phát biểu tại hội trường

(Thanhuytphcm.vn) – Chiều 23/5, tiếp tục Chương trình làm việc Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, Quốc hội đã nghe Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường trình bày Tờ trình về dự kiến Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2023. Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương điều hành nội dung làm việc.

Ông Bùi Văn Cường cho biết, căn cứ quy định của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND, đặc điểm tình hình năm 2023 và đề xuất của các cơ quan, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã dự kiến nội dung chương trình giám sát của Quốc hội năm 2023.

Đối với giám sát chuyên đề, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Tổng Thư ký Quốc hội tổng hợp theo 10 nhóm lĩnh vực với 121 vấn đề thuộc trách nhiệm của Hội đồng Dân tộc, các ủy ban của Quốc hội; đồng thời, căn cứ vào tiêu chí lựa chọn, nội dung đã thực hiện, năng lực thực hiện của các cơ quan, đã tiến hành lựa chọn các chuyên đề giám sát theo quy trình chặt chẽ. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã lựa chọn 4 chuyên đề trình Quốc hội xem xét, quyết định chọn 2 chuyên đề để giám sát tối cao, 2 chuyên đề còn lại sẽ giao cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức giám sát.

Trong đó, có hai chuyên đề là việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19, việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng; việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông. Hai chuyên đề còn lại là việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016 - 2021 và việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về các chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025; giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025; phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030.

Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường trình bày Tờ trình về dự kiến Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2023 Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường trình bày Tờ trình về dự kiến Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2023

Bày tỏ sự quan tâm đặc biệt đến lĩnh vực giáo dục, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội nói: “Tôi rất tán thành ý kiến giám sát về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông vào nội dung giám sát trong năm tới. Tuy nhiên, không nên thu hẹp trong phạm vi giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội mà nên được Quốc hội giám sát tối cao. Đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông có ý nghĩa rất quan trọng đối với việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế theo yêu cầu của Nghị quyết số 29-NQ/TW”. Ghi nhận trong 8 năm qua, ngành giáo dục đã có nhiều cố gắng, vượt qua nhiều khó khăn, thách thức để triển khai các nghị quyết của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, song đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy cho biết vẫn rất băn khoăn về giá sách giáo khoa, hay việc sắp xếp môn Lịch sử là môn học lựa chọn theo định hướng nghề nghiệp ở cấp học phổ thông…

Điều hành phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết, các vị đại biểu Quốc hội sẽ lựa chọn chuyên đề giám sát trên iPad vào cuối buổi chiều 23/5, sau khi thảo luận. Kết quả sẽ được tổng hợp làm cơ sở để Quốc hội quyết định.

Trước đó, báo cáo về kết quả thực hiện Chương trình giám sát năm 2021 và bước đầu triển khai Chương trình giám sát năm 2022, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường nhận định, hoạt động giám sát đã đạt được nhiều kết quả tích cực với nhiều đổi mới so với thông lệ trước đây.

Cẩm Hà


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo