Thứ Sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024

Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải trả lời chất vấn:

Chỉ còn 2 tỉnh phải dừng hoạt động đăng kiểm

Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Nguyễn Văn Thắng

(Thanhuytphcm.vn) - Chiều 7/6, từ sau 15 giờ, Bộ trưởng Bộ Giao thông-Vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thắng trả lời chất vấn đối với nhóm vấn đề thứ ba thuộc lĩnh vực GTVT.

Chất vấn tập trung vào giải pháp hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, hạn chế tai nạn giao thông trong cả nước, giảm ùn tắc giao thông tại các thành phố lớn. Trách nhiệm quản lý nhà nước trong hoạt động kiểm định; công tác đào tạo, sát hạch, cấp, thu hồi và quản lý giấy phép điều khiển phương tiện giao thông đường bộ, đường thủy nội địa…

Phát biểu trước khi trả lời chất vấn, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng thừa nhận, bên cạnh những kết quả đạt được, ngành còn những tồn tại, hạn chế cần quyết liệt xử lý như tai nạn giao thông, sai phạm trong lĩnh vực đăng kiểm, đào tạo sát hạch, cấp, quản lý, thu hồi giấy phép…

Theo báo cáo của Bộ trưởng Bộ GTVT gửi đến Quốc hội, Bộ chỉ ra thực trạng và sai phạm, trong đó từ tháng 10/2022 đến nay, có gần 600 lãnh đạo, đăng kiểm viên và nhân viên nghiệp vụ của các Trung tâm đăng kiểm (TTĐK) bị khởi tố, bắt tạm giam để điều tra sai phạm. Đến thời điểm hiện nay có 68 vụ án đã khởi tố, khám xét 103 TTĐK, 4 Chi cục Đăng kiểm. Cùng với đó có đến 106/281 TTĐK trên cả nước phải dừng hoạt động để phục vụ công tác điều tra. Việc tạm dừng TTĐK và thiếu hụt đăng kiểm viên đã dẫn đến ùn ứ trong việc phục vụ người dân, đặc biệt có những thời điểm, tại Hà Nội chỉ có 6/31 và TPHCM có 8/19 TTĐK hoạt động đã tạo ra sự khủng hoảng của toàn bộ ngành đăng kiểm.

ĐB Nguyễn Trường Giang (Đắk Nông) ĐB Nguyễn Trường Giang (Đắk Nông)

Các ĐBQH tiếp tục quan nhiều đến vấn đề đăng kiểm với nhiều chất vấn thẳng thắn. ĐB Đặng Bích Ngọc (Hòa Bình) cho biết cử tri đề nghị mở lại các TTĐK. ĐB  Nguyễn Trường Giang (Đắk Nông) cho rằng việc bộ ban hành thông tư kéo giãn thời gian đăng kiểm đối với chu kỳ đăng kiểm phương tiện cá nhân dưới 9 chỗ chỉ là giải pháp trước mắt. 75% các TTĐK hiện nay là do các doanh nghiệp ngoài nhà nước đang thực hiện. Doanh nghiệp ngoài nhà nước khi đầu tư thì họ phải thu hồi lại vốn. Tuy nhiên, với cơ chế tài chính như hiện nay, rất khó để các doanh nghiệp này có thể duy trì được các TTĐK mà đã được thành lập. Do đó, ĐB đề nghị cần có đổi mới về cơ chế tài chính, tạo điều kiện để cho các doanh nghiệp ngoài Nhà nước thực hiện, đây mới là giải pháp có thể đảm bảo tính lâu dài. “Còn nếu chỉ kéo giãn ra và vẫn giữ cơ chế tài chính như hiện nay thì rất khó có thể tồn tại các TTĐK tư nhân”, ĐB Nguyễn Trường Giang tranh luận.

Bộ trưởng Bộ GTVT cho biết, những vụ việc xảy ra trong hoạt động đăng kiểm vừa qua hết sức nghiêm trọng, gây ra hệ lụy lớn, khi doanh nghiệp, người dân phải chờ đợi trong hoạt động đăng kiểm. Có tới 600 lãnh đạo, công chức, viên chức, đăng kiểm viên bị khởi tố, trong 281 đơn vị đăng kiểm thì có tới 106 phải đóng cửa. Vừa qua, Bộ GTVT đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an để tập trung tháo gỡ, khôi phục hoạt động đăng kiểm phục vụ cho người dân và doanh nghiệp. Bộ trưởng cho biết, đến thời điểm này chỉ còn 2 tỉnh là Hòa Bình và Bắc Kạn chưa trở lại hoạt động do thiếu cán bộ, đăng kiểm viên, nhưng bộ và địa phương đang tích cực tháo gỡ để sớm mở lại.

Vấn đề hạ tầng giao thông cũng được nhiều ĐB chất vấn, tranh luận. ĐB Lê Hoàng Anh (Gia Lai) chất vấn, thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước, của ngành giao thông, nhiều doanh nghiệp đã chung tay đầu tư nâng cấp hạ tầng giao thông đường bộ theo hình thức BOT. Tuy nhiên, đến nay một số doanh nghiệp không có khả năng hoàn vốn đầu tư do Bộ GTVT đầu tư bằng ngân sách nhà nước tuyến song hành hoặc tuyến tránh, làm phá vỡ phương án tài chính của dự án. ĐB dẫn chứng, cử tri phản ánh và bức xúc khi nhà đầu tư ở Gia Lai đầu tư nâng cấp, mở rộng đường Hồ Chí Minh, Quốc lộ 14 đoạn ở Đắk Lắk theo hình thức BOT, sau khi đưa vào sử dụng chưa được 1 năm thì Bộ GTVT đầu tư từ ngân sách nhà nước tuyến tránh thị xã Buôn Hồ, gây thiệt hại nghiêm trọng cho doanh nghiệp và doanh nghiệp đang đứng bên bờ phá sản. Vậy trách nhiệm của bộ và địa phương ở đâu?

Phiên chấn vấn Bộ Giao thông - Vận tải Nguyễn Văn Thắng. Phiên chấn vấn Bộ Giao thông - Vận tải Nguyễn Văn Thắng.

Trả lời, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết, trong quá trình phát triển đất nước, chiến lược phát triển hạ tầng giao thông đôi khi không lường hết được các khả năng. Cách đây 10, 15 năm, nhu cầu phát triển hạ tầng giao thông rất lớn, nguồn lực có hạn, chúng ta đã tạo mọi điều kiện để mời gọi nhà đầu tư. Đến khi kinh tế - xã hội phát triển, chúng ta xây dựng những kế hoạch, chiến lược, cùng với sự phát triển thực tiễn, khi rà soát lại, thấy cần tiếp tục đầu tư hạ tầng giao thông, chính vì thế, nhiều dự án BOT bị ảnh hưởng. Chẳng hạn, khi hoàn thành toàn bộ tuyến cao tốc Bắc Nam phía đông, rất nhiều doanh nghiệp bị ảnh hưởng, bị chia sẻ lưu lượng. Ngay trong Luật PPP cũng quy định, khi một dự án đầu tư BOT của doanh nghiệp nếu doanh thu vượt quá 125% so với dự tính thì nhà đầu tư phải chia sẻ lại cho nhà nước. Nếu doanh thu thấp hơn dưới 75% so với dự tính, thì Nhà nước phải chia sẻ với doanh nghiệp. Sắp tới, Bộ sẽ tham mưu Chính phủ trình Quốc hội cơ chế thu phần vốn nhà nước đầu tư trên các tuyến cao tốc, cơ chế xử lý với các tuyến BOT bị ảnh hưởng do Nhà nước đầu tư các tuyến cao tốc, tuyến đường tránh. Bộ trưởng cho biết thêm, thực tế một số dự án không phải lỗi do nhà đầu tư, không phải do nhà nước mà do nhu cầu thực tiễn phát sinh, yêu cầu đòi hỏi về sự phát triển nên cần mở thêm tuyến.

Về xử lý trạm BOT, Bộ trưởng cho biết, Bộ GTVT là cơ quan quản lý nhà nước, Bộ làm theo quy trình, làm hết sức mình tháo gỡ triệt để, bảo vệ nhà đầu tư đầu tư dự án BOT, nhưng do điều kiện khách quan bị ảnh hưởng quyền lợi. “Tất cả căn cứ vào hợp đồng để xử lý mà không phải có đặc quyền, đặc lợi cho nhà đầu tư”, Bộ trưởng nêu rõ.

ĐB Nguyễn Văn Mạnh (Vĩnh Phúc) và một số ĐB cũng chất vấn về các dự án giao thông cụ thể của địa phương đang có nhiều vướng mắc, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết, theo quy định của pháp luật hiện hành, các tuyến đường cao tốc, quốc lộ thuộc trách nhiệm của Bộ GTVT, các tuyến đường còn lại thuộc trách nhiệm của địa phương. Nhu cầu hạ tầng giao thông lớn nhưng ngân sách trung ương chỉ bố trí được khoảng 66%, không thể đáp ứng đầu tư các tuyến quốc lộ. Trong bối cảnh ngân sách trung ương có hạn, nếu ngân sách địa phương bố trí để cùng với Trung ương đầu tư các quốc lộ là rất tốt, Chính phủ đã đề nghị Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép thực hiện cơ chế này…

Trung Kiên


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo