Thứ Sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024

Chính phủ triển khai một số gói hỗ trợ an sinh xã hội 5 nhóm đối tượng khoảng 28.000 – 30.000 tỷ đồng

Thủ tướng phát biểu tại phiên họp ngày 1/4.

(Thanhuytphcm.vn) - Ngày 1/4, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 3/2020. Đây là phiên họp khá đặc biệt khi được tổ chức với thành phần gọn và ứng dụng công nghệ thông tin để nhiều bộ ngành, địa phương tham gia theo hình thức trực tuyến. Tại Trụ sở Chính phủ, thành phần dự họp cũng được chia thành các phòng họp nhỏ theo hình thức trực tuyến để phòng tránh dịch Covid-19.

Tại cuộc họp, báo cáo của Bộ Kế hoạch-Đầu tư cho biết, tăng trưởng của nước ta trong quý I/2020 đạt 3,82% là con số đáng khích lệ. Tuy nhiên, đây là mức tăng trưởng kinh tế của quý I thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây (kể từ quý I/2009). Tốc độ tăng trưởng ngành công nghiệp chỉ đạt 5,28%, thấp nhất trong vòng 6 năm qua do gặp nhiều khó khăn, thách thức về nguồn cung nguyên phụ liệu, linh phụ kiện đầu vào; khó khăn về lao động, nguồn nhân lực; khó khăn về tài chính, thị trường tiêu thụ; tăng trưởng các ngành đều thấp hơn cùng kỳ, đặc biệt ngành khai khoáng tăng trưởng âm (-3,18%). Tốc độ tăng trưởng ngành nông nghiệp chỉ đạt 0,08%, thấp nhất trong 4 năm qua do ảnh hưởng của dịch tả heo châu Phi; hạn hán, xâm nhập mặn tại vùng đồng bằng sông Cửu Long; dịch cúm gia cầm và dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp; một số khu vực nông nghiệp vẫn có bước tăng trưởng khá như chăn nuôi…

Tốc độ tăng trưởng ngành dịch vụ chỉ đạt 3,27%, mức thấp nhất trong hàng chục năm qua do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 làm sụt giảm mạnh khách du lịch, dịch vụ lưu trú và thương mại. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 3/2020 giảm 0,8%; tính chung 3 tháng đầu năm 2020 chỉ tăng 4,7%. Khách quốc tế đến Việt Nam đạt 3,7 triệu lượt, giảm 18,1% so với cùng kỳ… Điểm sáng của xuất nhập khẩu hàng hóa là xuất khẩu khu vực trong nước tăng mạnh 8,7%, nhập khẩu giảm 3,4%, xuất siêu 2,8 tỷ USD. Tuy nhiên, nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực đang giảm mạnh...

Phát biểu khai mạc phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết trong bối cảnh Covid-19 trở thành đại dịch toàn cầu, lây nhiễm tới trên 200 nước và vùng lãnh thổ, có hàng chục vạn người nhiễm và hàng vạn người tử vong. Trong bối cảnh như vậy, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã ra Lời kêu gọi toàn Đảng, toàn quân, toàn dân đoàn kết một lòng, quyết tâm chống dịch. Thủ tướng đã ban hành các Chỉ thị 15, 16 về các biện pháp phòng chống dịch và tại Chỉ thị 16 ban hành ngày 31/3, có đặt vấn đề cách ly xã hội.

Giải thích thêm về vấn đề này, Thủ tướng nói rõ cách ly xã hội là một tình huống pháp lý không trái pháp luật để bảo vệ sức khoẻ, tính mạng của Nhân dân. Cách ly xã hội mang ý nghĩa là giữ khoảng cách trong xã hội để đối phó với tình huống nguy hiểm, bùng phát dịch bệnh, giữ khoảng cách người với người, cộng đồng với cộng đồng. Không phải là ngăn cấm giao thông, chưa phải phong tỏa xã hội mà chỉ hạn chế giao thông. Trong bối cảnh ấy, chúng ta vẫn phải duy trì hàng hoá lưu thông, sản xuất an toàn, nhất là hàng thiết yếu, vật tư y tế, hàng hoá xuất khẩu, đặc biệt xuất khẩu bằng đường biển, đường bộ vẫn bình thường. Bảo đảm làm việc tại nhà bình thường, chất lượng công việc tốt, đặc biệt thời gian công việc.

Phiên họp Chính phủ thường kỳ ngày 1/4 được tổ chức dưới hình thức trực tuyến. Phiên họp Chính phủ thường kỳ ngày 1/4 được tổ chức dưới hình thức trực tuyến.

“Tôi xin nhắc lại thời gian 15 ngày tới có ý nghĩa quyết định việc dịch có bùng phát trên diện rộng hay không ở nước ta”, Thủ tướng nhấn mạnh, đồng thời mong từng người, từng nhà, từng doanh nghiệp, từng khu phố, thôn xóm, bản làng, từng xã, từng huyện, từng tỉnh, từng thành phố đều là những pháo đài phòng chống dịch. Từng người dân Việt Nam đều là những chiến sĩ phòng, chống dịch.

Tại phiên họp này, Chính phủ sẽ thảo luận nghị quyết về gói an sinh xã hội quan trọng (đã được Thường trực Chính phủ thảo luận chiều 31/3). Theo đó, Chính phủ sẽ triển khai một số gói hỗ trợ an sinh xã hội trong 5 nhóm đối tượng được hỗ trợ gồm người nghèo và cận nghèo; đối tượng chính sách, bảo trợ xã hội; người lao động theo hợp đồng phải tạm thời ngưng việc; hộ kinh doanh cá thể ngừng hoạt động; người lao động tự do mất việc. Tổng số tiền ước tính ban đầu khoảng 28.000 – 30.000 tỷ đồng, cả ngân sách Trung ương và địa phương. Sau khi Chính phủ thảo luận, Thủ tướng sẽ có quyết định về gói an sinh này.

Trung Kiên


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo