Thứ Năm, ngày 28 tháng 3 năm 2024

Cần một cuộc “đại cách mạng” mới cho sân khấu cải lương

Cảnh trong vở cải lương Trung thần được đánh giá cao thời gian qua. (Ảnh: Quốc Thanh)

(Thanhuytphcm.vn) - “Sân khấu cải lương (SKCL) dễ dung nạp các yếu tố mới và cho đến ngày hôm nay vẫn chưa định hình hoàn chỉnh. Dù đang thoái trào nhưng nó vẫn đang vận động và chờ đợi một sự đổi mới”, nhận định của NSƯT – đây là đánh giá của đạo diễn Trần Minh Ngọc đã nhận được sự tán đồng của nhiều chuyên gia, nhà quản lý, giảng dạy và người làm nghề tại hội thảo về những tinh hoa và nỗ lực chấn hưng SKCL do Khoa Kịch hát Dân tộc, Đại học Sân khấu - Điện ảnh TPHCM tổ chức ngày 15/4.

“Chuẩn hóa” chương trình giảng dạy

Th.S - đạo diễn Lê Nguyên Đạt, Trưởng Khoa Kịch hát Dân tộc nêu một thực tế, đã hơn 30 năm trôi qua nhưng khâu đào tạo diễn viên kịch hát dân tộc vẫn còn nhiều vấn đề chưa ổn định, vẫn đang tiếp tục chỉnh sửa, bổ sung. Việc tổ chức hội thảo này cũng như nhiều chuyên đề khoa học khác nhằm tạo cơ sở để xây dựng một “giáo án chuẩn” để Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh TPHCM vươn tới mục tiêu đào tạo diễn viên Kịch hát Dân tộc ở bậc đại học. Đây là việc đáp ứng nhu cầu phát triển chung của toàn xã hội và đảm bảo quyền lợi chính đáng, lâu dài cho giảng viên cũng như sinh viên; sẽ chấm dứt tình trạng rất nhiều sinh viên đã học hệ trung cấp diễn viên hiện đang công tác tại các đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp, nay phải quay lại học liên thông lên đại học ở một chuyên ngành khác.

TS.Mai Mỹ Duyên, nguyên Trưởng Khoa Sau Đại học - Đại học Văn hóa TPHCM cho rằng cần “chuẩn hóa” công tác đào tạo diễn viên cải lương ở tất cả các mặt sao cho người diễn viên ra nghề phải có nền tảng âm nhạc thật căn cơ, tránh ca rớt nhịp, hát sai nhạc như nhiều diễn viên trẻ hiện nay; quy chuẩn trình thức biểu diễn, hệ thống vũ đạo cải lương để người nghệ sĩ có thể sáng tạo trên trên nền tảng đó thay vì “sáng tạo lộn xộn”; tăng cường đào tạo kiến thức về lịch sử và dân tộc học cho chuyên ngành mỹ thuật sân khấu; chuẩn hóa phong cách hóa trang đặc biệt là ở nhân vật lịch sử…

Nhà giáo Lê Xuân Hiểu, nguyên Phó trưởng Khoa Kịch hát Dân tộc, dẫn chứng rằng những quy chuẩn đào tạo diễn viên cải lương đã được các thế hệ tiền bối đúc kết và giảng dạy từ nhiều lớp trước nhưng hiện nay gần như không còn được tôn trọng và nghiêm túc tuân thủ. Khi các nguyên tắc như: ca bằng làn hơi tự nhiên không dùng hơi gió, chỉ luyến hơi mà không luyến chữ, vai trò quan trọng của nói lối gối bài ca, chuẩn mực trình thức vũ đạo… bị vi phạm, dẫn đến tình trạng phổ biến những nghệ sĩ chỉ khoe giọng mà không chú ý đến nội dung lời ca hay diễn xuất giả, không có hồn trên sân khấu tất yếu làm mất đi sức hấp dẫn của SKCL…

Cần phải nuôi dưỡng trong điều kiện mới

Nhiều ý kiến cho rằng cải lương vẫn chưa định hình và vẫn đang biến chuyển trong bối cảnh mới với xu hướng toàn cầu hóa. Và đó cũng chính là may mắn của SKCL khi là loại hình nghệ thuật dung nạp được tất cả các đề tài, vượt qua những hạn chế về thể loại, thời đại.

