Thứ Sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024

Bảo đảm điều tiết các quan hệ trong hoạt động cạnh tranh

ĐB Hà Sỹ Đồng phát biểu thảo luận

(Thanhuytphcm.vn) - Tiếp tục chương trình làm việc tại kỳ họp thứ 5, chiều 24/5, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) làm việc tại hội trường, thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Cạnh tranh (sửa đổi).

Mở rộng phạm vi điều chỉnh vượt ra khỏi lãnh thổ Việt Nam

Điểm nổi bật là dự luật đã mở rộng phạm vi, đối tượng điều chỉnh vượt ra khỏi biên giới lãnh thổ Việt Nam, có nghĩa ngay cả những doanh nghiệp nước ngoài không có trụ sở ở Việt Nam mà có hành vi cạnh tranh không lành mạnh vẫn bị xử lý nếu hành vi đó có tác động đáng kể tới thị trường trong nước.

“Việc mở rộng phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật đối với các hành vi được thực hiện bên ngoài lãnh thổ Việt Nam gây tác động hoặc có khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh trên thị trường Việt Nam là cần thiết nhằm đáp ứng yêu cầu của thực tiễn và phù hợp với thông lệ quốc tế”, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho hay.

Các ĐB Đinh Công Sỹ (Sơn La), Nguyễn Thị Hồng Hà (Ninh Thuận) cho rằng dự thảo Luật được xây dựng cơ bản đã đáp ứng được các yêu cầu, khắc phục được những hạn chế của Luật Cạnh tranh hiện hành, bảo đảm điều tiết các quan hệ trong hoạt động cạnh tranh. Tuy nhiên, cần tiếp tục rà soát để bảo đảm tính thống nhất của Luật trong hệ thống pháp luật nói chung, làm rõ hơn tính khả thi của việc mở rộng phạm vi điều chỉnh gồm cả hành vi thực hiện ngoài lãnh thổ Việt Nam, nhất là trong trường hợp không có điều ước quốc tế giữa Việt Nam và các quốc gia, vùng lãnh thổ khác.

Theo ông Vũ Hồng Thanh, Luật Cạnh tranh điều chỉnh chung về các quan hệ cạnh tranh, bao trùm tất cả các ngành, lĩnh vực. Có ý kiến đề nghị bổ sung quy định loại trừ áp dụng Luật Cạnh tranh đối với lĩnh vực tài chính, ngân hàng là các lĩnh vực có các quy tắc về kiểm soát rất chặt chẽ của nhà nước, không thể tự do kinh doanh như những lĩnh vực thông thường. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, pháp luật chuyên ngành chưa quy định hoặc quy định chưa đầy đủ về các hành vi hạn chế cạnh tranh, cạnh tranh không lành mạnh bị cấm hoặc dẫn chiếu áp dụng Luật Cạnh tranh. Do đó, việc loại trừ áp dụng Luật Cạnh tranh đối với các lĩnh vực này sẽ không đảm bảo kiểm soát, xử lý được đối với các hành vi hạn chế cạnh tranh, cạnh tranh không lành mạnh trong các ngành, lĩnh vực đó.

Mặt khác, để giải quyết hiệu quả các vụ việc cạnh tranh, việc điều tra, xử lý vụ việc phải do cơ quan độc lập có đủ thẩm quyền thực hiện theo trình tự tố tụng cạnh tranh. Do vậy, việc áp dụng Luật Cạnh tranh để điều chỉnh chung về các quan hệ cạnh tranh trên thị trường trong tất cả các ngành, lĩnh vực là cần thiết và phù hợp, bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật.

Thống nhất Cơ quan cạnh tranh Quốc gia trực thuộc Bộ Công thương

Dự luật đã bổ sung một chương (Chương VII dự thảo Luật) quy định về cơ quan cạnh tranh, trong đó định danh cơ quan cạnh tranh là Ủy ban cạnh tranh Quốc gia, đồng thời, quy định rõ nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban cạnh tranh Quốc gia và thẩm quyền của những người tiến hành tố tụng cạnh tranh.

“Việc quy định Cơ quan cạnh tranh Quốc gia trực thuộc Bộ Công thương, không thuộc Chính phủ hoặc Quốc hội giúp thu gọn đầu mối các cơ quan thực thi pháp luật cạnh tranh, không làm phát sinh đầu mối cơ quan thuộc Chính phủ hoặc Quốc hội, phù hợp với tinh thần giảm đầu mối cơ quan, tổ chức, đổi mới, sắp xếp lại bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả theo chủ trương chung của Đảng và Nhà nước”, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh nói.

Một số ý kiến tán thành quy định cơ quan này trực thuộc Bộ Công thương, song đề nghị quy định rõ chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền của cơ quan này trong Luật vì cơ quan này vừa thực hiện chức năng tham mưu trong quản lý nhà nước về cạnh tranh, vừa thực hiện chức năng tố tụng cạnh tranh. Bên cạnh đó, cũng có một số ĐB đề nghị quy định cơ quan này thuộc Chính phủ hoặc Quốc hội để bảo đảm tính độc lập, khách quan trong xử lý vụ việc cạnh tranh. Đồng quan điểm trên, ĐB Tô Văn Tám (Kon Tum) đề nghị thêm cơ quan chủ trì soạn thảo cần làm rõ hơn Điều 52 về “Cơ quan điều tra vụ việc cạnh tranh” là do ai thành lập.

Góp ý về các quy định thụ lý hồ sơ đề nghị hưởng miễn trừ đối với thỏa thuận hạn chế cạnh tranh; yêu cầu bổ sung thông tin, tài liệu đề nghị hưởng miễn trừ đối với thỏa thuận hạn chế cạnh tranh, ĐB Hà Sỹ Đồng, Phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị cho rằng, để đảm bảo thủ tục đề nghị hưởng miễn trừ đối với thỏa thuận hạn chế cạnh tranh được giải quyết nhanh chóng, đúng thời hạn, tránh trường hợp doanh nghiệp bị yêu cầu bổ sung thông tin, tài liệu nhiều lần, dự thảo nên bổ sung quy định quá thời hạn 7 ngày làm việc từ ngày nộp hồ sơ đề nghị hưởng miễn trừ mà doanh nghiệp không nhận được phản hồi từ Cơ quan cạnh tranh Quốc gia về tính đầy đủ và hợp lệ của hồ sơ thì hồ sơ được coi là đầy đủ và hợp lệ (Điều 17). Quy định về thời hạn bổ sung thông tin, tài liệu của doanh nghiệp khi nhận được văn bản yêu cầu bổ sung của Cơ quan cạnh tranh Quốc gia (Điều 18). Bổ sung quy định về trường hợp hết 60 ngày kể từ ngày nhận hồ sơ hợp lệ mà Cơ quan cạnh tranh Quốc gia không có quyết định gia hạn hoặc hết thời gian gia hạn mà không ra quyết định cho hưởng miễn trừ và gửi cho các bên trong thời hạn quy định thì được coi là các bên có quyền miễn trừ đối với các thỏa thuận hạn chế cạnh tranh (Điều 21).

ĐB cũng cho rằng các quy định về thỏa thuận hạn chế cạnh tranh, hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường, lạm dụng vị trí độc quyền tại dự thảo Luật còn mang tính định tính, dẫn đến có nhiều cách hiểu, khó thực hiện nhưng lại không yêu cầu Chính phủ hoặc các bộ chuyên ngành hướng dẫn chi tiết các nội dung này, trong khi đó về nguyên tắc, theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 thì chỉ những nội dung nào được giao quy định chi tiết trong Luật thì các cơ quan được giao mới có văn bản hướng dẫn.

Vân Thanh


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo