Thứ Năm, ngày 28 tháng 3 năm 2024

Bộ Y tế khuyến cáo mỗi người tiêm đủ 2 liều của cùng một loại vaccine phòng Covid-19

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long phát biểu tại hội nghị ngày 6/3.

(Thanhuytphcm.vn) – Ngày 6/3, Bộ Y tế tổ chức hội nghị trực tuyến với 63 tỉnh, thành phố về triển khai kế hoạch tiêm chủng vaccine phòng Covid-19.

Triển khai thận trọng việc tiêm chủng vaccine phòng Covid-19

Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, từ ngày 8/3 tới, những mũi vaccine AstraZeneca ngừa Covid-19 đầu tiên sẽ tiêm cho những đối tượng được ưu tiên tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (Hà Nội), Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM, một số cơ sở y tế khác, đặc biệt là tại tỉnh Hải Dương.

Vaccine phòng Covid-19 là một trong những nỗ lực của các nhà nghiên cứu trên toàn thế giới, là một trong những vaccine phát triển, ra đời nhanh nhất trong lịch sử. Do thời gian chưa đủ dài để theo dõi thử nghiệm lâm sàng, cũng như đánh giá hiệu quả của vaccine nên mức độ bảo vệ có thể khác nhau ở một số vaccine. Vaccine ngừa Covid-19 cũng là vaccine mới nên không thể tránh khỏi những phản ứng sau tiêm. Vì vậy, Bộ Y tế quán triệt phải triển khai thận trọng. Vaccine AstraZeneca dù về Việt Nam từ ngày 24/2, cơ quan chức năng trong nước đã kiểm định nhanh chóng nhưng Bộ Y tế vẫn thận trọng chờ giấy chứng nhận xuất xưởng chất lượng của vaccine từ phía Hàn Quốc. Sau khi đủ các thủ tục mới tiến hành tiêm vaccine AstraZeneca từ ngày 8/3 tới.

Bộ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh, tiêm vaccine ngừa Covid-19 là chiến dịch tiêm chủng lớn nhất từ trước đến nay ở nước ta. Vaccine đợt này dù không đạt bảo vệ hiệu quả 100% nhưng những người được tiêm nếu mắc bệnh sẽ nhẹ hơn nhiều, không tử vong. Song song với việc mua vaccine ngừa Covid-19 từ nước ngoài, Việt Nam cũng tập trung nghiên cứu, sản xuất, chủ động nguồn vaccine trong nước. Cùng với đó, người dân cần thực hiện nghiêm thông điệp “Vaccine + 5K”.

Bộ Y tế cũng hướng dẫn rõ, lần này, số lượng vaccine về hạn chế nên sẽ tập trung cho những đối tượng ưu tiên theo Nghị quyết 21/NQ-CP của Thủ tướng Chính phủ. Đó là những người trực tiếp làm công tác phòng, chống dịch, những người làm công tác xét nghiệm… Trong lần này không thể phân bố đều cho 63 tỉnh, thành phố mà ưu tiên cho 13 tỉnh có dịch, trong đó tập trung nhất cho Hải Dương. Hải Dương là địa phương tiêm chủng đầu tiên cùng Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM. Trong năm 2021, Việt Nam cố gắng sẽ tiêm đủ cho các đối tượng ưu tiên theo Nghị quyết 21/NQ-CP của Thủ tướng Chính phủ.

Tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên

Theo Tiến sĩ Dương Thị Hồng, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, vaccine AstraZeneca đã được 25 quốc gia chấp thuận lưu hành và sử dụng, trong đó có Việt Nam. Vaccine này do Tập đoàn Astrazeneca sản xuất bởi SK Bioscience, Hàn Quốc.

Lô vaccine đã mở chỉ sử dụng trong vòng 6 giờ. Tiêm vaccine AstraZeneca gồm 2 mũi cách nhau 12 tuần. Vaccine này được chỉ định tiêm phòng cho người từ 18 tuổi trở lên. Có một số phản ứng có thể xảy ra sau tiêm như đau đầu, đau cơ, buồn nôn, đau khớp, sốt... Phản ứng sốc phản vệ có thể xảy ra sau tiêm vaccine nhưng hiện nay, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) chưa có đầy đủ dữ liệu; cũng chưa có bằng chứng liên quan giữa các trường hợp phản ứng nghiêm trọng có liên quan đến vaccine.

Tiến sĩ Dương Thị Hồng cho biết rõ thêm, mỗi người sẽ tiêm 2 mũi, cách nhau 12 tuần. Vaccine này có chỉ định tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên. Phụ nữ có thai khuyến cáo tiêm vaccine khi lợi ích của vaccine vượt trội hơn nguy cơ tiềm ẩn cho mẹ và thai nhi, ví dụ như đối tượng thuộc nhóm có nguy cơ phơi nhiễm cao hoặc có các bệnh đi kèm nằm trong nhóm nguy cơ cao bị mắc Covid-19 nặng. Đối với phụ nữ cho con bú, tiêm vaccine nếu họ thuộc nhóm đối tượng nguy cơ, không cần tạm ngừng cho con bú sau khi tiêm vaccine. Người nhiễm HIV, suy giảm miễn dịch, tiêm vaccine nếu thuộc nhóm nguy cơ phơi nhiễm hoặc nguy cơ mắc bệnh nặng, không cần xét nghiệm HIV trước khi tiêm. Người bị nhiễm SARS-CoV-2 trước đó, chỉ định tiêm dù có hoặc không triệu chứng. Người đang mắc Covid-19, sẽ tiêm sau 6 tháng khỏi bệnh. Người có tiền sử điều trị trước đó bằng kháng thể kháng Covid-19, sẽ tiêm sau 90 ngày. Người từ 65 tuổi trở lên, người có bệnh nền, cần tiêm vaccine vì đây là nhóm có nguy cơ mắc bệnh nặng.

Đáng chú ý, các trường hợp có tiền sử sốc hoặc phản ứng nặng sau lần tiêm chủng vaccine Covid-19 trước đó sẽ không tiêm liều thứ 2. Tạm hoãn tiêm đối với các trường hợp đang mắc các bệnh cấp tính, các bệnh nhiễm trùng hay mãn tính tiến triển. Hoãn tiêm chủng với những người đang mắc bệnh Covid-19 được xét nghiệm chẩn đoán bằng phương pháp PCR. Chỉ định tiêm sau 6 tháng khỏi bệnh.

Tiêm vaccine phòng Covid-19 tối thiểu cách 14 ngày với các vaccine phòng bệnh khác. Hiện chưa có đầy đủ dữ liệu về sử dụng thay thế của vaccine Covid-19 AstraZeneca với vaccine phòng Covid-19 khác, do đó Bộ Y tế khuyến cáo mỗi người tiêm đủ 2 liều của cùng một loại vaccine phòng Covid-19.

Bộ Y tế yêu cầu khi tư vấn trước tiêm, nhân viên y tế cần thực hiện tư vấn cho đối tượng tiêm chủng đọc thông tin và ký Phiếu đồng ý tham gia tiêm chủng; thông báo về phản ứng có thể xảy ra như phản ứng phổ biến đau tại chỗ tiêm, đau đầu, buồn nôn, mệt mỏi, ớn lạnh, sốt…, và có thể có các phản ứng hiếm gặp khác như phản ứng phản vệ, dị ứng. Đối tượng tiêm ở lại theo dõi 30 phút tại điểm tiêm chủng và tiếp tục theo dõi tại nhà sau tiêm chủng; thông báo cho cán bộ y tế khi có bất kỳ triệu chứng nào sau tiêm vaccine. Đến cơ sở y tế khi có các dấu hiệu bất thường về sức khỏe sốt cao khó hạ nhiệt độ, co giật, phát ban, tinh thần khó chịu, kích thích vật vã,…

Sau khi tiêm vaccine, người dân vẫn phải thực hiện “5K”

Đặc biệt, Bộ Y tế nêu rõ, sau khi tiêm vaccine, người dân vẫn phải thực hiện các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 theo thông điệp 5K của Bộ Y tế.

Về phân cấp tiêm, Bệnh viện tuyến Trung ương, tỉnh/thành phố, Bệnh viện và Trung tâm Y tế cấp huyện tổ chức tiêm chủng cho cán bộ y tế của cơ sở, nhân viên tham gia phòng chống dịch tại cơ sở, các đối tượng đang điều trị tại bệnh viện và các đối tượng khác theo kế hoạch. Trạm Y tế xã tổ chức tiêm chủng cho nhân viên y tế, nhân viên tham gia công tác phòng chống dịch, lực lượng quốc phòng, công an, giáo viên, các đối tượng khác đang sinh sống trên địa bàn, tiêm vét các đối tượng chưa được tiêm chủng. Bệnh viện, bệnh xá, cơ sở y tế… thuộc các bộ, ngành sẽ tiêm cho các đối tượng thuộc ngành mình, hỗ trợ cho ngành y tế để triển khai cho các đối tượng khác (trong trường hợp cần thiết). Các cơ sở tiêm chủng dịch vụ tổ chức tiêm chủng cho các đối tượng theo chỉ đạo của Sở Y tế.

Trước đó, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cũng đã ký ban hành kế hoạch tiêm vaccine Covid-19 trong năm nay và năm 2022. Mục tiêu của Kế hoạch này là 95% đối tượng nguy cơ và cộng đồng được tiêm chủng đủ mũi vaccine Covid-19 theo từng đợt phân bổ vaccine.

Lộ trình triển khai cụ thể là, đợt 1, nguồn vaccine mua của Tập đoàn AstraZeneca với số lượng 117.600 liều cho lực lượng tuyến đầu phòng, chống dịch. Phạm vi triển khai đợt 1 tại 13 tỉnh, thành phố hiện đang có dịch bao gồm: Hà Nội, TPHCM, Hải Dương, Quảng Ninh, Hải Phòng, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hưng Yên, Hòa Bình, Gia Lai, Bình Dương, Điện Biên và Hà Giang, trong thời gian tháng 3-4/2021.

Các đợt tiêm chủng tiếp theo sẽ được triển khai căn cứ theo tiến độ cung ứng vaccine thực tế.

Trung Kiên


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo