Thứ Sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024

Bảo đảm quyền của người thi hành án

Đoàn ĐBQH TPHCM thảo luận về dự án Luật Thi hành án sửa đổi

(Thanhuytphcm.vn) - Chiều 12/11, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) thảo luận ở tổ về hai dự án Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi) và Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia.

Thảo luận về dự án Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi), các ĐB cho rằng với việc QH thông qua Hiến pháp 2013 và Bộ luật Hình sự, việc sửa đổi Luật Thi hành án hình sự là cần thiết. Mục đích sửa đổi vừa đề cao quyền con người, vừa có chế tài đủ sức răn đe, giáo dục, để người phạm tội có tính hướng thiện, không tái phạm, đấu tranh phòng chống tội phạm, bảo vệ trật tự an toàn xã hội.

Dự thảo luật đã tập trung cụ thể hóa quy định của Hiến pháp 2013 về quyền con người, đồng bộ thống nhất các quy định của các pháp luật khác có liên quan. Dự luật có tiến bộ lớn, đó là đã khắc phục được những yếu điểm mà Luật hiện hành chưa đưa ra được như các quyền của người phải thi hành án, phạm nhân.

Tuy nhiên, ĐB Trịnh Ngọc Thúy (TPHCM) cho rằng, quy định trong Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi) về việc thực hiện các biện pháp tư pháp với các pháp nhân thương mại còn chung chung, chưa cụ thể hóa về phương thức thi hành án. Luật cũng chưa nêu được pháp nhân thương mại có được tạm hoãn, tạm đình chỉ thi hành án hay hoãn thi hành án.

ĐB Trịnh Ngọc Thúy cũng chỉ ra rằng, mặc dù đề cao quyền con người nhưng Ban soạn thảo cũng cần cân nhắc quy định về trại tạm giam riêng cho bố mẹ nuôi con dưới 36 tháng tuổi, bởi, theo ĐB, đặt ra vấn đề này vô hình chung chúng ta mất đi tính khoan hồng của pháp luật, tính nhân đạo của Đảng, Nhà nước. Người nuôi con dưới 36 tháng tuổi là được hoãn thi hành án, được tạm đình chỉ thi hành án, trừ những trường hợp phải thi hành án do pháp luật quy định. Nhưng ghi không cụ thể sẽ làm mất đi giá trị đó.

Ở khía cạnh khác, ĐB Phạm Khánh Phong Lan quan tâm đến quyền và nghĩa vụ của phạm nhân quy định tại Điều 27 dự thảo Luật, cụ thể ĐB băn khoăn về những quyền liên quan đến y tế như quyền hiến mô, quyền hiến xác, quyền hiến tặng tinh trùng trong đặt phôi nhân tạo... ĐB cho rằng cần phải làm rõ nếu phạm nhân muốn hiến, chiết xuất đưa ra khỏi tù như thế nào và sức khỏe sau đó chăm sóc ra sao. Bên cạnh đó, một số kỹ thuật, như trữ tinh trùng, trữ trứng... liên quan đến điều kiện kinh tế, tài chính của bệnh nhân cũng tạo nên sự bất bình đẳng ngay trong môi trường nhà tù.

Theo Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm, các nội dung sửa đổi của dự luật chủ yếu cụ thể hóa Hiến pháp năm 2013, trong đó quy định rất nhiều quyền tự do dân chủ của người dân, kể cả những người đang thi hành án cũng được rà soát lại, rất tiến bộ, rất mới.

Nói về khái niệm về “pháp nhân thương mại”, Bộ trưởng cho biết, trên thực tế, xử lý một pháp nhân vi phạm kỷ luật thì nước ta chưa có, mới chỉ xử lý cá nhân những người có hành vi vi phạm pháp luật, còn pháp nhân là khái niệm rất mới. Chỉ xử lý con người vi phạm pháp luật cũng đã đủ điều chỉnh những hành vi vi phạm của pháp nhân. Các quy định của luật pháp quốc tế hiện đã đưa khái niệm này vào.

“Hệ thống luật pháp chúng ta đang được hoàn thiện. Chúng ta đã có nhiều luật như Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật Tạm giữ, tạm giam… Các luật này đã được ban hành và có hiệu lực gần một năm, do đó, sửa đổi Luật Thi hành án hình sự là bước quan trọng để thực hiện các luật này. Cơ quan soạn thảo, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đặt vấn đề sửa luật này để sớm đi vào cuộc sống, tăng giá trị pháp lý. Rõ ràng các luật khác có hiệu lực thì luật này phải đồng bộ đi theo. Ý kiến Ủy ban Tư pháp đề nghị nên thông qua 3 kỳ họp, mất một năm rưỡi, cả hiệu lực thi hành là 2 năm thì bị chậm”, Bộ trưởng cho hay.

Đề nghị Quốc hội cho ý kiến, thông qua theo quy trình 2 kỳ họp, Bộ trưởng Tô Lâm cho rằng nếu kéo dài 2 năm nữa thì quá trình thi hành luật không đồng bộ, độ vênh về thi hành luật rất lớn, khó khăn cho việc thi hành án. Đặc biệt, đối với vấn đề mang lại lợi ích, quyền tự do dân chủ của người dân nói chung và quyền của người thi hành án nói riêng thì Luật thông qua càng sớm càng tốt.

Vân Thanh


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo