Thứ Sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024

Cần hoàn thiện dự án Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi) và Luật Chăn nuôi để phù hợp với thực tế

Thượng tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an
(Thanhuytphcm.vn) - Tiếp tục chương trình làm việc tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV, chiều 7/11, Quốc hội nghe tờ trình và báo cáo thẩm tra về dự án Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi) và thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Chăn nuôi.

Dự án Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi) cần được hoàn thiện thêm

Theo Thượng tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an, qua hơn 8 năm thi hành Luật Thi hành án hình sự (THAHS), công tác THAHS đã được tổ chức thực hiện đạt hiệu quả cao, bảo đảm sự nghiêm minh của pháp luật và thực hiện chính sách khoan hồng, nhân đạo của Đảng và Nhà nước ta trong giáo dục, cải tạo người phạm tội. Bên cạnh kết quả đạt được, Luật đã bộc lộ những bất cập, hạn chế, một số quy định đã không còn phù hợp với tình hình thực tiễn.

“Trong tình hình hiện nay, việc sửa đổi Luật THAHS năm 2010 là yêu cầu cấp thiết, nhằm cụ thể hóa các quy định liên quan đến quyền con người, quyền công dân theo Hiến pháp năm 2013 trong Luật Thi hành án hình sự; bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật, cụ thể là giữa Luật THAHS với Bộ luật Hình sự và các đạo luật khác có liên quan; đồng thời khắc phục những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn thực hiện Luật THAHS hiện hành” - Thượng tướng Tô Lâm nhấn mạnh.

Dự thảo Luật THAHS (sửa đổi) có 232 điều, được quy định thành 16 chương. So với Luật hiện hành, dự thảo Luật mở rộng thêm phạm vi điều chỉnh về thi hành quyết định tha tù trước thời hạn có điều kiện; về thi hành bản án, quyết định và các biện pháp tư pháp áp dụng đối với pháp nhân thương mại phạm tội; về quyền, nghĩa vụ của pháp nhân thương mại chấp hành án hình sự, biện pháp tư pháp.

Thẩm tra dự án Luật, Ủy ban Tư pháp cho rằng dự án Luật THAHS (sửa đổi) cần được hoàn thiện thêm để bảo đảm chất lượng, tính khả thi và các điều kiện khác theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga, báo cáo đánh giá tác động nhìn chung vẫn sơ sài, chưa đánh giá đầy đủ, kỹ lưỡng tác động của nhiều chính sách, nội dung mới, quan trọng, cơ bản của dự án Luật. Dự thảo Luật đã bổ sung quy định về THAHS đối với pháp nhân thương mại. Đây là quy định mới, ở nước ta chưa có tièn lệ, chưa có kinh nghiệm thực tiễn nhưng báo cáo đánh giá tác động chỉ đưa ra hai phương án để lựa chọn là có quy định hay không quy định thành một chương trong Luật... Dự thảo Luật vẫn còn tới 13 điều giao cho Chính phủ quy định chi tiết.

Liên quan đến quyền, nghĩa vụ của người bị kết án tử hình trong thời gian chờ thi hành án, dự thảo Luật quy định: "Chế độ quản lý giam giữ, ăn, ở, mặc, sinh hoạt, gửi, nhận thư; nhận đồ vật, tiền mặt, gặp thân nhân, chăm sóc y tế và các quyền, nghĩa vụ khác đối với người bị kết án tử hình trong thời gian chờ thi hành án thực hiện theo quy định của pháp luật về thi hành tạm giữ, tạm giam”.

Ủy ban Tư pháp cho rằng, Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam quy định về quyền, nghĩa vụ của người bị tạm giữ, tạm giam có một số nội dung không phù hợp đối với người bị kết án tử hình trong thời gian chờ thi hành án. Thực tiễn quản lý người bị kết án tử hình cho thấy, một số người bị kết án tử hình đã yêu cầu thực hiện một số quyền khó bảo đảm tính khả thi trên thực tế, gây lúng túng cho cơ quan thực thi pháp luật. Ủy ban Tư pháp đề nghị Chính phủ cân nhắc, hoàn thiện quy định của dự thảo Luật để khắc phục những khó khăn, bất cập từ thực tiễn nêu trên. Ủy ban Tư pháp đề nghị Quốc hội cho phép xem xét, thông qua dự án Luật theo quy trình 3 kỳ họp.

Cần quy định cụ thể, chặt chẽ hơn về quản lý thức ăn chăn nuôi

Cũng trong chiều 7/11, Quốc hội đã thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự  án Luật Chăn nuôi.

Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự  án Luật Chăn nuôi, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng cho biết, có ý kiến đề nghị cần quy định cụ thể, chặt chẽ hơn về quản lý thức ăn chăn nuôi, vì đây là một yếu tố quan trọng quyết định năng suất, chất lượng chăn nuôi và an toàn thực phẩm (ATTP); cần tăng cường công tác hậu kiểm về quản lý chất lượng thức ăn chăn nuôi, tránh làm phát sinh thủ tục hành chính.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo chỉnh sửa, bổ sung các quy định về thức ăn chăn nuôi tại Chương III; luật hóa những quy định về thức ăn chăn nuôi mà đã được kiểm nghiệm, thực hiện ổn định trong thực tế; quy định yêu cầu đối với thức ăn chăn nuôi thương mại trước khi lưu thông trên thị trường... Dự thảo Luật đã giảm đáng kể nội dung cần ban hành văn bản hướng dẫn, tạo môi trường minh bạch, thông thoáng hơn cho hoạt động sản xuất và kinh doanh thức ăn chăn nuôi.

Tiếp thu ý kiến đề nghị chỉnh sửa các quy định về quản lý thức ăn chăn nuôi có chứa kháng sinh cho chặt chẽ, tránh tồn dư trong sản phẩm chăn nuôi làm ảnh hưởng tới sức khỏe người tiêu dùng và phù hợp với quy định của pháp luật về thú y, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉnh sửa lại Điều 45; đồng thời, quy định nghiêm cấm sử dụng kháng sinh trong thức ăn chăn nuôi không phải là thuốc thú y được phép lưu hành tại Việt Nam, sử dụng kháng sinh trong thức ăn chăn nuôi nhằm mục đích kích thích sinh trưởng.

Các đại biểu cho rằng ngành chăn nuôi nước ta đã có tốc độ phát triển nhanh đưa lại giá trị kinh tế lớn nhưng vẫn còn nhỏ lẻ, nên cần phải có chính sách đủ mạnh, chiến lược phù hợp để phát triển chăn nuôi theo phương thức công nghiệp, chuỗi khép kín, kiểm soát dịch bệnh, vệ sinh an toàn thực phẩm và xử lý môi trường chăn nuôi; bổ sung quy định về chế biến, bảo quản để phát triển chăn nuôi theo chuỗi, bền vững.

Về chính sách của Nhà nước đối với chăn nuôi, nhiều đại biểu nhất trí với quy định như trong dự thảo luật, đồng thời đề nghị bổ sung quy định về quy hoạch phát triển chăn nuôi; có chính sách hợp lý đối với các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ; đảm bảo cơ cấu nguồn lực, cơ chế chính sách cho nhóm nông dân khởi nghiệp. Về các hành vi bị nghiêm cấm, một số ý kiến đại biểu đề nghị dự thảo Luật cần quy định cụ thể hơn để tránh bỏ sót hành vi nghiêm cấm; đồng thời bổ sung thêm hành vi nhập khẩu gia súc, gia cầm kém chất lượng từ nước ngoài.

Phát biểu kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề nghị các cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra phối hợp tiếp thu, giải trình, làm rõ thêm các ý kiến của đại biểu Quốc hội, đặc biệt là về các nội dung còn có nhiều ý kiến khác nhau trước khi Quốc hội biểu quyết thông qua dự án Luật này.

Vân Thanh

Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo