Thứ Năm, ngày 28 tháng 3 năm 2024

Bảo hiểm xã hội để an sinh

Người bệnh có tham gia BHYT đang chờ nhận thuốc ở một bệnh viện

(Thanhuytphcm.vn) - Khi đối mặt với những rủi ro, không phải ai cũng có khả năng tài chính để vượt qua; nhưng may là xã hội đã có công tác an sinh xã hội giúp khắc phục những rủi ro ấy. Trong đó, bệnh tật là rủi ro phổ biến nhất, là một trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn đến nghèo đói và thất nghiệp, mất việc là rủi ro cũng rất đáng lo.

Hơn 80% người trên 64 tuổi không có BHXH

Theo số liệu mới nhất từ Liên hiệp quốc, tính tới ngày 30/4/2019, Việt Nam có hơn 97,271 triệu người. Trong năm 2019, dân số của Việt Nam dự kiến sẽ tăng 937.915 người và đạt 97.894.859 người vào đầu năm 2020. Về cơ cấu tuổi, tính đến đầu năm 2017, Việt Nam có 25,2% trẻ em dưới 15 tuổi; 5,5% người trên 64 tuổi và 69,3% còn lại là người trong độ tuổi 15-64. Điều đáng quan tâm là tỷ lệ người không có khả năng lao động (dưới 15 tuổi và từ 65 tuổi trở lên) trên lực lượng lao động (từ 15 đến 64 tuổi) năm 2019 sẽ chiếm đến 44,4%.

Theo số liệu từ Bảo hiểm Xã hội (BHXH) Việt Nam, năm 2018, số người tham gia BHXH trong cả nước đạt trên 14,7 triệu người, chiếm khoảng 30,4% lực lượng lao động trong độ tuổi; số người tham gia bảo hiểm thất nghiệp đạt trên 12,6 triệu người, chiếm khoảng 26,2%. Về bảo hiểm y tế (BHYT), tỷ lệ bao phủ đạt 88,5% dân số với trên 83,5 triệu người tham gia, vượt 3,3% chỉ tiêu được giao.

Tại hội nghị báo cáo viên Trung ương tháng 3/2019, GS.TSKH Phạm Mạnh Hùng, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế, nguyên Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương cho biết cùng với mở rộng diện bao phủ BHXH, BHYT, số thu về quỹ BHXH, quỹ BHYT không ngừng gia tăng với tổng số thu ước trên 332.000 tỷ đồng, bằng 100,4% kế hoạch được giao. Đáng mừng là trong năm 2018, số tiền nợ bảo hiểm giảm mạnh, bằng 1,7% số phải thu năm 2017, thấp nhất từ trước đến nay. Tuy nhiên, vấn đề là với khoảng 30,4% lực lượng lao động tham gia BHXH thì khi về già, số người còn lại sống bằng gì?. Như hiện nay, Việt Nam có hơn 5,2 triệu người trên 64 tuổi, số cụ có BHXH chỉ dưới 20% trong tổng số 5,2 triệu người thì các cụ không có BHXH sẽ sống thế nào trong khi nhu cầu tài chính dành cho y tế ngày một tăng?.

Tiền thu y tế trực tiếp từ người bệnh đến 45%-50%

Hiện nay, có 3 nguồn tài chính cho y tế là từ ngân sách nhà nước, BHYT và do bệnh nhân chi trả trực tiếp. Nguồn từ ngân sách nhà nước dễ điều chuyển từ vùng giàu sang vùng nghèo, mang tính chia sẻ và công bằng; nguồn từ BHYT chỉ dùng trong phạm vi những người tham gia BHYT. Còn các trường hợp bệnh nhân chi trả trực tiếp thì không dễ có tiền ngay và dễ dẫn đến đói nghèo.

GS.TSKH Phạm Mạnh Hùng cho biết tài chính y tế hiện là vấn đề toàn cầu. Chính phủ các nước không thể bao cấp triệt để cho y tế như trước, mà phải huy động sự đóng góp của người dân; trong đó, BHYT (đóng trước, khi nào ốm thì sử dụng) có nhiều ưu việt. Nếu đóng góp theo kiểu chữa đến đâu thì phía bệnh nhân dùng tiền túi trả đến đấy - như cách thu viện phí tại các bệnh viện hiện nay, thì người bệnh và gia đình, nhất là người nghèo sẽ nghèo hơn, người ở tầng lớp trung lưu có thể rơi vào cảnh nghèo…

Theo Tổ chức Y tế thế giới, nếu tỉ trọng tiền thu y tế trực tiếp từ người bệnh chiếm trên 50% tổng chi xã hội cho y tế thì nền y tế không công bằng, có sự khác biệt lớn giữa các nhóm dân cư về khả năng tiếp cận và chất lượng dịch vụ y tế, đồng thời dễ dẫn đến mất an sinh xã hội. Vì thế nên giữ tỉ trọng này dưới mức 30%; nhưng đáng lo là ở nước ta, tỉ lệ này hiện đến 45%-50%.

Đẩy mạnh việc giáo dục, tuyên truyền về BHXH, BHYT

Hiểu rõ tầm quan trọng của công tác BHXH, BHYT, Bộ Chính trị khoá XI đã đưa ra Nghị quyết số 21-NQ/TW 2012 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác BHXH, BHYT giai đoạn 2012-2020; và Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã đưa ra Nghị quyết số 28-NQ/TW 2018 về cải cách chính sách BHXH. Theo đó, BHXH là một trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, góp phần quan trọng thực hiện công bằng xã hội, bảo đảm ổn định chính trị - xã hội, đời sống nhân dân và phát triển bền vững đất nước. Do vậy, phải phát triển hệ thống chính sách BHXH đa dạng, đa tầng, hiện đại; huy động các nguồn lực xã hội; hướng tới bao phủ toàn dân; kết hợp hài hoà các nguyên tắc đóng - hưởng; công bằng, bình đẳng; chia sẻ và bền vững; quan tâm cải cách, thực hiện chính sách BHXH đặt trong mối tương quan với đổi mới, phát triển các chính sách xã hội, nhất là chế độ tiền lương, thu nhập, trợ giúp xã hội để mọi công dân được bảo đảm an sinh xã hội.

Do vậy, cần giáo dục, tuyên truyền tốt về BHXH và BHYT để mọi người dân hiểu rõ BHXH, BHYT không chỉ ích nước, lợi nhà mà còn tốt cho chính người tham gia bảo hiểm, từ đó, mọi người dân đều sẵn sàng, tự nguyện tham gia. Cùng với đó là tuyên truyền để mọi người dân, nhất là những người tham gia BHXH, BHYT không ỷ lại vào xã hội hoặc coi quỹ bảo hiểm như “của chùa” mà “chia sẻ”, giả mạo để dùng thẻ BHYT của người khác hoặc thực hiện các hành vi lạm dụng và trục lợi… Tập trung tuyên truyền những nội dung như: tính chia sẻ trong cộng đồng; những lợi ích cụ thể, lợi ích kinh tế, lợi ích nhân văn và xã hội của BHXH, BHYT… Đặc biệt là những chính sách cụ thể được điều chỉnh; những hiện tượng tiêu cực, sai trái để người dân không làm theo và cả những giải pháp khắc phục trục lợi, lạm dụng BHYT, chỉ tham gia BHYT khi ốm đau…

Số năm đóng BHXH để tính mức bình quân tiền lương

Trước ngày 1/1/1995: 5 năm cuối trước khi nghỉ hưu

Từ 1/1/1995 đến 31/12/2000: 6 năm cuối trước khi nghỉ hưu

Từ 1/1/2001 đến 31/12/2006: 8 năm cuối trước khi nghỉ hưu

Từ 1/1/2007 đến ngày 31/12/2015: 10 năm cuối trước khi nghỉ hưu

Từ 1/1/2016 đến ngày 31/12/2019: 15 năm cuối trước khi nghỉ hưu

Từ 1/1/2020 đến ngày 31/12/2024: 20 năm cuối trước khi nghỉ hưu

Từ 1/1/2025 trở đi: Toàn bộ thời gian tham gia bảo hiểm.

An An


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo