Thứ Tư, ngày 11 tháng 12 năm 2024

Đánh giá doanh nghiệp cần trên tổng thể giá trị mang lại, không đánh giá từng việc một

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại phiên thảo luận tổ

(Thanhuytphcm.vn) - Ngày 23/11, sau khi nghe Chính phủ trình dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp (DN) sửa đổi, Quốc hội đã thảo luận về dự án này.

Thảo luận tại tổ, ĐB Trương Trọng Nghĩa (TPHCM) cho rằng, luật này rất quan trọng, nhất là thực tiễn cho thấy liên quan nhiều đến công tác cán bộ. Theo ĐB Trương Trọng Nghĩa, đầu tư là có lời có lỗ, nhưng chúng ta lại đưa nguyên tắc bảo toàn vốn, do đó cần quy định kỹ chỗ này, nhất là với đầu tư của phần vốn gia tăng, tích lũy. Mặt khác, một DN có thể trải qua những thăng trầm, có giai đoạn lãi, lỗ, rồi lại vực dậy, do đó khi xem xét trách nhiệm phải căn cứ nhiều yếu tố, kể cả yếu tố thị trường.

ĐB Trương Trọng Nghĩa nêu quan điểm, đã đầu tư là phải có lỗ, lãi, nên DN có vốn nhà nước cũng phải có sự linh hoạt, dự án này lỗ, nhưng dự án khác lãi, tổng hợp lại vẫn hiệu quả là được, nếu không chấp nhận lỗ lãi thì Nhà nước không đầu tư. Do đó, theo ĐB, dự thảo luật này vẫn chưa giải quyết, tháo gỡ được tâm lý cho các nhà đầu tư, chưa thoát khỏi tư duy cũ. Cần xác định, nếu tiêu cực, tham nhũng thì xử lý; nhưng thua lỗ do những yếu tố khách quan thì cần phải được xem xét khi xử lý để bảo đảm sự phù hợp.

ĐB Trần Hoàng Ngân (TPHCM) cũng cho rằng, khi nhà nước quyết định đầu tư vào DN thì đó là vốn nhà nước, nhưng về với DN thì đó là vốn DN, do đó cần có những phân cấp cho DN trong đầu tư để bảo đảm đầu tư kịp thời, nhưng phải bảo đảm cơ chế giám sát, thanh tra, kiểm tra của cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn nhằm tránh tiêu cực, thất thoát. Khi thấy có dấu hiệu tiêu cực thì phải tiến hành thanh kiểm tra ngay. “Đầu tư thì phải có rủi ro, nếu do cố ý thì phải xử lý, còn rùi ro do các yếu tố khách quan thì phải chấp nhận”, ĐB Trần Hoàng Ngân nêu.

ĐB Trần Hoàng Ngân (TPHCM) phát biểu ý kiến ĐB Trần Hoàng Ngân (TPHCM) phát biểu ý kiến

Cùng quan điểm với ĐB Trần Hoàng Ngân, ĐB Hoàng Văn Cường (TP Hà Nội) cho rằng, dòng tiền của nhà nước đi đến đâu thì có sự quản lý đến đó. Tuy nhiên, tiền vốn của nhà nước đã đầu tư vào DN thì trở thành vốn và tài sản của DN đó để DN quyết định đầu tư sản xuất kinh doanh mới đạt kết quả cao hơn. ĐB kiến nghị bổ sung quy định khi tiền vốn nhà nước trở thành tài sản của DN thì nhà nước trở thành người sở hữu cổ phần tương ứng với tỷ lệ vốn đóng góp vào, chứ không phải người sở hữu vốn.

ĐB Phạm Đức Ấn (TP Hà Nội) thì cho rằng, hiện nay, cơ chế quản lý DNNN giống như một “chiếc áo quá chật” không phù hợp với yêu cầu đổi mới và phát triển. Do đó, cần một cách tiếp cận mới là chuyển từ quản lý hành vi cụ thể sang đánh giá mục tiêu tổng thể. Ví dụ, một số quyết định kinh doanh có thể mắc sai lầm nhỏ nhưng nếu tổng thể DN đạt được chỉ tiêu và nhiệm vụ đề ra, thì không nên truy cứu trách nhiệm cá nhân quá mức.

Nêu ý kiến về dự án luật này, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, việc quản lý phải đảm bảo cho hoạt động DN thuận theo quy luật thị trường, quy luật giá trị, cung cầu và cạnh tranh, không thể can thiệp bằng các biện pháp hành chính; nên tuân thủ quản lý các DN theo cơ chế thị trường, hội nhập quốc tế, phù hợp điều kiện Việt Nam.

Đồng tình với cơ quan thẩm tra và ý kiến của các ĐB rằng khi đánh giá DN cần đánh giá tổng thể giá trị mang lại chứ không đánh giá từng việc một. Thủ tướng nêu ví dụ trong 10 việc được giao, có thể 2-3 việc họ làm chưa tốt, thua lỗ nhưng “tổng thể vẫn dương” là bảo toàn và phát triển vốn. “Kinh doanh không phải ngày một, ngày hai, việc nào cũng được cả. 10 việc làm tốt, chỉ 1 việc không tốt mà bị xử lý thì không ai dám làm”, Thủ tướng đặt câu hỏi.

Đoàn TPHCM thảo luận ngày 23/11 Đoàn TPHCM thảo luận ngày 23/11

Cùng ngày, Quốc hội thảo luận tại tổ dự án Luật Công nghiệp công nghệ số.

Theo ĐB Vũ Hải Quân (TPHCM), điểm nghẽn lớn nhất của ngành công nghiệp công nghệ số hiện nay của chúng ta là nhân lực trình độ cao, do đó điểm đột phá phải về vấn đề này, nhưng dự thảo luật thể hiện điều này còn mờ nhạt. Theo ĐB, chính sách phát triển nhân lực, cộng với thu hút nhân tài cho lĩnh vực này, phải được coi là chìa khóa quan trọng để phát triển ngành công nghiệp công nghệ số. Song song đó là vấn đề hạ tầng cho ngành công nghiệp công nghệ số. Tựu trung, phải có chính sách đột phá về con người. Hiện nay, các nước trong khu vực coi Việt Nam như mỏ tài nguyên về nhân lực, chúng ta cần tận dụng cơ hội này. ĐB cho rằng, dự luật này phải có những đột phá về tư duy, nếu không, lại cũng chỉ như dự án Luật Công nghệ thông tin ban hành cách đây vài chục năm.

ĐB Trần Thị Diệu Thúy (TPHCM) cũng cho rằng, dự án luật này là cơ hội để chúng ta phát triển công nghệ số như mục tiêu đã đặt ra. ĐB đề nghị cần xem xét kinh doanh tài sản số, dữ liệu số là ngành nghề kinh doanh có điều kiện mà Chính phủ cần quy định cụ thể. Về chính sách để phát triển nhân lực, ĐB Diệu Thúy quan điểm, đây đang là vấn đề lớn, chúng ta đào tạo nhiều nhưng trong khu vực công để tuyển rất khó vì lương thấp, do đó cơ hội chuyển đổi số trong khu vực công bị kìm hãm. “Cần có chính sách cho các trường đại học mở rộng đầu tư ngành này; có chính sách để tuyển dụng nhân lực ngành công nghệ số cho khu vực công, bởi với mức lương hiện nay thì các em không vào nhà nước làm”, ĐB nêu…

Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, phải có chính sách ưu đãi đúng mức để thu hút đầu tư công nghệ cao, kể bằng cả tiền mặt. Nguyên tắc chung luôn luôn là “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”, còn mức độ và cách thức thế nào thì các cơ quan xây dựng pháp luật phải tính toán cụ thể trên cơ sở lợi ích tổng thể. Đối với cơ chế thí điểm có kiểm soát, khâu quan trọng là kiểm soát thời gian thực hiện là chính; thay vì kiểm soát phạm vi, địa điểm. Sau một thời gian, xác định là tốt rồi thì bung ra ngay, không ổn thì kịp thời dừng lại…

Trung Kiên


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo