Thứ Sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024

Cần quy định về thời gian hỗ trợ xã hội sau cai nghiện ma túy và phòng chống tái nghiện

Các đại biểu góp ý dự án Luật phòng chống ma túy (sửa đổi).

(Thanhuytphcm.vn) - Chiều 16/9, Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TPHCM tổ chức hội thảo góp ý dự án Luật phòng chống ma tuý (sửa đổi). Thành ủy viên, Phó trưởng Đoàn ĐBQH TP Văn Thị Bạch Tuyết chủ trì hội thảo.

Tại hội thảo, đa số các đại biểu cho rằng việc cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng là việc người nghiện ma túy đăng ký cai nghiện tự nguyện với cơ quan cung cấp dịch vụ cai nghiện tại cộng đồng. Tuy nhiên, từ thực tiễn cho thấy công tác cai nghiện tại gia đình, cộng đồng còn gặp nhiều khó khăn như công tác quản lý, cơ sở vật chất… và hầu hết người nghiện không tự giác khai báo và tự nguyện đăng ký hình thức cai nghiện. Như vậy về bản chất cũng giống như hình thức cai nghiện tự nguyện tại các cơ sở cai nghiện ma túy công lập hoặc dân lập. Do đó, các đại biểu đề xuất cần lồng ghép nội dung cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng vào nội dung cai nghiện tự nguyện cho phù hợp với thực tiễn.

Góp ý về quy định thời gian cai nghiện ma túy thực hiện theo thỏa thuận giữa người cai nghiện ma túy, gia đình người cai nghiện ma túy với cơ sở cai nghiện ma túy nhưng thời hạn ít nhất là 6 tháng, Phó Chi Cục trưởng Chi Cục Phòng chống tệ nạn xã hội TP Nguyễn Văn Ngoan cho rằng cân nhắc thời gian cai nghiện. Vì trong thực tiễn cai nghiện ma túy hiện nay cần phải đa dạng các hình thức cai nghiện và đặc biệt là thời gian cai nghiện để phù hợp với từng loại đối tượng và từng giai đoạn điều trị, phục hồi khác nhau, có trường hợp chỉ có nhu cầu cắt cơn tại cơ sở hoặc cộng đồng hoặc đăng ký điều trị tại các cơ sở cai nghiện ma túy tự nguyện. Bên cạnh đó, cần bổ sung thêm biện pháp quản lý người sau cai nghiện tại địa phương và quy định về thời gian hỗ trợ xã hội sau cai nghiện ma túy và phòng chống tái nghiện.

Về trách nhiệm của người sử dụng trái phép chất ma túy, đại biểu Vũ Ngọc Nam, đại diện Sở Tư pháp TP đề nghị Bộ Công an quy định rõ hệ quả của việc khai báo và không khai báo đối với người sử dụng trái phép chất ma túy. Quy định rõ trách nhiệm của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, tổ chức tại nơi làm việc khi tiếp nhận thông tin khai báo của người sử dụng trái phép chất ma túy và tính khả thi của quy định này.

Về trách nhiệm của gia đình, cơ quan, tổ chức có liên quan, đại biểu Vũ Ngọc Nam đề nghị sửa đổi khi phát hiện người thân có hành vi sử dụng trái phép chất ma túy phải khai báo với Công an cấp xã nơi cư trú, vì khi thông báo cơ quan Công an cấp xã không thể kiểm chứng được thông tin và cách thức thông báo thì rất đa dạng Luật chưa quy định cụ thể cách thức thông báo nào là hợp lệ nên quy định này chỉ mang tính hình thức chưa khả thi. Cho nên, việc chuyển đổi thành khai bảo sẽ làm tăng tính xác thực của thông tin, khi khai báo thông tin về người sử dụng trái phép chất ma tuý với cơ quan Công an cấp xã, người khai báo cần có bằng chứng cụ thể và lời khai được ghi vào văn bản.

Cũng tại hội thảo, các đại biểu đề nghị bổ sung quy định trách nhiệm của Bộ Quốc phòng trong phối hợp xử lý người nghiện ma túy là cán bộ, chiến sĩ thuộc thẩm quyền. Lý do, trong dự thảo chưa quy định vấn đề này trong khi đó thực tiễn cho thấy khi cán bộ, chiến sĩ nghiện ma túy sẽ không còn đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ trong huấn luyện, công tác sẽ phải loại ngũ, đưa đi cai nghiện. Trong khi đó, Bộ Quốc phòng không có thẩm quyền tổ chức cai nghiện. Do đó, cần quy định cơ chế phối hợp với các cơ quan hữu quan có thẩm quyền. Ngoài ra, còn trường hợp người đang chấp hành hình phạt tù trong các trại giam Quân đội nghiện ma túy cũng cần có cơ chế quản lý, phối hợp cai nghiện trong trường hợp cần thiết nhằm đảm bảo quyền con người theo quy định của pháp luật.

Lam Khuê


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo