Thứ Sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024

Chính phủ chỉ đạo kiểm soát chặt chẽ tín dụng bất động sản

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ

(Thanhuytphcm.vn) - Chiều 22/10, tại phiên thảo luận tổ về tình hình kinh tế-xã hội, một số ĐBQH lo ngại về tín dụng đổ vào bất động sản (BĐS) tăng cao, tiềm ẩn rủi ro nợ xấu, bất ổn cho nền kinh tế. Nếu tín dụng vào BĐS không được kiểm soát thì nguy cơ nhóm nợ xấu mới xuất hiện, đáng lo ngại. Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã phát biểu giải đáp băn khoăn này.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết, tăng trưởng tín dụng và tăng trưởng kinh tế đã “đảo chiều” trong thời gian qua. Trước đây, tăng trưởng tín dụng 33%/năm, nhưng GDP chỉ tăng từ 5%-6%. Những năm gần đây, thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế, Chính phủ kiểm soát chặt chẽ chính sách tín dụng, nhất là tín dụng BĐS, chỉ tập trung vào lĩnh vực sản xuất, nên tín dụng nói chung tăng khoảng 14%, nhưng tăng trưởng kinh tế cao hơn trước. “BĐS vẫn còn là lĩnh vực có nhiều rủi ro nên Chính phủ không chủ quan khi kiểm soát tín dụng vào lĩnh vực này”, Phó Thủ tướng nói. Tín dụng vào BĐS vẫn tăng cao, chúng ta quản lý, kiểm soát chặt chứ không thể ngăn tín dụng rót vào lĩnh vực này. Bởi, thực tế khi khởi công một công trình, dự án BĐS sẽ kéo theo dịch vụ như vật liệu xây dựng, nội thất... tăng trưởng.

Tín dụng BĐS những tháng đầu năm 2019 tăng đột biến vì Chính phủ thay đổi cách tính. “Những năm trước ta thống kê riêng tín dụng cho doanh nghiệp BĐS 1 mục và 1 mục là tín dụng tiêu dùng cho người mua nhà, sửa chữa nhà ở... Từ năm vừa rồi Chính phủ yêu cầu tổng hợp 2 chỉ số này vào để không chủ quan là tỷ lệ tín dụng BĐS thấp”, Phó Thủ tướng giải thích.

Theo yêu cầu của Chính phủ, doanh nghiệp BĐS có số dư nợ tín dụng từ 5.000 tỷ đồng trở lên thì Thống đốc Ngân hàng Nhà nước báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ 3 tháng/lần và chịu trách nhiệm về báo cáo đó. Ở cấp của Ngân hàng Nhà nước, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước tiếp tục yêu cầu doanh nghiệp BĐS có dư nợ từ trên 1.500 tỷ đồng để Thống đốc kiểm soát để bảo đảm sự chặt chẽ.

Trên cơ sở mức tăng trưởng tín dụng 13,89% của năm 2018, mục tiêu tăng trưởng kinh tế và lạm phát năm 2019, Ngân hàng Nhà nước định hướng chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng là 14%, có điều chỉnh linh hoạt phù hợp diễn biến, tình hình thực tế nhằm kiểm soát lạm phát, duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế hợp lý. Đến ngày 30/9/2019, tín dụng tăng 9,4% so với cuối năm 2018. Cơ cấu tín dụng tiếp tục có sự điều chỉnh tích cực, trong đó tín dụng tập trung vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên; tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro được kiểm soát chặt chẽ. Tín dụng BĐS chiếm 19,14% tổng dư nợ nền kinh tế, tăng 14,58%. Trong đó tín dụng kinh doanh BĐS chiếm 32,7% dư nợ BĐS, tăng 5,5%; tín dụng cho mục đích tự sử dụng chiếm 68,3% dư nợ BĐS, tăng 19,6%. Tín dụng tiêu dùng chiếm 20,68% tổng dư nợ nền kinh tế, tăng 13,92%, trong đó liên quan BĐS (mua, thuê, thuê mua, xây dựng sửa chữa nhà ở) chiếm 59,4% dư nợ cho vay tiêu dùng, tăng 19,51%.

Theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Chính phủ chỉ đạo kiểm soát chặt chẽ tín dụng BĐS, các dự án quy mô lớn, chỉ xem xét các dự án vay vốn khả thi, thận trọng cho vay nhà đầu tư thứ cấp.

Trước đó, báo cáo gửi tới Quốc hội của Ngân hàng Nhà nước cho biết, đến hết tháng 8/2019, tín dụng chảy vào BĐS (gồm cả mục đích kinh doanh và sử dụng) chiếm hơn 19% tổng dư nợ nền kinh tế. Với tăng trưởng tín dụng khoảng 7,82 triệu tỷ đồng, thì ước tính tín dụng đổ vào BĐS là 1,5 triệu tỷ đồng.

Trung Kiên


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo