Thứ Ba, ngày 19 tháng 3 năm 2024

Cần có chính sách kiểm soát việc sở hữu xe cá nhân

Quản lý phương tiện cá nhân nhằm giúp hạn chế tình trạng kẹt xe tại các đô thị lớn như TPHCM.

(Thanhuytphcm.vn) - Tiếp tục chương trình hội nghị quốc tế về ATGT khu vực Đông Á lần thứ 12, chiều 18/9, tại TPHCM, đã diễn ra phiên họp đặc biệt về quản lý phương tiện cơ giới cá nhân - kinh nghiệm quốc tế và lộ trình áp dụng vào Việt Nam.

Tại phiên họp, Trưởng phòng Quản lý vận tải đường bộ (Sở Giao thông Vận tải TPHCM) Phạm Đình Đức cho biết: Tính đến tháng 8/2017, trên địa bàn TPHCM có 7,46 triệu xe máy, 663.000 xe ô tô, hơn 1 triệu xe vãng lai. Trong khi đó, về hạ tầng giao thông, TP có 4.869 tuyến đường với 4.155km đường, trong đó 70% tuyến đường có bề rộng dưới 7 m, mật độ đường/diện tích TP là 1,98km/km2(theo quy chuẩn xây dựng Việt Nam là 10 - 13,3km/km2); diện tích đất giao thông/diện tích đất xây dựng đô thị là 8,6% (theo quy hoạch là 22,3%). Từ hiện trạng này đã gây ra tình trạng ùn tắc giao thông, nhất là khu vực trung tâm TP. Về sản lượng vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt trong những năm qua đang có dấu hiệu giảm, cụ thể từ năm 2012 là 413 triệu hành khách nhưng đến năm 2016 giảm còn 326 triệu hành khách.

Trưởng phòng Quản lý vận tải đường bộ (Sở Giao thông Vận tải TPHCM) Phạm Đình Đức cho hay, hiện nay TPHCM đang phải đối mặt với một số khó khăn, tồn tại là gia tăng tỷ lệ sở hữu và sử dụng xe ô tô thay thế xe máy; số lượng phương tiện cơ giới cá nhân (ô tô, mô tô) không ngừng phát triển trong các năm qua; xe ô tô dưới 9 chỗ tham gia kinh doanh vận tải khách theo hợp đồng; chưa ban hành tiêu chuẩn khí thải và lộ trình áp dụng tiêu chuẩn khí thải đối với xe mô tô, xe gắn máy tham gia giao thông.

Từ thực trạng và một số tồn tại, khó khăn nêu trên, Trưởng phòng Quản lý vận tải đường bộ (Sở Giao thông Vận tải TPHCM) Phạm Đình Đức cho rằng, để quản lý phương tiện giao thông cá nhân trên địa bàn TPHCM, TP sẽ thực hiện một số giải pháp, đó là phát triển vận tải hành khách công cộng. Cụ thể, theo quy hoạch giao thông vận tải TPHCM được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, TP sẽ có 8 tuyến đường sắt đô thị, 3 tuyến xe điện mặt đất hoặc đường một ray, 6 tuyến xe buýt nhanh. Đồng thời, quản lý sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân như lập đề án thu phí đối với ô tô các loại vào một số khu vực trung tâm TP; xây dựng khung giá dịch vụ trông giữ phương tiện theo giờ và theo khu vực; điều chỉnh giãn giờ học tập, giờ làm việc trên địa bàn TP; rà soát các quy định về hạn chế và cấp phép cho xe ô tô vận tải lưu hành trong khu vực nội đô; cấm ô tô hoạt động theo giờ, theo ngày trên một số tuyến phố; phân vùng hạn chế hoạt động của xe máy phù hợp với cơ sở hạ tầng và năng lực phục vụ của hệ thống vận tải hành khách công cộng.

Cũng tại phiên họp, các đại biểu cho rằng, để quản lý phương tiện cơ giới cá nhân đạt hiệu quả, Việt Nam cần khuyến khích người dân, nhất là giới trung lưu hạn chế mua xe cá nhân, có chính sách kiểm soát việc sở hữu xe cá nhân; khuyến khích sử dụng phương tiện vận tải hành khách công cộng, đồng thời nâng cao chất lượng hoạt động của loại hình vận tải này; đánh thuế cao vào việc vận hành xe; thu phí đỗ xe cao;...

Trước đó, vào đầu giờ chiều 18/9 cũng đã diễn ra phiên họp về phát triển giao thông linh hoạt trong điều kiện biến đổi khí hậu và thiên tai - góc nhìn từ Việt Nam và thế giới.

Tại phiên họp, các đại biểu cho rằng, trong thời gian gần đây, khí hậu và thời tiết diễn biến thất thường và có xu hướng cực đoan gây ảnh hưởng đến hạ tầng giao thông. Do đó, để việc phát triển giao thông thích ứng với biến đổi khí hậu và thiên tai, nhà nước phải nghiên cứu và khảo sát các vị trí dễ bị tổn thương để phục vụ công tác phòng ngừa, xử lý, thậm chí là trong công tác đầu tư phải tính đến yếu tố biến đổi khí hậu để có phương án đầu tư phù hợp; phải có hệ thống dự báo, cảnh báo những vị trí dễ bị tổn thương để có phương án phòng ngừa, gia cố nhằm hạn chế những thiệt hại; đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng giao thông phải rà soát các hệ thống tiêu chuẩn, kỹ thuật, chỉ dẫn kỹ thuật nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu, trong đó cần ứng dụng công nghệ và vật liệu mới; bố trí và tăng vốn cho các loại công trình thích ứng với biến đổi khí hậu để đảm bảo tính bền vững của công trình; đầu tư cho kết cấu hạ tầng giao thông ngoài đầu tư ban đầu cần có đầu tư phòng ngừa xử lý sự cố;...

Đình Lý

Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo