Thứ Sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024

Các hiểu biết về khởi nghiệp đối với sinh viên còn hạn chế

Sinh viên trao đổi nhiều vấn đề liên quan đến hoạt động khởi nghiệp tại hội thảo

(Thanhuytphcm.vn) - Ngày 11/12, Trường Đại học (ĐH) Sư phạm TPHCM đã tổ chức Hội thảo khoa học “Khởi nghiệp của sinh viên ngoài sư phạm”. Hội thảo là diễn đàn trao đổi chuyên môn và tăng cường mối liên hệ, hợp tác giữa các chuyên gia, nhà nghiên cứu với các cơ sở đào tạo ĐH, đơn vị tuyển dụng và cơ quan hoạch định chính sách về khởi nghiệp cho sinh viên ngoài sư phạm tại Việt Nam.

Theo các chuyên gia, đến nay, việc xác định hướng đi cũng như tổng hợp các hiểu biết về khởi nghiệp đối với sinh viên tại các trường ĐH trên cả nước còn hạn chế. Các nghiên cứu về sinh viên khởi nghiệp trong vài năm gần đây được thực hiện khá rời rạc và chưa có định hướng cụ thể về sản phẩm đầu ra. Đối với sinh viên các trường sư phạm thì nghiên cứu về khởi nghiệp gần như không có.

Nghiên cứu sinh Huỳnh Cát Dung, Trường ĐH Sư phạm Thể dục thể thao TPHCM cho rằng, hiện nay các trường ĐH tại Việt Nam hầu như không có các trung tâm khởi nghiệp, công tác khởi nghiệp vẫn còn mơ màng, còn sinh viên thì mơ hồ về khởi nghiệp. Chuyên gia này cho rằng, các trường ĐH Việt Nam còn mang nặng tư tưởng giảng dạy hơn là nghiên cứu khoa học. Vì thế các trường không có các dự án liên kết với các doanh nghiệp và các sản phẩm có được từ các công trình nghiên cứu khoa học không được ứng dụng và không có thị trường sử dụng.

PGS.TS Huỳnh Văn Sơn, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TPHCM đưa ra những con số đáng suy ngẫm, đó là theo thống kê, chỉ có từ 1%-3% tỷ lệ người khởi nghiệp thành công, đồng nghĩa với việc có thể có từ 97%-99% người khởi nghiệp thất bại. Bên cạnh đó, có đến 50% doanh nghiệp mới sẽ bị thất bại sau 5 năm, minh chứng rằng có rất nhiều doanh nghiệp trên địa bàn TPHCM, trong năm 2017 vừa qua đã bị phá sản, cụ thể đã có trên 48% doanh nghiệp đóng cửa sau chưa tròn 12 tháng hoạt động. 

Các chuyên gia cho rằng, các yếu tố cốt lõi tạo nên sự thành công cho các sinh viên nói chung đó là: coi trọng văn hóa khởi nghiệp, sinh viên cần được cung cấp lý luận vững chắc về khởi nghiệp và những yếu tố pháp lý liên quan, nguồn nhân lực có trình độ nghiên cứu và chuyên môn sâu, tạo ra mạng lưới kết nối giữa sinh viên với các chuyên gia, doanh nghiệp, có nguồn quỹ tự thân và nguồn quỹ hỗ trợ…

Anh Huy

Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo