Thứ Sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024

Cần tháo gỡ để tạo điều kiện cho các cơ quan có thẩm quyền ban hành các quyết định tố tụng

ĐBQH Dương Ngọc Hải phát biểu tại phiên thảo luận tại tổ

(Thanhuytphcm.vn) - Chiều 20/10, tiếp tục thực hiện chương trình Kỳ họp thứ 2, Quốc hội Khoá XV, Quốc hội tổ chức phiên thảo luận tại tổ về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS) và Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thống kê.

Tại phiên thảo luận tổ, ĐBQH Dương Ngọc Hải tán thành sửa đổi khoản 1, Điều 155 và khoản 8, Điều 157 BLTTHS theo hướng bãi bỏ nội dung dẫn chiếu đến khoản 1, Điều 226 BLHS để cho phép cơ quan có thẩm quyền có thể khởi tố vụ án hình sự về tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp, mà không cần có yêu cầu khởi tố của bị hại nhưng chỉ ở các hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu (không áp dụng đối với chỉ dẫn địa lý).

Về sửa đổi, bổ sung khoản 3, Điều 146 về thủ tục tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, ĐBQH Dương Ngọc Hải tán thành với Tờ trình Viện KSND tối cao và thấy rằng khi xây dựng BLTTHS năm 2015, công an xã chưa được bố trí chính quy như công an phường, thị trấn, đồn công an. Theo quy định Luật công an nhân dân 2018, Bộ Công an đã triển khai đề án bố trí công an chính quy đảm nhận các chức danh công an xã ở tất cả các xã trên cả nước. Điều 6 Nghị định số 42/2021/NĐ - CP của Chính phủ cũng quy định xây dựng công an xã, thị trấn chính quy: là công an cấp cơ sở, bố trí ở các đơn vị hành chính xã, thị trấn...; làm nồng cốt trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật ...

“Như vậy với việc bố trí công an chính quy đảm nhận các chức danh công an xã và việc sửa đổi, bổ sung trách nhiệm của công an xã tiến hành kiểm tra, xác minh sơ bộ tố giác, tin báo về tội phạm giống như công an phường, thị trấn, đồn công an là cần thiết.”- ĐB Dương Ngọc Hải nhấn mạnh và đề nghị chưa sửa đổi khoản 3, Điều 146 BLTTHS trong lần sửa đổi này, vì lần này UBTV Quốc hội chỉ đồng ý sửa đổi theo trình tự, thủ tục rút gọn.

Về sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 148 BLTTHS về tạm đình chỉ việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, khoản 1 Điều 229 Bộ Luật Tố tụng hình sự về tạm đình chỉ điều tra và khoản 1 Điều 247 Bộ Luật Tố tụng hình sự về tạm đình chỉ vụ án (trong giai đoạn truy tố), đa số các đại biểu cho rằng ảnh hưởng của tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp ở nhiều tỉnh, TP, nhiều địa phương phải thực hiện giãn cách trong thời gian dài đã ảnh hưởng đến công tác kiểm tra, xác minh các vụ việc trong giai đoạn tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố; việc tiến hành các hoạt động điều tra trong giai đoạn điều tra và việc tiến hành các hoạt động tố tụng trong giai đoạn truy tố của các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng bị trì hoãn, kéo dài do không thể tiến hành các hoạt động cần thiết để chứng minh hành vi phạm tội của người người phạm tội để quyết định việc khởi tố hoặc kết luận điều tra hoặc truy tố.

ĐBQH Nguyễn Sỹ Quang phát biểu tại phiên thảo luận tại tổ ĐBQH Nguyễn Sỹ Quang phát biểu tại phiên thảo luận tại tổ

Theo quy định của pháp luật trong giai đoạn điều tra nếu không chứng minh được bị can thực hiện hành vi phạm tội thì phải đình chỉ điều tra vụ án. Việc đình chỉ điều tra có thể dẫn đến bỏ lọt tội phạm và không giải quyết các vấn đề để chứng minh sự thật khách quan của vụ án và phải xem xét trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, trong khi việc đình chỉ do không thể tiến hành các hoạt động tố tụng theo quy định của BLTTHS để chứng minh hành vi phạm tội của bị can và làm rõ sự thật khách quan của vụ án là do yếu tố khách quan bất khả kháng. Hiện Khoản 1 Điều 148, khoản 1 Điều 229 và khoản 1 Điều 247 BLTTHS không quy định cho phép tạm đình chỉ việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, tạm đình chỉ điều tra, và tạm đình chỉ vụ án (trong giai đoạn truy tố) vì lý do bất khả kháng do thiên tai, dịch bệnh.

Các đại biểu cho rằng đây là những khó khăn, vướng mắc, trở ngại do yếu tố khách quan mang đến, cần được tháo gỡ để tạo điều kiện cho các cơ quan có thẩm quyền ban hành các quyết định tố tụng có căn cứ, đúng pháp luật, đúng yêu cầu đấu tranh phòng chống tội phạm, chống oan sai, bỏ lọt tội phạm. Do đó, các đại biểu đồng ý sửa đổi bổ sung Khoản 1 Điều 148 , khoản 1 Điều 229 và khoản 1 Điều 247 BLTTHS theo hướng bổ sung căn cứ tạm đình chỉ việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, căn cứ tạm đình chỉ điều tra và căn cứ tạm đình chỉ vụ án (trong giai đoạn truy tố) vì lý do bất khả kháng do thiên tai, dịch bệnh.

Đồng thời, đồng ý thực hiện theo trình tự, thủ tục rút gọn trong trường hợp "đột xuất, khẩn cấp trong phòng chống thiên tai, dịch bệnh” quy định tại Khoản 1 Điều 146 Luật Ban hành văn bản Quy phạm pháp luật. Tuy nhiên, để tránh tùy tiện, lạm dụng, đảm bảo việc áp dụng thống nhất pháp luật, đề nghị giao cho Viện Kiểm sát nhân dân tối cao phối hợp với các bộ, ngành có liên quan quy định chi tiết, cụ thể tình hình thiên tai, dịch bệnh ở cấp độ nào, dịch bệnh ở nhóm nào thì được coi là điều kiện bất khả kháng để áp dụng các quy định sửa đổi, bổ sung tại Khoản 1 Điều 148, Khoản 1 Điều 229 và Khoản 1 Điều 247 BLTTHS.

Đối với Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thống kê, các đại biểu đề nghị bổ sung chỉ tiêu phản ánh quá trình đô thị hóa để phù hợp với xu thế phát triển đất nước hiện nay khi quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh chóng ở hầu hết các địa phương trong cả nước, đây cũng là chỉ tiêu quan trọng trong chiến lược phát triển của các địa phương, được xác lập qua Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp; chỉ tiêu về tiền lương và thu nhập của cán bộ, công chức; tiền lương và thu nhập của viên chức để đánh giá tổng thể mặt bằng thu nhập của cán bộ công chức, viên chức…

Bên cạnh đó, bổ sung một số chỉ tiêu giới tổng hợp để làm cơ sở so sánh đánh giá tình trạng bình đẳng giới với quốc tế như phát triển giới (GDI), bất bình đẳng giới (GII), khoảng cách giới (GGI). Ngoài ra, có ý kiến cho rằng, vẫn còn khoảng trống lớn trong số liệu phản ánh bình đẳng giới và quyền con người đối với các nhóm dân tộc thiểu số, người khuyết tật, lao động di cư, công việc nội trợ và chăm sóc không được trả lương…

Sáng mai 21/10, Quốc hội thảo luận tại tổ về Kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; Báo cáo về công tác phòng, chống dịch Covid-19 và tình hình thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15 về kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV; Tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2021, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2022 và Kế hoạch tài chính – ngân sách nhà nước 3 năm 2022-2024, trong đó có việc bổ sung dự toán thu, chi vốn viện trợ nước ngoài năm 2021 của tỉnh Quảng Nam; lùi thời điểm cải cách chính sách tiền lương.

Long Hồ


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo