Thứ Sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024

Băn khoăn việc bố trí vốn cho Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành

Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể giải trình trước Quốc hội

(Thanhuytphcm.vn) - Sáng 13/11, tiếp tục Kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XIV, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận ở hội trường về Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành. Tổng mức đầu tư và cơ chế bố trí vốn cho dự án thành phần này là điều khiến nhiều đại biểu quan tâm.

Theo Báo cáo nghiên cứu khả thi, tổng mức đầu tư cho Dự án thành phần này khoảng 23.049 tỷ đồng nhưng hiện vốn ngân sách nhà nước mới bố trí được 5.000 tỷ đồng. Có ý kiến cho rằng, với lượng vốn ngân sách đã được bố trí, khó tiến hành thu hồi đất một lần theo tinh thần Nghị quyết 94, do vậy, cần phân kỳ ra nhiều giai đoạn để thực hiện giải phóng mặt bằng.

Quan điểm của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho thấy, Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành được chia làm 3 giai đoạn, thực hiện trong thời gian rất dài (riêng giai đoạn 1 đến năm 2025 mới hoàn thành, các giai đoạn sau có thể thực hiện trong nhiều năm). Việc thu hồi đất một lần cho toàn bộ Dự án có thể hiểu là tiến hành thu hồi đất, giải phóng mặt bằng cho cả 3 giai đoạn không phụ thuộc vào tiến độ của các giai đoạn sau. Quá trình giải phóng mặt bằng được tiến hành liên tục trong một khoảng thời gian xác định. Phần diện tích chưa sử dụng thì giao Chính phủ có kế hoạch quản lý, khai thác sử dụng có hiệu quả, tránh tình trạng để đất hoang hóa, tái lấn chiếm.

Theo Ủy ban Kinh tế Quốc hội, đặc thù công tác giải phóng mặt bằng thường gặp nhiều khó khăn trong việc huy động vốn ngoài ngân sách để thực hiện; mặt khác, đây là dự án có quy mô thu hồi đất rất lớn, ảnh hưởng đến nhiều hộ dân, do vậy, để bảo đảm thực hiện theo đúng tinh thần Nghị quyết 94 là thu hồi đất 1 lần, sớm ổn định cuộc sống, sản xuất của người dân, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tán thành đề xuất của Chính phủ, đề nghị Quốc hội bố trí bổ sung vốn cho dự án từ nguồn dự phòng kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách nhà nước giai đoạn 2016-2020 để bảo đảm đủ kinh phí thực hiện. Toàn bộ nguồn thu đấu giá quyền sử dụng đất, giao đất tái định cư, cho thuê đất Dự án sẽ được hoàn trả vào ngân sách trung ương. Ngoài ra, ngân sách sau này có thể được bổ sung từ thu lại tiền sử dụng đất đối với mặt bằng sạch để khai thác, sử dụng theo quy hoạch đã phê duyệt và khi sử dụng quỹ đất 21.000 ha quy hoạch vùng phụ cận sân bay, điều tiết tỷ lệ phân chia giữa trung ương với địa phương từ nguồn thu tiền sử dụng đất.

Về phương án 1 là bố trí bổ sung 15.000 tỷ đồng trong số 80.000 tỷ đồng cho các dự án quan trọng quốc gia theo Nghị quyết số 26/2016/QH14 ngày 10/11/2016 của Quốc hội và 2.938 tỷ đồng từ nguồn thu tiền sử dụng đất, giao đất tái định cư giai đoạn đầu; trường hợp không đủ thì bố trí từ nguồn dự phòng kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách Nhà nước giai đoạn 2016-2020, đại biểu Trần Hoàng Ngân (TPHCM) cho rằng phương án này khả thi hơn vì Quốc hội đã bấm nút thông qua Nghị quyết về kế hoạch đầu tư công trung hạn, trong đó bố trí 80.000 tỷ đồng cho các dự án quan trọng quốc gia vào kế hoạch 2016 – 2020.

Nếu thực hiện phương án 2 là ngân sách Trung ương bố trí bổ sung kinh phí 17.938 tỷ đồng từ nguồn dự phòng kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách Nhà nước giai đoạn 2016-2020 để thực hiện dự án thì theo đại biểu Trần Hoàng Ngân, đây là phương án trích từ dự phòng, là dự phòng của từng khoản mục, từng địa phương, ngành, bộ, do đó không thể lấy của địa phương này sang địa phương khác mà phải có một kế hoạch rất chi tiết, cụ thể.

Đại biểu Quốc hội làm việc tại hội trường Đại biểu Quốc hội làm việc tại hội trường

Đại biểu Trần Hoàng Ngân cho rằng, các cơ quan hệ thống chính trị, HĐND, Quốc hội cần tăng cường khâu giám sát và kể cả chủ đầu tư phải đảm bảo sự liên lạc thường xuyên, giám sát thường xuyên để không ảnh hưởng đến tiến độ thi công công trình. Đại biểu cũng lưu ý đến việc được kết nối vào cảng hàng không, kết cấu hạ tầng đồng bộ với các tuyến đường Bến Lức – Long Thành, những đường cao tốc kết nối vào sân bay để khai thác liên quan đến kết cấu vào sân bay cần được ưu tiên để khi xây dựng xong cảng đồng bộ và sử dụng hiệu quả nhất.

Đồng quan điểm với đại biểu Trần Hoàng Ngân, đại biểu Tạ Văn Hạ (Bạc Liêu) phân tích: “phương án 1 phải dùng 2.900 tỷ đồng thu hồi từ tiền sử dụng đất, giao tái định cư giai đoạn đầu. Dự kiến nếu không thu được thì chúng ta có thể dùng nguồn dự phòng vốn trung hạn”. Đại biểu Hạ đề nghị Chính phủ cung cấp rõ thông tin cho đại biểu về các phương án, để đại biểu có thể yên tâm nhấn nút. Nghị quyết của Quốc hội cũng cần có điều khoản yêu cầu Chính phủ định kỳ báo cáo để Quốc hội nắm, giám sát kết quả thực hiện.

Giải trình trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể cho biết, Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành là dự án trọng điểm quốc gia, có quy mô rất lớn, ảnh hưởng rất nhiều hộ dân nên Bộ rất thận trọng khi thực hiện. Sau khi Quốc hội có ý kiến, Chính phủ phê duyệt, Bộ Giao thông Vận tải cùng các bộ, ngành phối hợp với UBND tỉnh Đồng Nai rà soát từng phần việc sẽ thực hiện, lên phương án triển khai sao cho công khai minh bạch. Những vấn đề thuộc thẩm quyền sẽ thống nhất thực hiện, những gì vượt thẩm quyền sẽ báo cáo Chính phủ, Quốc hội để thực hiện tốt nhất.

Vân Thanh


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo