Thứ Sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024

Cần khơi thông các nguồn lực phát triển TPHCM

PGS.TS Vũ Hải Quân, Ủy viên Trung ương Đảng, Giám đốc Đại học Quốc gia TPHCM phát biểu tại buổi tọa đàm

(Thanhuytphcm.vn) – Chiều 13/7, Đại học Quốc gia TPHCM đã tổ chức Tọa đàm đề xuất và kiến nghị một số vấn đề triển khai Nghị quyết 54/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM.

Phát buổi tại buổi tọa đàm, PGS.TS Vũ Hải Quân, Ủy viên Trung ương Đảng, Giám đốc Đại học Quốc gia TPHCM nhấn mạnh, cơ chế đặc thù đặt ra trong bối cảnh chúng ta đang hoàn thiện về thể chế. Tuy nhiên, tốc độ hoàn thiện thể chế như xây dựng mới, sửa đổi, bổ sung các bộ luật, các quy định còn chậm hơn so với yêu cầu thực tiễn phát triển của TP. Cơ chế đặc thù là hướng đến hành lang pháp lý đủ mạnh, đủ linh hoạt để giải phóng tất cả nguồn lực, phục vụ cho sự phát triển nhanh, bền vững của TP, thực hiện thắng lợi các mục tiêu của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TPHCM lần thứ XI; đủ lực để làm đầu tàu kinh tế của cả nước.

PGS.TS Vũ Hải Quân cho biết, tọa đàm hôm nay là diễn đàn để các nhà khoa học, nhà quản lý và các bên liên quan trao đổi, thảo luận, làm sáng tỏ hơn những thuận lợi, khó khăn, bài học kinh nghiệm về những vấn đề thực tiễn trong thực hiện Nghị quyết 54 và những yêu cầu đặt ra trong bối cảnh mới.

Tại buổi tọa đàm, các đại biểu đã phân tích làm rõ những khó khăn, tồn tại trong các vấn đề trọng tâm như: phân cấp-phân quyền, cơ cấu ngân sách, chính sách phí-lệ phí, cổ phần hóa, biên chế, chính sách lương, thưởng, đất đai-chuyển đất lúa, sử dụng tài sản công,... Một số đề xuất nội dung cho nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 54 về cơ chế đặc thù phát triển bền vững TPHCM, qua đó tạo điều kiện khơi thông nguồn lực phát triển TPHCM trong giai đoạn tới.

Theo Tiến sĩ Thái Thị Tuyết Dung, Trường Đại học Kinh tế - Luật (Đại học Quốc gia TPHCM), TPHCM là nơi tập trung đông dân số, nhu cầu về giao thông, nước sạch, trường học, bệnh viện… của TPHCM phải gấp hàng chục lần so với các tỉnh khác. Vì thế, để giải quyết các vấn đề này đòi hỏi mức độ đầu tư lớn, có kế hoạch. Nhiều nội dung Nghị quyết 54 chưa phân cấp triệt để, tức là đã “cho phép” nhưng cho không dứt khoát. TPHCM chưa được quyền chủ động thực hiện mà không phải ra Trung ương xin thêm cơ chế. Tiến sĩ Thái Thị Tuyết Dung nêu dẫn chứng cụ thể: Nghị quyết cho phép TP được hưởng 50% khoản thu tiền sử dụng đất khi bán tài sản công gắn liền trên đất theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công để đầu tư hạ tầng kinh tế - xã hội thuộc nhiệm vụ đầu tư công của TP. Nhưng thực tế TPHCM không dễ dàng chủ động trong việc bán tài sản công thuộc trung ương quản lý trên địa bàn TPHCM, mà phải qua quá nhiều thủ tục hành chính, phải được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án bán tài sản. Cùng với đó, TPHCM không có sự chủ động về ngân sách, tức chưa có tính ổn định ngân sách giữa Trung ương và TPHCM để có những kế hoạch dài hơi. Trong khi đó, để phát triển bền vững và ổn định, thì chính quyền cần biết được ngân sách trong 5-10 năm TP sẽ có bao nhiêu, được tự chủ chi bao nhiêu, lúc đó mới hoạch định được kế hoạch phát triển và đầu tư. Bên cạnh đó, cơ chế xã hội hóa chưa được ghi nhận trong Nghị quyết 54, nên chưa chủ động huy động nguồn lực phát triển, trong khi các doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập tại TPHCM rất năng động nhưng chưa có cơ chế nên chưa thể thực hiện, nhất là các vấn đề liên quan tài sản công, hợp tác đầu tư. TPHCM cũng chưa được tự chủ trong việc tổ chức bộ máy chính quyền đô thị, nhất là chủ động việc thành lập các đơn vị trực thuộc, các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh. Trong khi đó, mối quan hệ giữa Nghị quyết 54 với các đạo luật chuyên ngành chưa tạo thành một “nguyên tắc tuân thủ” thống nhất, khi có sự khác nhau giữa Nghị quyết và Luật, nhiều trường hợp Nghị quyết không được ưu tiên áp dụng.

Nhiều ý kiến nhấn mạnh đến việc cần thiết phải có một nghị quyết mới thay thế cho Nghị quyết số 54 với các chính sách, cơ sở đặc thù tạo động lực cho TP phát triển hiệu quả. PGS.TS Nguyễn Thị Cành, Trường Đại học Kinh tế - Luật TPHCM cho rằng, Nghị quyết số 54/2017/QH14 cho TPHCM một số quyền, nhưng chưa có tính đột phá, chưa có tác động tích cực trong chuyển biến phát triển kinh tế-xã hội TPHCM. Cần kiến nghị Quốc hội ban hành nghị quyết thay thế Nghị quyết số 54/2017/QH14 để tiếp tục thực hiện các cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM trong giai đoạn tới, với tư cách là hạt nhân của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Nghị quyết thay thế Nghị quyết số 54/2017/QH14 có thể giữ lại một số điểm tốt như: quản lý đất đai, quản lý đầu tư. Về quản lý đầu tư, TP được quyết định chủ trương đầu tư đối với các dự án nhóm A và nâng cấp các dự án nhóm B, C lên nhóm A sử dụng ngân sách TP theo quy định của Luật Đầu tư công; Huy động các nguồn vốn tư nhân trong và ngoài nước với đa dạng hóa hình thức đầu tư hợp tác công tư (PPP). Về quản lý tài chính - ngân sách nhà nước, tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách TP giữ ổn định trong 10 năm. Về quản lý đô thị, TPHCM có thẩm quyền quy định chi tiết về quy hoạch, cấp phép xây dựng trên địa bàn TPHCM; được quyền thẩm định các dự án, thẩm định thiết kế kỹ thuật, dự toán xây dựng các công trình do UBND TPHCM quyết định đầu tư kể cả dự án Nhóm A, công trình cấp đặc biệt,…

Theo Tiến sĩ Thái Thị Tuyết Dung, về tổ chức, bộ máy quản lý nhà nước và cán bộ, công chức, viên chức, cần cho phép HĐND TPHCM được quyền quyết định bộ máy chính quyền của TPHCM, nhất là thành lập, giải thể các cơ quan, đơn vị trực thuộc. Cho phép HĐND tỉnh quyết định biên chế công chức trong cơ quan của HĐND, UBND, đơn vị sự nghiệp công lập của UBND các cấp.

Các đại biểu dự Tọa đàm đề xuất và kiến nghị một số vấn đề triển khai Nghị quyết 54/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM Các đại biểu dự Tọa đàm đề xuất và kiến nghị một số vấn đề triển khai Nghị quyết 54/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM

Về quy định cho phép HĐND TP xác định cơ cấu, số lượng cán bộ, công chức tăng thêm để bổ sung đối với các phường, xã, thị trấn đông dân ngoài số lượng quy định của Chính phủ, Tiến sĩ Thái Thị Tuyết Dung cho rằng, cần thiết phải căn cứ vào số dân cư, khối lượng công việc mà UBND cấp xã đang phải xử lý. Bởi lẽ, tinh thần của Dự thảo Nghị quyết là sẽ phân cấp, ủy quyền cho cấp xã nhiều hơn, thì lượng công việc sẽ nhiều, nếu chỉ tăng thêm 3 biên chế không giải quyết tận gốc của vấn đề. Có thể cho TPHCM chủ động trong việc sắp xếp biên chế cấp xã.

Một số ý đại biểu tham dự buổi tọa đàm cho rằng, dự thảo về nghị quyết thay thế Nghị quyết 54 cần nhấn mạnh những khó khăn trong triển khai Nghị quyết số 54; tính bức thiết của việc có thêm các cơ chế chính sách đặc thù trong nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 54 để tạo động lực cho TP phát triển như kỳ vọng. Cùng với mục tiêu cơ chế đặc thù giúp TPHCM phát triển, tạo sức lan tỏa, động lực mạnh mẽ hơn so với các địa phương khác, việc thực hiện các cơ chế cho TPHCM cũng có mục tiêu là cơ sở thí điểm cho cả nước. Khi thực hiện thành công TPHCM, giải quyết những vấn đề cho TP sẽ áp dụng cho các địa phương khác trong cả nước để giải quyết các vấn đề tương tự. Các đại biểu cũng cho rằng, cần có cơ chế đặc thù về khoa học công nghệ cho TPHCM, bởi TP đang đẩy mạnh chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo để phát triển.

S. Hải


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo