Thứ Sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024

Cần xây dựng văn hóa uống rượu bia

Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh

(Thanhuytphcm.vn) -  Sáng ngày 23/5, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV, Quốc hội nghe trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia.

Cấm quảng cáo rượu từ 15 độ cồn trở lên

Trình bày trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, dự thảo Luật quy định về quản lý việc kinh doanh rượu, bia theo hướng quản lý rượu thủ công không nhằm mục đích kinh doanh để có thể quản lý được việc lưu hành của sản phẩm này trên thị trường và bảo đảm an toàn thực phẩm; quản lý kinh doanh rượu có độ cồn dưới 5,5 độ thông qua việc giao Chính phủ quy định cụ thể; không cấm bán rượu, bia trên internet mà chỉ quy định điều kiện bán rượu, bia theo hình thức thương mại điện tử; quy định cụ thể hơn về việc quản lý quảng cáo rượu, bia và tài trợ của các tổ chức, cá nhân kinh doanh rượu, bia. Dự thảo Luật quy định độ tuổi được mua rượu, bia; địa điểm không uống rượu, bia, địa điểm không bán rượu, bia và trách nhiệm của người đứng đầu, người quản lý cơ sở có địa điểm không uống, không bán rượu, bia và người đứng đầu cơ quan, tổ chức và gia đình trong phòng, chống tác hại của rượu, bia.

Cùng với đó, dự thảo luật quy định các biện pháp giảm tác hại của rượu, bia, trong đó quy định người điều khiển phương tiện giao thông không uống rượu, bia trước và trong khi tham gia giao thông; giao trách nhiệm cho người đứng đầu cơ sở kinh doanh vận tải, chủ phương tiện giao thông vận tải thực hiện các biện pháp để người điều khiển phương tiện không sử dụng rượu, bia khi tham gia giao thông; quy định về phòng ngừa, can thiệp và giảm tác hại của các yếu tố nguy cơ đối với sức khỏe, các bệnh có liên quan đến sử dụng rượu, bia; tư vấn về phòng, chống tác hại của rượu, bia; biện pháp phòng ngừa tác hại của rượu, bia tại cộng đồng; chăm sóc, hỗ trợ, bảo vệ trẻ em, phụ nữ và các đối tượng yếu thế khác để phòng ngừa, giảm tác hại của rượu, bia.

Về việc quản lý quảng cáo, khuyến mại, tài trợ rượu bia, dự thảo Luật chỉ cấm quảng cáo rượu từ 15 độ cồn trở lên. Bên cạnh đó, với tính chất là sản phẩm không khuyến khích tiêu dùng, có ảnh hưởng đến sức khỏe người sử dụng và có thể tác động xấu đến an toàn, trật tự xã hội, để hạn chế ảnh hưởng của việc quảng cáo rượu, bia đến giới trẻ và phù hợp với xu hướng quốc tế, tránh việc hiểu lầm là chỉ rượu từ 15 độ cồn trở lên mới gây hại, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định cụ thể việc quản lý quảng cáo rượu dưới 15 độ cồn và bia tại Điều 12 và Điều 13 của dự thảo Luật. Báo cáo giải trình cho rằng, độ cồn trong sản phẩm rượu, bia quyết định những tác động có hại của rượu, bia đến sức khoẻ con người, nên việc quản lý quảng cáo rượu theo độ cồn là cần thiết. Theo kinh nghiệm quốc tế cũng như Việt Nam, thường căn cứ trên nồng độ cồn của sản phẩm mà quy định các giải pháp quản lý phù hợp. Do đó, dự thảo Luật đã quy định những biện pháp quản lý quảng cáo rượu theo hướng quản lý chặt với rượu có độ cồn cao, từ 15 độ cồn trở lên, quản lý giảm nhẹ hơn đối với rượu từ 5,5 độ cồn đến dưới 15 độ cồn và bia từ 5,5 độ cồn trở lên và quản lý ở mức thấp đối với rượu, bia dưới 5,5 độ cồn.

Không được quảng cáo rượu, bia trong tất cả các chương trình dành cho trẻ em, học sinh, sinh viên

Dự thảo nghiêm cấm việc khuyến mại hoặc sử dụng rượu, bia để khuyến mại cho người chưa đủ 18 tuổi và khuyến mại trong hoạt động kinh doanh rượu từ 15 độ cồn trở lên hoặc sử dụng rượu từ 15 độ cồn trở lên để khuyến mại dưới mọi hình thức và quy định quản lý việc khuyến mại rượu, bia dưới 15 độ cồn. Tiếp thu ý kiến đại biểu, dự thảo cũng quy định về việc quảng cáo rượu, bia dưới 15 độ cồn trên truyền hình được chỉnh lý theo hướng không được quảng cáo rượu dưới 15 độ cồn và bia trong khoảng thời gian từ 19 giờ đến 20 giờ hằng ngày tại điểm c khoản 3 Điều 12 và quy định dẫn chiếu tại Điều 13 của dự thảo Luật.

Cùng với đó, rượu, bia là mặt hàng không khuyến khích tiêu dùng, nên có quy định để quản lý hoạt động tài trợ của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh rượu, bia. Ngoài ra, dự thảo Luật đã có quy định riêng với từng trường hợp sản xuất, kinh doanh rượu thủ công; quy định về phòng ngừa và xử lý rượu, bia giả, không đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, trong đó có rượu thủ công. Dự thảo Luật có quy định về quyền và nghĩa vụ của công dân, trách nhiệm của cơ sở kinh doanh rượu, bia để đảm bảo thực hiện nghiêm túc và trách nhiệm trong việc sử dụng, kinh doanh rượu, bia. Các quy định về thông tin, giáo dục, truyền thông của dự thảo Luật cũng được tăng cường nhằm định hướng hành vi, thói quen và trách nhiệm của các bên.

Thảo luận về dự thảo luật này, các đại biểu đều đồng ý ban hành luật để hạn chế tác hại của rượu bia. Đồng ý quy định về việc không được quảng cáo rượu, bia trong tất cả các chương trình dành cho trẻ em, học sinh, sinh viên và trên báo nói, báo hình, báo in, báo điện tử; không thực hiện hoạt động quảng cáo rượu, bia trước và sau các chương trình thể thao, văn hóa, sân khấu, điện ảnh dành cho trẻ em, học sinh, sinh viên...

ĐB Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) cho rằng,  phòng chống tác hại rượu bia trong dự thảo mới nêu vấn đề cơ bản là có kinh phí, đào tạo bồi dưỡng, xử lý vi phạm, nhưng chưa thể hiện được căn bản của vấn đề, đó chính là xây dựng văn hóa uống rượu bia. Đại biểu cho rằng, vấn đề quan trọng nhất là nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật, đạo đức xã hội, ý thức trách nhiệm của bản thân đối với cộng đồng, với gia đình trong việc sử dụng rượu bia. Đó mới là quan trọng nhất. “Hoàn toàn có thể xóa bỏ được thói quen, thủ tục lạc hậu. Câu chuyện nhậu nhẹt, ép uống rượu bia, chúng ta có thể bỏ và xây dựng một văn hóa mới. Ví dụ đưa vào quy tắc, quy chuẩn, những thói quen thanh lịch uống rượu bia mà thế giới họ đang làm”, ĐB Lê Bình Nhưỡng nói. Do đó, ông đề nghị quy định trong luật cần rõ ràng, chứ không quy định tuyên truyền giáo dục chung chung.

ĐB Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) cho rằng, không nên khuyến khích nghề rượu thủ công.  “Chúng tôi đi thăm nhiều làng ở Thái Lan, họ rất bình yên, họ sản xuất kinh doanh mọi thứ, nhưng rượu bia không có. Vì thế, cuộc sống của họ thanh bình, trật tự, tôi rất mong muốn đất nước chúng ta cũng như thế”, ĐB Quốc Khánh nêu quan điểm.

ĐB Phạm Khánh Phong Lan (TPHCM) có ý kiến nên thiết kế nội dung về phòng chống tác hại rượu bia trong chương trình của học sinh phổ thông, những chuyên đề không uống rượu bia khi lái xe. “Về hạn chế tiếp cận, giảm tác hại rượu bia, hiện giá rượu bia ở Việt Nam vẫn rẻ hơn nhiều nước, chưa kể giá rượu thủ công rất rẻ nên đề nghị tăng thuế rượu bia để hạn chế tiêu thụ. Song song đó, kiểm soát nghiêm ngặt, ngăn chặn sản xuất kinh doanh tiêu thụ rượu thủ công, rượu giả, rượu lậu”, ĐB Phạm Khánh Phong Lan nêu. Bà cũng đề nghị bổ sung khái niệm lạm dụng rượu bia, và có thiết chế cai nghiện rượu bắt buộc, đây có thể là các cơ sở công lập hoặc xã hội hóa.

ĐB Phạm Khánh Phong Lan ĐB Phạm Khánh Phong Lan

ĐB Phạm Khánh Phong Lan đánh giá, cốt lõi là phải thay đổi văn hóa uống rượu bia, chứ không phải bóp nghẹt sản xuất rượu chính thống, vì như thế vô hình chung sẽ khuyến khích hàng giả, hàng lậu, còn thiệt hại hơn, trong khi văn hóa chúng ta chưa thay đổi. Việc thay đổi nhận thức đòi hỏi phải có thời gian và nên chăng cần có chủ trương cho cán bộ, đảng viên, cán bộ công chức hạn chế rượu bia và phải xử lý nghiêm nếu vi phạm.

Trung Kiên


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo