Thứ Ba, ngày 19 tháng 3 năm 2024

Cần giải pháp tổng thể trong xây dựng đô thị thông minh

Đại diện Sở Thông tin và Truyền thông Đà Nẵng chia sẻ kinh nghiệm xây dựng đô thị thông minh

(Thanhuytphcm.vn) - Chiều 19/9, tại TPHCM,  Viện Khoa học và Công nghệ Tính toán cùng Hội Tin học TPHCM tổ chức Hội thảo khoa học “Giải pháp tổng thể cho đô thị thông minh – Smart City 360 độ”, nhằm thiết lập diễn đàn để các chuyên gia từ nhiều lĩnh vực giới thiệu, thảo luận và đóng góp các giải pháp xây dựng đô thị thông minh thông qua nhiều cách tiếp cận khác nhau.

Hiện nay, nhiều địa phương ở Việt Nam đã bắt đầu triển khai xây dựng đề án thành phố thông minh, đô thị thông minh như Đà Nẵng, Quảng Ninh, TPHCM, Cần Thơ, Kiên Giang, Lâm Đồng, Bình Dương, Thanh Hóa, Hải Phòng… Phần lớn các đề án đều chú trọng ứng dụng công nghệ để kết nối, thu thập và phân tích thông tin của người dân và các cấp quản lý để nâng cao chất lượng sống của cư dân và đảm bảo phát triển bền vững.

Ông Lê Quốc Cường, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TPHCM chia sẻ, TP được xem là nơi ứng dụng công nghệ thông tin hàng đầu cả nước và trong 7 Chương trình đột phá mà TP triển khai thì vấn đề này luôn được chú trọng. Tuy nhiên, việc ứng dụng công nghệ thông tin hiện chưa mang tính tổng thể, chưa đạt được kết nối cao giữa các lĩnh vực, do đó chia sẻ sử dụng nguồn lực công nghệ thông tin chung phục vụ cho hội nhập của chính quyền, phục vụ người dân và đáp ứng nhu cầu phát triển chưa đạt được như mong muốn. 

Ông Nguyễn Quang Thanh, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Đà Nẵng nhìn nhận: Trong xu thế phát triển của công nghệ theo hướng kết nối và tương tác, nhiều công nghệ chủ đạo của công nghiệp lần thứ 4 đã và đang trở thành công cụ chủ yếu của đô thị thông minh. Thành phố Đà Nẵng đã có một quá trình dài trong việc Tin học hóa công tác quản lý hành chính, xây dựng mô hình, triển khai Chính quyền điện tử và theo xu thế phát triển, Đà Nẵng “chập chững” với những bước đi của thành phố thông minh.

Dù vậy, từ thực tế và dẫn chứng đánh giá của các chuyên gia, ông Nguyễn Quang Thanh cho rằng, chỉ công nghệ là chưa đủ và ý niệm rằng công nghệ và quản trị đô thị sẽ tự động đem đến đô thị tốt hơn là chưa có cơ sở. Cần hướng tới cả việc nâng cao giá trị của các thành phần phi vật thể như vốn xã hội, vốn con người, vốn tri thức của các công ty, vốn tổ chức trong các cơ quan quản lý.

Cũng tại hội thảo, các chuyên gia nhận định: xây dựng đô thị thông minh, bên cạnh công nghệ, rất cần sự chung tay của người dân. Với định hướng trên, Tiến sĩ Đoàn Xuân Huy Minh (Viện Khoa học và Công nghệ Tính toán TP) cho biết, Dự án Smart Saigon được hình thành từ ý tưởng khai thác thông tin từ cộng đồng kết hợp Hệ thống thông tin địa lý để xử lý và hiển thị thông tin xã hội theo thời gian thực. Đây là chương trình tự động tổng hợp, hiển thị và chia sẻ các thông tin ngập lụt và giao thông được gửi từ người dùng mạng xã hội, kết hợp với thông tin giao thông và báo ngập chính thức từ các cơ quan quản lý trên địa bàn TPHCM.

Tiến sĩ Đoàn Xuân Huy Minh cho biết, tuy mới hoạt động thời gian ngắn (thử nghiệm từ tháng 5/2017), nhưng Dự án đã cho thấy kết quả khả quan từ sự tham gia tích cực của người dân trong hoạt động cảnh báo ngập lụt. Thành công bước đầu trong cộng đồng cho thấy sự ủng hộ tích cực của người tham gia và các cơ quan quản lý của nhà nước. Đặc biệt, với sự phát triển của các phương tiện điện tử hiện đại và sự tiện dụng của các hệ thống di động, kết nối thông minh, người dân đã không còn ngại ngần trong các tương tác với chính quyền.

Trong khi đó, dựa trên những phân tích tổng thể và đưa ra những việc chính cần làm để xây dựng một thành phố thông minh, chuyên gia Nguyễn Trọng (nguyên Chánh Văn phòng Ban chỉ đạo Quốc gia về công nghệ thông tin) nhấn mạnh, cần xác định những thông tin cơ bản mà người dân “bấm” là có và sẵn sàng trả tiền như khi sử dụng các dịch vụ điện, nước, thu gom rác… cùng với đó là tạo lập môi trường cho thành phố thông minh gồm môi trường công nghệ và công nghệ xã hội.

Ngoài ra, theo chuyên gia Nguyễn Trọng, phải kiến tạo hệ thống các cơ sở dữ liệu dùng chung, tức xây dựng nguồn lực thông tin; kiến tạo cơ chế suy luận, tìm kiếm, phân tích, thông tin theo yêu cầu; đồng thời chế tạo những “công tắc”, “vòi nước” cho hạ tầng kỹ thuật – dịch vụ thông tin, sao cho ai cũng sử dụng được chúng để có được thông tin cơ bản dễ dàng.

Tiến Lực

Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo