Thứ Sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024

Chú trọng công tác giảm nghèo bền vững sau dịch

Đồng chí Phan Nguyễn Như Khuê, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM, tặng quà và thăm hỏi tình hình sức khỏe, đời sống các hộ dân gặp khó khăn ở chung cư 21-41 Tản Đà (Phường 10, Quận 5), ngày 5/8/2021. (Ảnh: nld.com.vn)

(Stxdd.thanhuytphcm.vn) - Một trong những thành tựu nổi bật của Việt Nam trong những năm qua là đã hoàn thành sớm mục tiêu Thiên niên kỷ của Liên hợp quốc về xóa đói, giảm nghèo, được cộng đồng quốc tế đánh giá là điểm sáng về giảm nghèo trên thế giới. Năm 1993, tỷ lệ hộ nghèo cả nước là 58,1%, đến năm 2020 chỉ còn 2,75%. Kết quả trên có ý nghĩa rất to lớn, khẳng định ý chí, quyết tâm cao của toàn Đảng, toàn dân ta trong công cuộc xóa đói, giảm nghèo. Đóng góp vào kết quả đó, các mô hình giảm nghèo của TPHCM đã luôn thể hiện sự đi trước và có ý nghĩa lan tỏa đến nhiều địa phương trong cả nước.

Mới đây, ngày 23/6/2021, Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị số 05-CT/TW “về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giảm nghèo bền vững đến năm 2030”. Chỉ thị nêu rõ, bên cạnh những thành tựu đạt được, kết quả giảm nghèo chưa thật sự bền vững, nguy cơ tái nghèo và phát sinh nghèo còn cao; chênh lệch mức sống, điều kiện tiếp cận các dịch vụ cơ bản, tiếp cận thị trường, giải quyết việc làm giữa các địa phương, vùng, miền, nhóm dân cư chưa được thu hẹp nhiều; một số nơi tỷ lệ hộ nghèo còn cao, đời sống còn khó khăn, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, bãi ngang ven biển và hải đảo. Một số cơ chế, chính sách, chương trình giảm nghèo chưa thực sự hiệu quả; một bộ phận người nghèo vẫn còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước và cộng đồng, chưa chủ động tự vươn lên thoát nghèo. Một số cấp ủy đảng, chính quyền chưa nhận thức đầy đủ tầm quan trọng của công tác giảm nghèo; lãnh đạo, chỉ đạo có lúc, có nơi chưa quyết liệt, kịp thời, hiệu quả quản lý nhà nước có mặt còn hạn chế. Nguồn lực đầu tư cho công tác giảm nghèo chưa đáp ứng được nhu cầu thực tiễn, chưa khơi dậy được tiềm năng, thế mạnh, chưa phát huy được nội lực của toàn dân và cộng đồng. Biến đổi khí hậu, thiên tai, quá trình đô thị hóa nhanh, chất lượng nguồn nhân lực thấp; đặc biệt, tác động của dịch bệnh Covid-19 tiếp tục là những thách thức lớn đối với công tác giảm nghèo bền vững…

Tại TPHCM, từ năm 2016, phong trào giảm nghèo, tăng hộ khá đã được đổi thành phong trào giảm nghèo bền vững. Đây không chỉ là cách gọi mà còn là một sự thay đổi lớn về nhận thức và hành động trong công tác giảm nghèo.

Trong giai đoạn 2019 - 2020, với chuẩn hộ nghèo là hộ có thu nhập từ 28 triệu đồng/người/năm trở xuống, hộ cận nghèo là 28 - 36 triệu đồng/người/năm, đầu năm 2019, TPHCM có 27.432 hộ nghèo (chiếm 1,11% dân số thành phố) và 32.143 hộ cận nghèo (chiếm 1,3% dân số). Đến cuối năm 2020, thành phố còn hơn 3.100 hộ nghèo (chiếm 0,13% dân số) và gần 15.200 hộ cận nghèo (chiếm 0,61% dân số). Thành phố đã hoàn thành mục tiêu cơ bản không còn hộ nghèo theo chuẩn nghèo thành phố giai đoạn 2016 - 2020 (thu nhập dưới 21 triệu đồng/người/năm), đạt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội X Đảng bộ TPHCM đề ra trước thời hạn 1 năm.

Trong giai đoạn 2021 - 2025, thành phố tiếp tục thực hiện các chính sách hỗ trợ giảm nghèo theo quy định, đồng thời lồng ghép các chính sách đặc thù như thực hiện hỗ trợ có điều kiện trong việc kéo giảm các chiều; hộ thoát chuẩn hộ cận nghèo được tiếp tục hỗ trợ chính sách an sinh xã hội như hộ cận nghèo trong 24 tháng kể từ khi thoát chuẩn hộ cận nghèo… Thành phố phấn đấu đến năm 2025 cơ bản không còn hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021 - 2025.

Tặng phương tiện mưu sinh cho người nghèo tại Lễ phát động Tháng cao điểm “Vì người nghèo” năm 2021 (ngày 9/10/2021). (Ảnh: thanhnien.vn) Tặng phương tiện mưu sinh cho người nghèo tại Lễ phát động Tháng cao điểm “Vì người nghèo” năm 2021 (ngày 9/10/2021). (Ảnh: thanhnien.vn)

Hiện nay, TPHCM áp dụng chuẩn nghèo đa chiều gồm 5 chiều gắn với 10 chỉ số thiếu hụt, gồm: chiều y tế có 2 chỉ số thiếu hụt về “dinh dưỡng” và “bảo hiểm y tế”; chiều giáo dục và đào tạo có 2 chỉ số thiếu hụt về “trình độ giáo dục - đào tạo của người lớn trong độ tuổi từ 16 đến 30 tuổi” và “tình trạng đi học của trẻ em”; chiều việc làm - bảo hiểm xã hội có 2 chỉ số thiếu hụt về “tiếp cận việc làm” và “bảo hiểm xã hội”; chiều điều kiện sống có 2 chỉ số thiếu hụt về “nhà ở” và “nguồn nước sinh hoạt an toàn”; chiều thu nhập có 2 chỉ số thiếu hụt về “thu nhập” và “người phụ thuộc”. Riêng ở chiều cuối này, hộ nghèo là hộ có thu nhập bình quân từ 36 triệu đồng/người/năm trở xuống, hộ gia đình có tỷ lệ người phụ thuộc trong tổng số nhân khẩu lớn hơn 50%, đồng thời quy định người phụ thuộc bao gồm trẻ em dưới 16 tuổi, người cao tuổi hoặc người khuyết tật đang hưởng chính sách trợ cấp xã hội hằng tháng.

Dịch Covid-19 trong gần nửa năm qua đã ảnh hưởng nghiêm trọng để các mặt đời sống xã hội, chắc chắn sẽ làm tăng số hộ nghèo và cận nghèo, tăng các chiều thiếu hụt ở từng hộ. Do đó, để bảo đảm công tác giảm nghèo bền vững của thành phố, trước mắt cần tập trung vào một số nội dung trọng tâm:

Thứ nhất, nhanh chóng triển khai thống kê, rà soát số lượng và đánh giá tình hình đời sống và các chiều thiếu hụt của người dân thành phố để xác định chính xác số hộ nghèo và cận nghèo để có chính sách và biện pháp giải quyết phù hợp. Công tác này phải thực sự khách quan, chính xác và nắm chắc số lượng, đặc điểm của từng hộ để thực hiện các giải pháp hỗ trợ phù hợp.

Thứ hai, đẩy mạnh hoạt động dạy nghề, giải quyết việc làm, hỗ trợ khởi nghiệp, tặng phương tiện kiếm sống…; trong đó, chú ý kết nối giữa các tổ chức chính trị - xã hội của địa phương với các đơn vị có chức năng đào tạo và giới thiệu việc làm cùng các doanh nghiệp trong việc xác định cách thức giúp người dân phù hợp, hiệu quả.

Thứ ba, tiếp tục phát huy sự chia sẻ, giúp đỡ lẫn nhau của người dân, của các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức nghề nghiệp… trong việc chăm lo, hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo bằng những cách thức phù hợp, thông qua phong trào thi đua "Cả nước chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau"; trong đó, cần quan tâm các giải pháp hỗ trợ về giáo dục cho trẻ em, đặc biệt là với các trường hợp mồ côi cha, mẹ do Covid-19.

Thứ tư, các cấp ủy, tổ chức đảng cần giáo dục, động viên sự nêu gương của cán bộ, đảng viên trong công tác nắm bắt thông tin, hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn hoặc ở phạm vi quản lý. Có thể xây dựng mô hình nhóm đảng viên phụ trách hỗ trợ một hoặc một số hộ nghèo hoặc một tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị chịu trách nhiệm chăm lo, giúp đỡ một hộ hoặc một số hộ nghèo bằng nhiều hình thức hay từng địa phương tập trung giúp các hộ thật sự khó khăn sau đó chuyển dần sang các trường hợp khác…

Trong số các định hướng của Chỉ thị 05 của Ban Bí thư, có hai giải pháp song hành nhau, khi triển khai thực hiện cần thực sự quan tâm và có sự tập trung, đó là: “đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu trong công tác giảm nghèo; phát huy mạnh mẽ truyền thống đoàn kết, tinh thần "tương thân, tương ái" của dân tộc ta đối với người nghèo” và “động viên, hướng dẫn người nghèo, hộ nghèo có kiến thức, kinh nghiệm trong lao động, sản xuất, chủ động vươn lên thoát nghèo, không trông chờ, ỷ lại vào sự giúp đỡ của Nhà nước và xã hội”. Suy cho cùng, để giảm nghèo bền vững thì không thể để “lệch” trong thực hiện các giải pháp này.

Vân Tâm

Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo