Thứ Năm, ngày 28 tháng 3 năm 2024

Chính phủ đã hỗ trợ cho hơn 50 triệu lượt người lao động và người dân, với tổng mức 81.000 tỷ đồng

Các đại biểu tham gia tọa đàm

(Thanhuytphcm.vn) - Chiều 27/5, lãnh đạo các Bộ NN-PTNT, LĐTB-XH, Tài chính đã tham gia tọa đàm trực tuyến với chủ đề "Bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế và phát triển bền vững".

Tại tọa đàm, Thứ trưởng Bộ Tài chính Võ Thành Hưng khẳng định, nếu không có gì biến động lớn thì năm nay thu ngân sách cũng sẽ đạt được kết quả khả quan, chúng ta sẽ có thêm nguồn lực cùng với chương trình phục hồi kinh tế, góp thêm nguồn lực đầu tư cho toàn xã hội và thúc đẩy phục hồi kinh tế nhanh hơn. Vấn đề hiện nay là giải ngân đầu tư công bị chậm: 5 tháng đầu năm 2022, mới giải ngân được khoảng 22-23%. Mức này có cao hơn một chút so với cùng kỳ của năm 2021 nhưng so với kế hoạch năm là thấp. Đến thời điểm hiện nay, vẫn còn 11 bộ và 17 địa phương chưa phân bổ hết dự toán năm 2022 như Thủ tướng Chính phủ giao.

Về vấn đề an sinh xã hội, Thứ trưởng Bộ LĐTB-XH Lê Văn Thanh thông tin, vừa qua, Chính phủ đã ban hành một loạt chính sách về an sinh xã hội để bảo đảm cho người dân vượt qua đại dịch Covid-19, cả về tài khóa, tiền tệ, an sinh xã hội. Hiện cơ bản các địa phương đã ban hành hết kế hoạch để triển khai, nhưng vẫn chậm hơn so với mong muốn.

Cụ thể, với chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động, dự kiến khoảng 3,4 triệu lao động được hỗ trợ với tổng kinh phí 6.600 tỷ đồng. Hiện nay, một số địa phương đã phê duyệt được gần 10.000 lao động với số tiền hơn 33 tỷ đồng. Bộ LĐTB-XH đang yêu cầu các địa phương thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa, bảo đảm trong tháng 5, 6 để người lao động cơ bản nhận được số tiền này và ngày 15/8/2022 sẽ kết thúc.

Về xây dựng nhà ở cho công nhân, trong Chương trình phục hồi phát triển kinh tế, Chính phủ đã dành khoảng 40.000 tỷ đồng, giao cho Bộ Xây dựng chủ trì để xây dựng nhà ở cho người lao động. Với chính sách này, đến thời điểm này mới giải ngân được khoảng 40 tỷ đồng cho hơn 10.000 lao động. Bộ LĐTB-XH đã đôn đốc các địa phương một số tỉnh miền Trung, Nam, Bắc, bảo đảm trong tháng 6 cơ bản lập được hết danh sách cần hỗ trợ. Về phía người lao động cũng phải chủ động hơn: viết đơn, có xác nhận của nhà trọ gửi cho doanh nghiệp để doanh nghiệp mới có cơ sở lập danh sách. Tổng Liên đoàn Lao động, liên đoàn lao động các địa phương phát huy vai trò của công đoàn cơ sở đôn đốc các doanh nghiệp nhanh chóng lập danh sách gửi thẩm định, mục tiêu là trong tháng 6, mọi việc cơ bản được giải quyết.

Đáng chú ý, đến nay, đã cho 3.600 doanh nghiệp, người sử dụng lao động vay và hỗ trợ cho 1,2 triệu người lao động với kinh phí khoảng 4.800 tỷ đồng. Nhờ có hỗ trợ này đã giúp cho các doanh nghiệp có nguồn kinh phí để hỗ trợ trả lương cho người lao động, giúp người sử dụng lao động giữ được chân người lao động. Thời gian vừa qua, số người lao động ngừng việc, thất nghiệp giảm đi là nhờ có chính sách này, khắc phục được tình trạng đứt gãy nguồn cung ứng lao động sau dịch.

Tính tổng tất cả những chính sách hỗ trợ an sinh do dịch, Chính phủ đã hỗ trợ cho hơn 50 triệu lượt người lao động và người dân, với tổng mức 81.000 tỷ đồng. Qua triển khai và rút kinh nghiệm, chúng ta đã giảm các điều kiện, các thủ tục hành chính.

Nhiều ý kiến cho rằng, vừa qua các chính sách an sinh xã hội rất tốt đẹp nhưng người dân không phải dễ dàng nhận được. Thứ trưởng Bộ LĐTB-XH Lê Văn Thanh cho biết, qua khảo sát trực tiếp, về cơ bản các đối tượng đã nhận được chính sách. Tuy nhiên, trong 12 chính sách an sinh đã ban hành thì riêng chính sách đối với lao động tự do (giao cho địa phương căn cứ vào khả năng cân đối và đặc thù của từng địa phương để ban hành chính sách) là khó khăn. Một số địa phương nguồn kinh phí hạn chế do dùng vào phòng chống dịch, hoặc nguồn kinh phí dự trữ hết nên không ban hành chính sách hỗ trợ lao động tự do. Bộ LĐTB-XH đã yêu cầu địa phương khẩn trương chi trả cho những danh sách đã được phê duyệt, nếu kinh phí thiếu cần lập dự toán đề nghị Bộ Tài chính, báo cáo Chính phủ bổ sung nguồn kinh phí cho địa phương, bảo đảm tất cả đối tượng đều có thể nhận được chính sách hỗ trợ. Hiện bộ đang yêu cầu các địa phương rà soát lại.

Về an ninh lương thực, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan cho hay, thế giới đánh giá cao vai trò của Việt Nam trong việc góp phần cân đối an ninh lương thực thế giới. 5 tháng vừa qua, Việt Nam không chỉ đủ nuôi 100 triệu người mà còn xuất 3 triệu tấn gạo, mang về 1,4 tỷ USD. “Chúng ta sẽ chắc chắn sẽ phải tích cực hơn, không chỉ xuất khẩu vì kinh tế mà nâng cao vị thế với khẩu hiệu Việt Nam là quốc gia có trách nhiệm." - Bộ trưởng nhấn mạnh, đồng thời cho biết. Bộ sẽ cùng các bộ ngành liên quan định kỳ cân đối cung cầu trong nước, định mức xuất khẩu, thay đổi tư duy cách tiếp cận an ninh lương thực, bảo đảm cuộc sống gắn liền cơ cấu kinh tế trồng trọt.

Trung Kiên


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo