Thứ Sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024

Đẩy mạnh cải cách hành chính để người dân, doanh nghiệp không bị phiền hà

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Hội nghị

(Thanhuytphcm.vn) - Phát biểu tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác năm 2021, triển khai nhiệm vụ năm 2022 của ngành Nội vụ, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, Bộ Nội vụ đã có nhiều đổi mới, rất nhanh và bám sát tình hình thực tiễn. Các tài liệu liên quan đến phân cấp, phân quyền, đổi mới bộ máy bên trong của các bộ, ngành được Bộ làm rất công phu. Bộ đã trình được 3 dự án luật, 13 nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, 8 nghị định và 3 nghị quyết của Chính phủ, 6 quyết định và 4 chỉ thị của Thủ tướng để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo toàn ngành; là cơ quan nòng cốt trong việc tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026.

Thủ tướng cũng đánh giá cao Bộ Nội vụ đã tham gia sắp xếp kiện toàn tổ chức bộ máy, bắt tay ngay vào phân cấp, phân quyền; quản lý, sử dụng công chức, viên chức có nhiều chuyển biến tích cực. Đặc biệt là năm 2021, cả nước đã giảm 10,01% biên chế công chức, giảm 11,67% viên chức.

Chỉ ra công tác xây dựng thể chế đã cố gắng nhưng so với thực tiễn vẫn còn lạc hậu, Thủ tướng lưu ý, nhiều vấn đề thực tiễn đặt ra phải làm nhanh hơn nữa. Bộ máy bên trong của các bộ, ngành còn cồng kềnh. Nhiều bộ còn ra nhiều khâu trung gian.  Theo Thủ tướng, một bộ phận cán bộ công chức chưa đủ tầm. Thi cử nhưng còn hình thức. Trật tự kỷ cương hành chính có nhiều nơi chưa ổn. Quản lý nhà nước chưa được thực hiện đúng tầm. Bộ máy chúng ta vẫn là giải quyết các sự vụ nhiều hơn.

Dẫn chứng câu chuyện khó khăn khi sáp nhập Hà Nội và Hà Tây, nếu không có quyết tâm chính trị sẽ không làm được, Thủ tướng lưu ý, đụng đến cán bộ tức là con người, rất nhạy cảm. Đại hội Đảng xác định rõ, con người là trung tâm, là chủ thể, là động lực, là mục tiêu của phát triển. Bộ cần bám sát để xử lý. Cách tốt nhất là xây dựng tiêu chuẩn, tiêu chí, quy trình, cách làm. Nếu không xây dựng được những điều này; không phát huy được khách quan, công tâm, dân chủ, công bằng thì rất khó làm

Nhấn mạnh niệm vụ chung là phải kiểm soát dịch bệnh với biến chủng Omicron lan rất nhanh, Thủ tướng yêu cầu Bộ Nội vụ lo toan bố trí con người, công việc, bộ máy sao cho phù hợp tình hình. Bộ máy và con người phải hết sức linh hoạt và phù hợp trong từng hoàn cảnh. Muốn vậy, cán bộ phải có nền tảng, có nghiên cứu cơ bản, có tư duy phương pháp luận rất tốt.

Đặc biệt lưu ý vấn đề xây dựng thể chế, Thủ tướng cho biết, năm nay, Chính phủ cũng ưu tiên cho vấn đề thể chế. Xây dựng thể chế trong ngành phải làm sao không gây cản trở, mà phục vụ cho sự phát triển, phù hợp tình hình thực tế. Có những quy định hôm nay đúng ngày mai không đúng; nhiệm kỳ này đúng nhiệm kỳ sau không đúng là bình thường. Phải lấy mục tiêu lợi ích quốc gia, dân tộc, của nhân dân làm ưu tiên hàng đầu thì mới làm được, còn lấn cấn lợi ích cục bộ sẽ không làm được.

Quang cảnh Hội nghị Quang cảnh Hội nghị

“Đầu tư cho thể chế là đầu tư cho phát triển, phải bố trí cán bộ giỏi, bố trí cơ sở vật chất, tài chính ở đây. Thể chế tập trung cho quản lý nhà nước: Chiến lược, quy hoạch, thể chế, cơ chế chính sách; xây dựng tiêu chí, tiêu chuẩn, quy trình, kiểm tra giám sát, thi đua khen thưởng, đánh giá tổng kết và xây dựng lý luận. Tôi mong tư duy Bộ Nội vụ đổi mới theo hướng này”, Thủ tướng nói.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng lưu ý Bộ Nội vụ tập trung hoàn thiện cơ chế quản lý cán bộ, công chức, viên chức, xây dựng tiêu chí, tiêu chuẩn, vị trí việc làm; quan tâm đến thu hút nhân tài, có cách tuyển dụng nhân tài thực. Bộ trưởng các bộ phải quyết tâm cải cách bộ máy bên trong; đẩy mạnh cải cách hành chính để người dân, doanh nghiệp không bị phiền hà. Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng thiết kế trợ lý ảo, đưa chuyển đổi số vào trong quản lý nhà nước.

Một vấn đề nữa được Thủ tướng nhắc đến, đó là công tác xây dựng Đảng, cần thấm nhuần 5 nguyên tắc lãnh đạo của Đảng, đặc biệt là nguyên tắc tập trung dân chủ, đây là vấn đề rất quan trọng trong công tác cán bộ, tổ chức bộ máy. Việc càng khó, càng phức tạp, càng phải phát huy dân chủ, giữ nguyên tắc huy động trí tuệ tập thể, bàn bạc thống nhất, rồi quyết định theo đa số, tôn trọng khách quan.

Thủ tướng yêu cầu nắm sát 5 phương thức lãnh đạo của Đảng, đặc biệt là phương thức thông qua tổ chức bộ máy của con người. Chống tham nhũng, tiêu cực, đặc biệt là không để xảy ra chạy chọt trong công tác cán bộ, bộ máy.

Vân Thanh


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo