Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn (Thanhuytphcm.vn) – Ngày 8/10, tiếp tục chương trình phiên họp thứ 38, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035.
Theo tờ trình của Chính phủ, Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035 sẽ thực hiện trên phạm vi cả nước và tại một số quốc gia có mối quan hệ văn hoá lâu dài, tương tác văn hoá lâu dài với Việt Nam, có đông đảo người Việt Nam sinh sống, lao động, học tập. Trong đó, ưu tiên nguồn lực của Chương trình để đầu tư cho các nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm theo nhóm mục tiêu đã được xác định.
Chương trình tập trung vào các hoạt động thuộc các lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật cụ thể gồm: Di sản văn hóa; văn hóa cơ sở; nghệ thuật biểu diễn (âm nhạc, sân khấu, múa...); văn học; mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm; điện ảnh; thư viện; giáo dục văn hóa; đào tạo; văn hóa dân tộc (văn nghệ dân gian, văn nghệ các dân tộc thiểu số,…); văn hóa đối ngoại; công nghiệp văn hóa…
Trình bày ý kiến thẩm tra tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh cho biết, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục nhất trí với sự cần thiết chủ trương đầu tư Chương trình. Về kinh phí thực hiện Chương trình, Ủy ban cơ bản nhất trí với dự kiến tổng mức đầu tư và các nguồn vốn để thực hiện Chương trình; đồng thời nhấn mạnh, việc bố trí nguồn lực thỏa đáng là cần thiết để cụ thể hóa đầy đủ, hiệu quả các quan điểm, chủ trương của Đảng về phát triển văn hóa.
Qua thảo luận, về cơ bản, các ý kiến của UBTVQH đều nhất trí cho rằng các mục tiêu của Chương trình rất có ý nghĩa và quan trọng. Tuy nhiên, nhiều ý kiến đề nghị Chính phủ cần cân nhắc để đảm bảo về tính khả thi của một số mục tiêu đề và khả năng giải ngân trong từng giai đoạn. Do tổng mức đầu tư của Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035 là rất lớn; vì vậy cần nghiên cứu, đánh giá kỹ quy mô, cơ cấu, khả năng huy động, bố trí các nguồn lực thực hiện Chương trình bảo đảm tính khả thi, phù hợp với khả năng đáp ứng của nguồn lực quốc gia, sử dụng hiệu quả ngân sách. Việc xây dựng cơ chế chính sách, hệ thống các văn bản hướng dẫn để chuẩn bị thực hiện các nhiệm vụ của Chương trình cũng cần cân nhắc kéo dài hơn để đảm bảo tính khả thi, phù hợp.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đánh giá Chương trình đã được chuẩn bị khá công phu, nhưng cũng bày tỏ lo ngại về khả năng thực hiện kế hoạch vốn cho năm 2025 (khoảng 400 tỷ đồng), vì bố trí vốn đã khó, việc giải ngân kịp cũng khó, dẫn đến việc không khả thi. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho rằng, trong bối cảnh ngân sách nhà nước còn khó khăn như hiện nay thì cần “lấy văn hóa nuôi văn hóa”, tập trung vào một số trọng tâm, trọng điểm; đồng thời cần cân nhắc kỹ việc xây dựng các trung tâm văn hóa Việt Nam ở nước ngoài, đảm bảo tính hiệu quả, thiết thực.
Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cũng nhấn mạnh yêu cầu bảo đảm tính khả thi, đồng bộ của Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cần tiếp tục rà soát để bảo đảm các mục tiêu tổng quát của Chương trình bám sát các chủ trương, đường lối của Đảng về phát triển văn hóa, con người Việt Nam; cập nhật kịp thời các chủ trương mới; phát huy sức mạnh của nhân dân để xây dựng các thương hiệu văn hóa, du lịch...
Toàn cảnh phiên họp Cùng ngày, UBTVQH cho ý kiến về dự án Luật Nhà giáo. Bộ trưởng Bộ Giáo dục-Đào tạo (GD-ĐT) Nguyễn Kim Sơn cho biết, hồ sơ dự án luật đã được bổ sung, làm rõ những chính sách nâng lên từ quy định của văn bản dưới luật; những chính sách quy định lại từ các luật chuyên ngành hiện hành; những chính sách mới của dự thảo luật... Đặc biệt, dự án đã được bổ sung nội dung đánh giá tác động về tài chính, ngân sách đảm bảo điều kiện thi hành luật khi được thông qua.
Về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, Luật Nhà giáo áp dụng đối với nhà giáo được tuyển dụng, làm việc toàn thời gian trong các cơ sở thuộc hệ thống giáo dục quốc dân (không phân biệt công lập, tư thục, bao gồm cả người Việt Nam và người nước ngoài). Trên cơ sở đó, các chính sách trong dự thảo luật được chỉnh lý theo hướng, ngoài các điều, khoản quy định chung, còn một số nội dung chính sách được thiết kế riêng cho từng nhóm đối tượng: nhà giáo công lập (gồm chế tài theo luật viên chức và các quy định riêng); nhà giáo ngoài công lập; nhà giáo người nước ngoài (gồm chế tài theo Bộ luật Lao động và các quy định riêng).
Liên quan đến quy định về đánh giá nhà giáo, Bộ trưởng nêu rõ, tiếp thu ý kiến của UBTVQH, dự thảo được chỉnh lý theo hướng quy định những nội dung riêng về đánh giá định kỳ đối với nhà giáo (thời điểm đánh giá theo năm học, không theo năm hành chính, nội dung đánh giá căn cứ vào chuẩn nghề nghiệp nhà giáo); còn quy trình, thủ tục, tiêu chuẩn xếp loại nhà giáo thực hiện theo pháp luật về viên chức (với nhà giáo công lập) hoặc pháp luật về lao động và quy chế của cơ sở giáo dục (đối với nhà giáo ngoài công lập).
Các ý kiến ủy viên UBTVQH cho rằng, dự thảo luật cần tạo ra mặt bằng chế độ, chính sách tương đối bình đẳng đối với nhà giáo trong và ngoài công lập, để thực hiện phương châm đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục. Bày tỏ quan ngại về những phản ánh trên các phương tiện thông tin đại chúng chính thống về một số vụ việc ảnh hưởng đến uy tín, hình ảnh của giáo viên, Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thanh Hải đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo chú trọng bổ sung, hoàn thiện quy định về đạo đức nhà giáo; không thể lấy lý do khó khăn, thu nhập thấp… để biện minh cho những việc làm chưa đẹp, thậm chí vi phạm pháp luật.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cũng cho rằng dự thảo luật không nên dàn trải các chính sách dành cho nhà giáo, mà chỉ nên tập trung vào một số chính sách trọng tâm.