NGND Hà Quang Văn ví von SKCL như chàng trai khổng lồ mang trong mình tinh hoa nghệ thuật truyền thống và hiện đại, kết tinh cả văn hoá Á Đông và phương Tây. Hiện tại, không riêng gì SKCL mà cả kịch nói và nền điện ảnh nước nhà đều đang phải chống trả dữ dội đủ các loại hình nghệ thuật, biểu diễn, vui chơi, giải trí của thế giới ồ ạt ùa vào khi hội nhập. Để có thể tồn tại và giữ gìn được bản sắc là thử thách lớn, đòi hỏi sự nỗ lực của từng người làm nghề. NGND Hà Quang Văn cho rằng cần thiết khôi phục chương trình “Sân khấu học đường” cho giới trẻ tìm hiểu về nghệ thuật dân tộc trong đó có SKCL.

NSƯT Lê Chức, Phó Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Việt Nam, từng có 14 năm làm Giám đốc Nhà hát Cải lương Việt Nam, cho biết: “NSND Đình Nghi đã từng nói cải lương không định hình mà chỉ đi tìm cái mới và bồi đắp thêm cho mình. Cho nên cải lương sẽ không chết nhưng cần phải nuôi dưỡng cải lương trong điều kiện mới, phải đặt trách nhiệm giữ gìn bằng được vì cải lương không chỉ là hồn cốt vùng đất nơi mình sinh ra mà còn là vốn quý của cả Việt Nam. SKCL đã có tinh hoa rồi, chúng ta phải làm sao truyền tinh hoa lại cho các thế hệ sau để tạo ra những tinh hoa mới”.

Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Việt Nam NSND Lê Tiến Thọ cho rằng, kịch bản cải lương hiện đang bị lùi so với cái bóng của xã hội, chỉ “lơ mơ những đề tài đâu đâu mà bỏ quên hiện thực cuộc sống, rồi “tự kỷ”, rồi kêu mãi, trông chờ sự thay đổi từ bên trên, bên ngoài mà quên rằng không ai có thể lo cho mình bằng chính bản thân mình”.

“Cơ thể cải lương rất khoẻ khắn, vì thế cải lương không thể chết già, chỉ chết vì bệnh mà thôi. Chúng ta phải nhìn thẳng vào sự thật rằng SKCL đang hấp hối trong căn bệnh trầm kha”, NSƯT - đạo diễn Triệu Trung Kiên, Phó Giám đốc Nhà hát Cải lương Việt Nam thẳng thắn nhận xét.

“Bắt bệnh” cho cải lương, NSƯT Triệu Trung Kiên cho rằng nghệ thuật truyền thống, trong đó có SKCL trong xu thế hội nhập phần nào giống như taxi truyền thống đối với grab hiện nay. Và nghệ thuật truyền thống cũng cần bắt tay nhau vượt qua khó khăn như cách taxi truyền thống liên kết viết phần mềm mới cạnh tranh với grab. Một nguyên nhân quan trọng hơn là SKCL đã rất lâu rồi không cải cách trong khi bản chất cải lương là luôn luôn đổi mới.

“Phải có một cuộc “đại cách mạng” mới cho SKCL, như một quy luật phát triển. Cần thiết có một đại hội thảo với tôn chỉ cải cách SKCL để mọi người cùng thảo luận đưa ra các quan điểm khoa học. Cải cách không chỉ là từ bỏ cái cũ làm mới hoàn toàn mà còn phải tận dụng và phát huy những giá trị cũ đã đi trước thời đại. Tôi trông chờ cuộc cách mạng này với nỗ lực của toàn ngành, quy tụ tinh hoa lực lượng làm nghề cùng đưa SKCL qua biến cố hôm nay”, NSƯT Triệu Trung Kiên chia sẻ.

Ngọc Tuyết

Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo