Thứ Sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024

Cơ chế đặc thù để phát triển nhân lực công nghiệp vật liệu

Các đại biểu chụp hình lưu niệm tại hội thảo. (ảnh: Thy Dương)

(Thanhuytphcm.vn) – Không chỉ tập trung đào tạo, bồi dưỡng mà còn rất cần các cơ chế, chính sách thu hút các nhà khoa học giỏi là người Việt Nam ở nước ngoài, thậm chí là các nhà khoa học nước ngoài tham gia vào các nhiệm vụ nghiên cứu về công nghệ vật liệu. Đó là những ý kiến được đưa ra tại Hội thảo quốc tế “Phát triển nguồn nhân lực công nghiệp vật liệu đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” do Ban Kinh tế Trung ương, Bộ Khoa học và Công nghệ, Đại học Quốc gia TPHCM phối hợp tổ chức ngày 10/4.

Khó khăn trong tuyển sinh đầu vào

Tại hội thảo, nhiều ý kiến cho rằng, trong hầu hết các lĩnh vực công nghệ, công nghiệp vật liệu giữ vai trò nền tảng, là động lực đổi mới quy trình chế tạo sản phẩm cùng với nâng cao chất lượng sản phẩm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người sử dụng. Công nghiệp vật liệu không chỉ đóng vai trò sản xuất trực tiếp đáp ứng yêu cầu của người dân mà còn giữ vai trò phụ trợ trong phát triển tất cả các lĩnh vực sản xuất.

Một số ý kiến đã nêu lên thực trạng phát triển nguồn nhân lực công nghiệp vật liệu hiện nay... PGS.TS Phan Bách Thắng, Giám đốc Trung tâm INOMAR, Đại học Quốc gia TPHCM cho biết, từ năm 1995 đến nay, Đại học Quốc gia TPHCM đã thành lập các đơn vị đào tạo đại học và sau đại học, nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực khoa học và công nghệ vật liệu. Hàng năm lượng sinh viên đầu vào ngành công nghiệp vật liệu khoảng 800 sinh viên, thạc sĩ khoảng 25 – 40 học viên và chương trình tiến sĩ là 8 - 10 nghiên cứu sinh. Như vậy, so với nhu cầu nguồn nhân lực về ngành công nghiệp vật liệu ở khu vực phía Nam thì quy mô đào tạo hiện nay ở các trường thành viên Đại học Quốc gia TPHCM vẫn còn khá ít do có sự cạnh tranh rất mạnh của các nhóm ngành như công nghệ thông tin, điện tử… Vì vậy, khó khăn trong tuyển sinh đầu vào.

Liên quan đến vấn đề đào tạo, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) Nguyễn Thu Thủy cho rằng, trước những khó khăn trong việc tuyển sinh ngành công nghiệp vật liệu hiện nay, cần có Nghị quyết của Đảng, Quốc hội để đưa ra cơ chế đặc thù riêng trong tuyển sinh, đào tạo ngành này. Hiện trong xây dựng chương trình, Bộ Giáo dục – Đào tạo luôn cân nhắc để đưa vào cơ cấu ngành nghề đào tạo, trong đó có đào tạo ngành công nghiệp vật liệu; xây dựng chuẩn đầu ra đảm bảo chuẩn mực khu vực và quốc tế.

Theo Bộ trưởng Bộ Khoa học - Công nghệ Huỳnh Thành Đạt, đối với việc phát triển nhân lực công nghệ vật liệu, Bộ Khoa học – Công nghệ luôn chủ trương đẩy mạnh đào tạo, bồi dưỡng nhân lực thông qua thực hiện các nhiệm vụ khoa học – công nghệ. Bên cạnh đó, các nội dung nghiên cứu, ứng dụng vật liệu cũng đã được ưu tiên lồng ghép trong các chương trình khoa học – công nghệ cấp quốc gia khác. Theo đồng chí Huỳnh Thành Đạt, với nhu cầu nguồn nhân lực ngành công nghiệp vật liệu ngày càng cao như hiện nay ở Việt Nam, chúng ta không chỉ tập trung đào tạo, bồi dưỡng mà còn rất cần các cơ chế, chính sách để thu hút các nhà khoa học giỏi là người Việt Nam ở nước ngoài, thậm chí là thu hút các nhà khoa học nước ngoài tham gia vào các nhiệm vụ nghiên cứu về công nghệ vật liệu của Việt Nam. Đây là nguồn cung nhân lực lớn, chất lượng cao mà chúng ta cần lưu tâm để đẩy mạnh việc thu hút trong thời gian tới.

Hỗ trợ đào tạo nhân lực chất lượng cao, nghiên cứu khoa học

Đóng góp ý kiến tại hội thảo, một số chuyên gia nước ngoài đã đề xuất các giải pháp phát triển nhân lực cho ngành công nghiệp vật liệu. Theo Tiến sĩ Kon Yohichi, Viện trưởng Viện Nghiên cứu, Công ty Cổ phần Hoá học Kim loại Tokyo, Nhật Bản, để phát triển công nghiệp vật liệu, có thể đưa công nghệ kỹ thuật từ các các quốc gia xuất khẩu cơ sở hạ tầng vào Việt Nam. Cùng với đó là chọn các công ty Việt Nam có sức cạnh tranh cao trong lĩnh vực công nghệ kỹ thuật tiên tiến để sản xuất và đưa ra thị trường và được hưởng chế độ đặc biệt. Muốn vậy, cần có sự hỗ trợ của nhà nước như: miễn, giảm thuế hoặc trợ cấp vốn… cho các doanh nghiệp khai thác, sản xuất vật liệu; hỗ trợ các doanh nghiệp có khả năng về cung cấp kỹ thuật, đào tạo lao động, điểm bán hàng, vốn đầu tư…

Các đại biểu tham gia phần thảo luận. (ảnh: Thy Dương) Các đại biểu tham gia phần thảo luận. (ảnh: Thy Dương)

Riêng đối với TPHCM, Phó Chủ tịch UBND TP Dương Anh Đức cho biết, lãnh đạo TP luôn ý thức để TP phát triển bền vững phải dựa trên ứng dụng khoa học công nghệ, nhất là các ngành thuộc nhóm công nghiệp công nghệ cao, trong đó có công nghiệp vật liệu. TP luôn mong muốn tiếp nhận các ý tưởng phát triển công nghiệp công nghệ cao, trong đó có công nghiệp vật liệu. Thời gian qua, TPHCM đã có nhiều chương trình quan tâm hỗ trợ phát triển doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, phát triển các sản phẩm chủ lực, trong đó TP mong đợi sản phẩm chủ lực về công nghiệp vật liệu. TP cũng đã dành nguồn vốn kích cầu đầu tư, hỗ trợ phát triển ngành công nghiệp trọng điểm, công nghệ cao. Các dự án được vay vốn kích cầu thì toàn bộ lãi suất do TP chi trả. Thời gian vay tối đa là 7 năm, trường hợp đặc biệt có thể lên đến 10 năm. TP cũng luôn hỗ trợ đào tạo nhân lực chất lượng cao; các chương trình nghiên cứu khoa học, lĩnh vực khoa học vật liệu và liên quan, từ đó tạo ra những sản phẩm hỗ trợ cho các nhóm nghiên cứu.

Phát biểu tổng kết hội thảo, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh nhấn mạnh, công nghiệp vật liệu là một trong những nền tảng quan trọng để đảm bảo chiến lược công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế của Việt Nam hiện nay và tới đây. Từ ý kiến tại hội thảo, đồng chí Trần Tuấn Anh cho biết, nguồn nhân lực cho công nghiệp vật liệu thời gian tới với yêu cầu cao, vì vậy cần quan tâm hơn nữa, đặt mục tiêu ưu tiêu hàng đầu phát triển nhân lực cho công nghiệp vật liệu, cũng như nhân lực để thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Trước những bất cập trong phát triển nhân lực công nghiệp vật liệu hiện nay, đòi hỏi có cơ chế đặc thù để đào tạo phát triển nguồn nhân lực, giải quyết những vấn đề thị trường công nghệ với sự gắn kết chặt chẽ của cơ sở nghiên cứu, nhà đào tạo, cộng đồng doanh nghiệp với vai trò nhà nước trong việc kết nối này.

“Các ý kiến thống nhất là cần tiếp tục đào tạo nhân lực để đảm bảo được tính tự chủ cho sản xuất công nghiệp; cần nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, cộng đồng doanh nghiệp, sản phẩm trong các ngành công nghiệp, trong đó có công nghiệp vật liệu. Đối với vai trò của Nhà nước là cần có cơ chế chính sách phù hợp thực tiễn để phát triển theo xu hướng chung của thế giới và những đòi hỏi trong thực thi các cam kết hội nhập của Việt Nam. Những kinh nghiệm quốc tế có nhiều giá trị đối với nước ta và cần được cụ thể hóa trong môi trường, bối cảnh cụ thể ở Việt Nam trong giai đoạn hội nhập quốc tế và phát triển như hiện nay” – đồng chí Trần Tuấn Anh kết luận.

S.Hải


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo