Thứ Sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024

Đại biểu băn khoăn về cơ chế chia sẻ rủi ro trong dự án Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư

Đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy

(Thanhuytphcm.vn) - Sáng 19/11, tiếp tục chương trình làm việc tại Kỳ họp thứ 8, đại biểu Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP).

Các ý kiến tại thảo luận cho rằng, trong quá trình thảo luận xây dựng luật là việc đảm bảo quyền lợi hợp pháp và chính đáng của các nhà đầu tư. Nhà nước với tư cách là vừa là cơ quan quản lý, nhưng đồng thời cũng lại là một nhà đầu tư, cần phải chú trọng vai trò nhà đầu tư của nhà nước để trở thành một đối tác bình đẳng với nhà đầu tư, các thành phần kinh tế khác, góp phần tăng tốc độ tăng trưởng kinh tế của đất nước.

Thảo luận tại hội trường về dự thảo luật, nội dung đại biểu quan tâm là cơ chế chia sẻ rủi ro về doanh thu giữa Nhà nước và nhà đầu tư. Theo Điều 77 dự thảo luật, áp dụng các biện pháp chia sẻ rủi ro về doanh thu bao gồm các biện pháp điều chỉnh mức giá, phí sản phẩm, dịch vụ hoặc điều chỉnh thời hạn hợp đồng PPP. Riêng đối với các dự án trọng điểm thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, sau khi đã thực hiện đầy đủ các biện pháp trên nhưng vẫn chưa đảm bảo được mức doanh thu cần thiết để duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh của dự án, cơ quan nhà nước có thẩm quyền báo cáo Chính phủ, xem xét áp dụng cơ chế chia sẻ rủi ro về doanh thu trong khả năng cân đối các nguồn lực. Theo đó, Chính phủ cam kết chia sẻ với nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án PPP không quá 50% phần hụt thu giữa doanh thu thực tế và doanh thu cam kết tại hợp đồng. Ngược lại, trong trường hợp tăng thu so với dự kiến thì nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án PPP cũng phải chia sẻ không thấp hơn 50% phần tăng thu.

Một số đại biểu bày tỏ băn khoăn đề nghị cơ quan soạn thảo quy định cụ thể hơn về cơ chế chia sẻ rủi ro và cơ chế áp dụng đối với các dự án thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Cho rằng, cơ chế chia sẻ rủi ro là cần thiết để tạo sự yên tâm cho nhà đầu tư là “có ăn, có chịu”, công - tư phân minh, hài hòa lợi ích, nâng cao trách nhiệm và nghĩa vụ của đôi bên trong thực hiện dự án, song, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) đề nghị dự luật làm rõ rủi ro này là do khách quan hay chủ quan. Cơ quan thanh tra, kiểm toán cần vào cuộc để xác định rủi ro và đề xuất xử lý trách nhiệm của đôi bên.

Theo đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy (Bến Tre), luật đã quy định rõ quy chế đấu thầu dự án, cơ chế minh bạch, công khai thông tin dự án, cơ chế lựa chọn nhà thầu. Trên cơ sở các thông tin đã cung cấp, doanh nghiệp tính toán kỹ, cân nhắc và tự nguyện tham gia đầu tư dự án. Do vậy, chỉ nên áp dụng cơ chế này trong trường hợp khách quan do thiên tai hoặc chủ quan do cơ quan nhà nước thay đổi về quy hoạch, pháp luật, cơ chế chính sách hỗ trợ… nhưng chỉ áp dụng ở mức doanh thu chênh lệch thấp hơn doanh thu thanh toán ở một tỷ lệ nhất định và cần xác định rõ thời điểm, giai đoạn cấp bù, cách tính và thời giá.

Đại biểu Hoàng Quang Hàm cho rằng quy định về cơ chế chia sẻ rủi ro như dự thảo Luật là bất hợp lý Đại biểu Hoàng Quang Hàm cho rằng quy định về cơ chế chia sẻ rủi ro như dự thảo Luật là bất hợp lý

Đại biểu Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ) cho rằng, bản chất của dự án PPP là nhà đầu tư bỏ vốn ra với kỳ vọng là thu được lợi nhuận. Nguồn tiền để trả nhà đầu tư là tiền, tài sản của nhà nước hoặc tiền phí người dân nộp, chứ không có nguồn tiền nào khác. Bản chất này đặt ra yêu cầu Luật phải quy định để nhà đầu tư thu lợi nhuận phù hợp nhưng số tiền, tài sản nhà nước bỏ ra hoặc người dân phải nộp là hợp lý, tối thiểu nhất.

Đối với cơ chế chia sẻ rủi ro, theo đại biểu Hoàng Quang Hàm, quy định như dự thảo Luật là bất hợp lý vì cho phép khi doanh thu thực tế cao hơn hoặc thấp hơn phương án tài chính trong hợp đồng thì được tăng, giảm mức giá, phí sản phẩm dịch vụ hoặc rút ngắn, kéo dài thời hạn hợp đồng; đối với các công trình trọng điểm, nhà nước còn bù phần hụt thu hoặc được chia thêm phần tăng thu. Quy định như vậy sẽ vô hiệu hóa toàn bộ kết quả đấu thầu vì giá trúng thầu thực chất là mức phí, thời gian thu bị điều chỉnh theo thực tế; bản chất là chuyển công trình đấu thầu thành chỉ định thầu và tạo lỗ hổng cho các nhà đầu tư bỏ giá thấp để trúng thầu, quá trình thực hiện sẽ điều chỉnh theo thực tế và luôn có lợi nhuận, không đạt mục tiêu của đấu thầu là cạnh tranh tìm nhà thầu phù hợp; vi phạm nguyên tắc thị trường là lời ăn lỗ chịu.

“Nhà nước phải bồi hoàn cho nhà đầu tư khi thay đổi chính sách, hoặc do các cơ quan của mình vi phạm, không phải lỗi của nhà đầu tư. Đồng thời trường hợp nhà đầu tư sai sót, vi phạm hoặc chi phối trái pháp luật để hưởng lợi thì phải có cơ chế thay đổi hợp đồng, bảo đảm lợi ích của nhà nước, người dân”, đại biểu Hoàng Quang Hàm nói.

Vân Thanh


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo