Thứ Sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024

Cho phép cảnh sát cơ động huy động người, phương tiện dân sự trong trường hợp cấp bách

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng – An ninh Lê Tấn Tới

(Thanhuytphcm.vn) - Thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) báo cáo giải trình, tiếp thu chỉnh lý dự thảo Luật Cảnh sát cơ động (CSCĐ) cuối buổi sáng 26/5, Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng – An ninh Lê Tấn Tới cho biết, sau khi lấy ý kiến các đại biểu tại Kỳ họp thứ 2, Thường trực Ủy ban đã chủ trì, phối hợp với Ban soạn thảo và các cơ quan hữu quan nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật.

Chỉ quy định những nhiệm vụ mang tính đặc thù đang thực hiện ổn định 

Tại dự thảo lần này, tiếp thu ý kiến đại biểu, UBTVQH đã chỉnh lý Điều 9 về Nhiệm vụ của CSCĐ theo hướng chỉ quy định những nhiệm vụ mang tính đặc thù đang thực hiện ổn định của CSCĐ trên cơ sở kế thừa Pháp lệnh CSCĐ.

Đề cập đến quyền hạn của CSCĐ, đồng chí Lê Tấn Tới cho biết, một số ý kiến đề nghị quy định chặt chẽ, cụ thể hơn yêu cầu cung cấp sơ đồ, thiết kế công trình của cơ quan và chỗ ở cá nhân. Lý do là việc này liên quan đến quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở đã được Hiến định; đồng thời loại trừ trường hợp vào các trụ sở, công trình do Bộ Quốc phòng quản lý.

Tiếp thu ý kiến các vị đại biểu, UBTVQH đã chỉnh lý lại khoản này, đồng thời, để bảo đảm cụ thể, chặt chẽ, rõ ràng, trên cơ sở luật hóa quy định của Bộ Công an, đề nghị Quốc hội cho bổ sung Điều 13 quy định vào trụ sở, nơi ở của cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện theo quy định của pháp luật về phòng, chống khủng bố.

Thảo luận sau đó tại Hội trường, đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi (Bến Tre) cho rằng, quy định như vậy chưa thật sự đầy đủ. “Lực lượng CSCĐ có rất nhiều nhiệm vụ, ngoài nhiệm vụ chống bạo loạn, chống khủng bố như là tấn công, ngăn chặn đối tượng có hành vi bắt cóc con tin… Như vậy, ngoài nhiệm vụ chống khủng bố còn có nhiều nhiệm vụ khác mà CSCĐ phải vào trụ sở cơ quan, tổ chức, chỗ ở của cá nhân mới có thể thực hiện được nhiệm vụ của mình, nếu chỉ quy định trường hợp chống khủng bố và áp dụng theo quy định của Luật Phòng, chống khủng bố thì chưa đầy đủ” – đại biểu Yến Nhi phân tích.

ĐB Tô Văn Tám (Kon Tum) ĐB Tô Văn Tám (Kon Tum)

Còn đại biểu Hoàng Đức Thắng (Quảng Trị) lưu ý, dự thảo Luật cần phải quy định rõ việc CSCĐ vào trụ sở của cơ quan, tổ chức, chỗ ở của cá nhân để làm gì thì mới phải tuân thủ thực hiện theo quy định của pháp luật về phòng, chống khủng bố.

Cũng liên quan đến nội dung này, đại biểu Quản Minh Cường (Đồng Nai) chỉ rõ, Khoản 6 Điều 10 về quyền hạn của lực lượng CSCĐ quy định CSCĐ có quyền yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp sơ đồ, thiết kế của công trình, trụ sở, nhà ở, phương tiện…; được vào trụ sở cơ quan, tổ chức, chỗ ở của cá nhân theo quy định tại Điều 13 của Luật này để giải cứu con tin, trấn áp khủng bố. Đại biểu đề xuất bỏ từ “yêu cầu” để đảm bảo quyền hạn thích hợp cho cảnh sát cơ động, giúp lực lượng này hoàn thành tốt nhiệm vụ trong các tình huống thực tế…

Nội dung nữa cũng được nhiều đại biểu quan tâm là quy định huy động người, phương tiện, thiết bị (Điều 16). Tiếp thu ý kiến thảo luận từ kỳ trước, Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng – An ninh Lê Tấn Tới thông tin, UBTVQH đã chỉnh lý tên điều và nội dung điều luật theo hướng chỉ huy động người, phương tiện, thiết bị dân sự như Điều 16 dự thảo Luật trình Quốc hội.

Trước một số ý kiến cho rằng hoạt động tuần tra, kiểm soát là hoạt động thường xuyên không mang tính cấp bách nên quy định quyền huy động trong trường hợp này là không phù hợp; có ý kiến đề nghị bổ sung các trường hợp khác CSCĐ được quyền huy động như phòng chống thiên tai, thảm họa…; có ý kiến đề nghị quy định CSCĐ chỉ được huy động trong các trường hợp thực hiện nhiệm vụ do CSCĐ chủ trì.

Giải trình, UBTVQH thông tin, quy định về thẩm quyền huy động người, phương tiện, thiết bị dân sự nhằm bảo đảm các điều kiện để CSCĐ hoàn thành nhiệm vụ được giao trong các trường hợp cấp bách. Với nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát bảo đảm an ninh, trật tự, khi duy trì hoạt động bình thường theo phương án, kế hoạch thì CSCĐ không được huy động người, phương tiện, thiết bị.

Tuy nhiên, Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng – An ninh Lê Tấn Tới nêu rõ, trong quá trình tuần tra, kiểm soát, nếu phát hiện trường hợp vi phạm pháp luật nghiêm trọng đe dọa đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội cần có biện pháp ngăn chặn, xử lý, trấn áp kịp thời mà lực lượng tuần tra, kiểm soát không đủ điều kiện xử lý hiệu quả thì được phép huy động người, phương tiện, thiết bị dân sự để hỗ trợ thực hiện nhiệm vụ.

Về vấn đề này, đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum) góp ý, trường hợp người, phương tiện, thiết bị được huy động làm nhiệm vụ mà bị thiệt hại thì được hưởng chế độ, chính sách, đền bù “theo quy định của pháp luật về trưng mua, trưng dụng tài sản”.

Băn khoăn mức độ trang bị tàu bay, quyền hạn của CSCĐ

Quy định trang bị vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, tàu bay, tàu thuyền, phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ cho CSCĐ để thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao và giao Chính phủ quy định chi tiết nội dung này là một nội dung nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm và đã có rất nhiều ý kiến khác nhau ở các cuộc thảo luận trước đây, giải trình của UBTVQH về vấn đề này là sẽ giao cho Chính phủ quy định loại trang bị máy bay cụ thể.

Nhấn mạnh điều này trong phiên thảo luận, đại biểu Hoàng Đức Thắng (Quảng Trị) cho rằng vấn đề cần quan tâm nữa là CSCĐ được trang bị tàu bay ở mức độ nào, loại tàu bay nào để sau này trong quá trình tổ chức thực hiện tránh trường hợp chồng lấn các phương tiện bay khác. Cần phải xây dựng khung khuôn khổ pháp luật để xác định những nguyên tắc cơ bản cho việc trang bị phương tiện tàu bay cho cảnh sát cơ động. Cần bảo đảm rằng tàu bay trang bị cho CSCĐ đảm bảo phục vụ đúng cho mục đích, hoạt động có tính nghiệp vụ riêng biệt của CSCĐ, được sử dụng một cách có hiệu quả, tránh những lãng phí, không làm phát sinh sự chồng chéo, xung đột với các phương tiện bay khác, trong đó có tàu bay của các lực lượng được pháp luật quy định cho phép trang bị. Đặc biệt, việc quản lý không gian bay cần bảo đảm sự thống nhất giữa yêu cầu hoạt động bay của CSCĐ với hoạt động kiểm soát, chỉ huy thống nhất bảo vệ vùng trời Tổ quốc của lực lượng phòng không, không quân thuộc Quân đội nhân dân Việt Nam.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương kết luận phiên họp Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương kết luận phiên họp

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết, sau phiên thảo luận, UBTVQH sẽ chỉ đạo các cơ quan tổng hợp đầy đủ ý kiến của đại biểu Quốc hội. “Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh phối hợp chặt chẽ với Ban soạn thảo dự án luật, Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội và các cơ quan hữu quan nghiên cứu, giải trình, tiếp thu, chỉnh lý thấu đáo, đầy đủ ý kiến của đại biểu Quốc hội để hoàn thiện dự thảo luật trình Quốc hội xem xét và thông qua vào cuối chương trình kỳ họp”, đồng chí Trần Quang Phương kết luận.

Cẩm Hà

Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo