Thứ Ba, ngày 19 tháng 3 năm 2024

Chọn người tài đức dựa vào sự tâm huyết, chân thành trong nhận thức cùng với khát vọng cống hiến trong sáng

Cán bộ công chức tham gia thảo luận nhóm trong một lớp Trung cấp Lý luận chính trị - Hành chính năm 2020. Ảnh minh họa (Ảnh: Mai Trần)

(Thanhuytphcm.vn) - “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia”, câu nói đó được truyền từ ngàn đời cho đến nay và mãi tận mai sau vẫn giữ nguyên một giá trị vĩnh cữu xuyên suốt trong quá trình hình thành và phát triển của dân tộc và đất nước Việt Nam. “Nguyên khí” đó mạnh thì nước mạnh, ngược lại thì nước suy, xã hội loạn lạc làm tăng nguy cơ của sự suy thoái đạo đức, lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm đặt lên trên lợi ích chung của dân tộc.

Đại hội lần thứ XIII của Đảng dự kiến diễn ra trong quý I/2021 sẽ là một cơ hội để toàn hệ thống chính trị Việt Nam rà soát, đánh giá những ưu điểm và khuyết điểm trong nhiệm kỳ qua, đồng thời đề ra phương hướng hoạt động, chương trình hành động trong nhiệm kỳ mới. Công tác chuẩn bị nhân sự Đại hội được xác định là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, là nhiệm vụ “then chốt” của “then chốt”, có liên quan đến sự sống còn của Đảng, vận mệnh của chế độ, ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của đất nước, ổn định chính trị và đời sống an sinh xã hội của người dân. Lúc sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã luôn quan tâm sâu sắc đến công tác cán bộ, đào tạo đội ngũ cán bộ kế thừa “vừa hồng, vừa chuyên” đáp ứng trong mọi hoàn cảnh khó khăn để góp phần lèo lái “con tàu Việt Nam” tiến ra biển lớn hội nhập với thế giới.

Thật buồn và đáng tiếc khi trong thời gian qua, nhìn lại từ những đại án tham nhũng, Đảng và Nhà nước ta đã tổn thất rất nhiều về cán bộ. Trước thực trạng đó, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã phát biểu một câu đầy tâm trạng: “Chúng ta không thích thú gì khi phải kỷ luật đồng chí, đồng đội mình”. Tâm trạng bởi Đảng và Nhà nước đã từng trao nhiều cơ hội cho những cán bộ lãnh đạo, quản lý được ăn học đến nơi đến chốn, luân chuyển họ đến nhiều nơi để tích lũy kinh nghiệm trong thực tiễn, đồng cam cộng khổ với người dân để từ đó tự phát triển bản thân và có tầm nhìn xa trông rộng góp phần cho sự nghiệp phát triển chung của dân tộc và đất nước. Đau xót đến nỗi, người đứng đầu của Đảng cũng phải thẳng thắn nói rằng: “Đừng nhìn thấy đỏ tưởng là chín”.

Vấn đề đặt ra ở đây, là phải chăng chúng ta đang thiếu những đảng viên, cán bộ có đủ tài lẫn đức? Hay là công tác quy hoạch cán bộ vẫn còn những sơ hở để cho “một bộ phận không nhỏ” cơ hội chính trị, kém cỏi về trình độ, thiếu tu dưỡng đạo đức “chui sâu, trèo cao” vì lợi ích cá nhân và lợi ích nhóm thay vì lợi ích chung của dân tộc? Chính điều này làm cho “nguyên khí quốc gia” đang suy dần và có nguy cơ ảnh hưởng theo chiều hướng tiêu cực đến thành quả cách mạng của biết bao thế hệ đi trước đã dày công xây dựng và vun đắp.

Vị thế và hình ảnh Việt Nam trong thời gian qua đang ngày càng được nâng tầm và đã tạo dựng được lòng tin vững chắc của bạn bè thế giới. Để có được những thành quả như vậy, bên cạnh những chính sách và chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước, còn có những cống hiến trong sáng, không ngừng mệt mỏi của đội ngũ trí thức trong và ngoài nước. Không ít trường hợp các trí thức lựa chọn con đường quay về cùng đồng hành với bước tiến của đất nước. Những trí thức đó có người là đảng viên, có người không phải là đảng viên nhưng tựu chung một khát vọng vì sự hùng cường của Việt Nam để “sánh vai cùng các cường quốc năm châu” thỏa lòng mong mỏi của biết bao bậc tiền nhân đi trước.

Chính vì lý do đó, công tác cán bộ trong thời gian tới cần có sự thay đổi trong quy trình tuyển dụng và bổ nhiệm đội ngũ trí thức vào những vị trí trong hệ thống chính trị, ở các cơ quan nhà nước. Cùng với đó là thử thách, rèn luyện, bồi dưỡng để ngày càng có nhiều trí thức đứng vào hàng ngũ của Đảng. Ngoài việc thực hiện các chế độ đãi ngộ, chế độ lương thì chọn người tài đức phải dựa vào sự tâm huyết, chân thành trong nhận thức cùng với khát vọng cống hiến trong sáng và chính đáng của họ. Cũng chính vì sự tự trọng và khát vọng cống hiến, người có tài đức sẵn sàng gánh vác những trọng trách được giao, họ sẽ chủ động đề xuất, dám nghĩ, dám làm và tự chịu trách nhiệm trước những quyết định của họ. Khi đã tạo được niềm tin, hãy mạnh dạn trao cơ hội cho họ vào các vị trí chủ chốt trong bộ máy công quyền thay vì mất quá nhiều thời gian cho các quy trình bổ nhiệm như hiện nay. Đừng quá hoài nghi, xét nét về khả năng của họ khi giao việc. Cùng với sự bùng nổ của công nghệ thông tin và mạng xã hội thì chúng ta đang có một lợi thế trong việc kiểm tra, giám sát từ dư luận xung quanh, đó cũng chính là “tai, mắt của nhân dân” trong thời đại công nghệ 4.0.

Suy cho cùng, muốn đất nước phát triển, đổi mới thành công, Đảng và Nhà nước thu hút được nhiều chất xám, trọng dụng được người tài đức thì công tác cán bộ phải thấm nhuần phong cách tư duy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nổi bật là phẩm chất hài hòa, uyển chuyển, linh hoạt như câu “dĩ bất biến, ứng vạn biến” của Người.

ThS Nguyễn Tuấn Anh


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo