Thứ Năm, ngày 28 tháng 3 năm 2024

Loạt bài “Để cuộc sinh hoạt chi bộ có ý nghĩa thiết thực”

Bài 7: Giữ nghiêm các nguyên tắc trong sinh hoạt chi bộ

Một buổi sinh hoạt của Chi bộ khu phố 1, phường Tam Bình, thành phố Thủ Đức. (Ảnh minh họa)

(Stxdd.thanhuytphcm.vn) - Sinh hoạt chi bộ cũng như nhiều hoạt động khác của tổ chức đảng phải tuân thủ các nguyên tắc của Đảng. Điều lệ được Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI đã nêu rõ các nguyên tắc của Đảng: tập trung dân chủ; tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách; thương yêu đồng chí; kỷ luật nghiêm minh; tự phê bình và phê bình; đoàn kết trên cơ sở Cương lĩnh chính trị và Điều lệ Đảng; gắn bó mật thiết với nhân dân; Đảng hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật.

Trong tổ chức và sinh hoạt đảng nói chung hay sinh hoạt chi bộ nói riêng, nguyên tắc tập trung dân chủ là sự thống nhất biện chứng giữa dân chủ và tập trung. Giữa chúng có mối quan hệ gắn bó và thống nhất với nhau, trong đó dân chủ là cơ sở của tập trung, để đi đến tập trung chứ không phải là dân chủ tùy tiện,phân tán, vô tổ chức, vô kỷ luật; còn tập trung phải trên cơ sở dân chủ, chứ không phải là tập trung quan liêu, độc đoán, chuyên quyền…

Điều 9 Điều lệ Đảng nêu rõ nội dung của nguyên tắc tập trung dân chủ. Trong phạm vi sinh hoạt chi bộ, nguyên tắc này chủ yếu thể hiện ở mấy điểm: cấp ủy (bí thư) báo cáo và chịu trách nhiệm trước chi bộ; đảng viên phải phục tùng nghị quyết của chi bộ; thiểu số phục tùng đa số; cấp dưới phục tùng cấp trên; nghị quyết của chi bộ chỉ có giá trị khi có hơn một nửa số đảng viên trong chi bộ tán thành; trước khi biểu quyết, các đảng viên được phát biểu ý kiến của mình; đảng viên có ý kiến thuộc về thiểu số được quyền bảo lưu và báo cáo lên cấp ủy cấp trên, song phải chấp hành nghiêm chỉnh nghị quyết, không được truyền bá ý kiến trái với nghị quyết của Đảng; cấp ủy (bí thư) không phân biệt đối xử với đảng viên có ý kiến thuộc về thiểu số; chi bộ quyết định các vấn đề thuộc phạm vi quyền hạn của mình, song không được trái với nguyên tắc, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và nghị quyết của cấp trên…

Dù phải tuân thủ nguyên tắc nhưng cũng cần vận dụng linh hoạt. Chẳng hạn, khi thảo luận một vấn đề nào đó, có hai luồng ý kiến khác nhau, chưa thuyết phục hoặc bác bỏ được nhau; khi biểu quyết, dù có một bên chiếm đa số nhưng tỷ lệ không vượt trội. Về nguyên tắc, chi bộ có thể lấy ý kiến theo đa số để ban hành nghị quyết. Tuy nhiên, để thể hiện tính thống nhất, đồng thời có sự tôn trọng ý kiến của các đảng viên, cấp ủy (hoặc bí thư) chưa nên thông qua nghị quyết đó mà cần có thời gian tìm hiểu, trao đổi để xác định rõ vì sao có sự khác biệt đó, ý kiến thiểu số có những điểm nào hợp lý cần tiếp thu… Người chủ trì có thể dời việc biểu quyết vấn đề đó đến kỳ họp sau để có sự tập trung và đồng thuận hơn. Đây không phải là sự thỏa hiệp, xem nhẹ nguyên tắc mà là sự thực hiện nguyên tắc một cách hợp lý, linh hoạt, nhằm tạo ra sự đoàn kết, thống nhất trong chi bộ tốt hơn. Bởi nếu cứ vẫn thông qua nghị quyết, rõ ràng chi bộ đã có sự phân hóa, từ đó dễ phát sinh mầm mống mất đoàn kết, chia rẽ, thậm chí ngầm chống đối nhau. Tức là, có khi do vận dụng không hợp lý, duy ý chí, nóng vội nên dẫn đến tình trạng đạt được nguyên tắc này thì có thể vi phạm nguyên tắc khác.

Hay trong nguyên tắc tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách cũng cần được hiểu và thực hiện đúng đắn, uyển chuyển. Trên thực tế, lãnh đạo không do tập thể thì sẽ đi đến bao biện, độc đoán, chủ quan. Phụ trách không do cá nhân thì sẽ đi đến bừa bãi, vô tổ chức. Tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách phải luôn đi đôi với nhau. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, tập thể lãnh đạo là dân chủ, cá nhân phụ trách là tập trung.

Chi bộ cần phải có tập thể lãnh đạo vì một người khó có thể nắm bắt, xem xét tất cả mọi mặt của một vấn đề; cần có nhiều người vì người thì thấy rõ mặt này, người thì thấy rõ mặt khác. Chỉ có lãnh đạo tập thể mới huy động được toàn bộ trí tuệ của tập thể. Cần phải cá nhân phụ trách là dù trong trường hợp việc đã được bàn bạc kỹ, dù giao cho một nhóm người phụ trách thì vẫn luôn cần có một người phụ trách chính. Nếu không có cá nhân phụ trách thì sẽ không xác định ai sẽ trực tiếp chịu trách nhiệm, giống như “nhiều sãi không ai đóng cửa chùa”. Tuy nhiên, khi chi bộ đã phân công một đảng viên phụ trách mà đảng viên đó vì lý do nào đó chưa hoàn thành nhiệm vụ thì chi bộ cũng phải có trách nhiệm, như liệu đã phân công đúng người đúng việc chưa, đã xem xét các yếu tố khách quan, chủ quan để đảng viên đó thực hiện tốt chưa, đã hỗ trợ, phối hợp để đồng chí đó hoàn thành nhiệm vụ chưa, nếu cần khắc phục thì chi bộ tham gia khắc phục như thế nào… Như vậy, trong hầu hết các trường hợp, chi bộ phải có trách nhiệm với việc của cá nhân chứ không phải đã phân công rồi thì khoán trắng cho cá nhân đó.

Hay nguyên tắc thương yêu đồng chí phải thực hiện thế nào cho nghiêm và nhân văn. Hiểu theo cách thông thường, thương yêu đồng chí là quan tâm, giúp đỡ, tạo điều kiện cho đồng chí của mình phát triển, trưởng thành, thăng tiến… Chẳng hạn, thể hiện tình thương yêu đó là phải phân công công việc phù hợp theo xu hướng phát triển năng lực của đồng chí đó (tức là lần sau nên có mức độ cao hơn lần trước); tạo điều kiện để đảng viên được học tập, nâng cao trình độ, bảo đảm các chuẩn cán bộ, công chức, viên chức; quan tâm, gần gũi để động viên, khích lệ đảng viên phấn đấu và phát triển; kịp thời phát hiện và sửa chữa, uốn nắn các khuyết điểm, lệch lạc, sai lầm… Thế nhưng, nếu chi bộ (hoặc có người trong chi bộ) đề cao năng lực một cách quá mức, tưởng như vậy sẽ được cấp trên đánh giá cao đảng viên đó thì đảng viên đó sẽ dễ phát triển, thăng tiến hơn, thì điều này có thể dẫn đến những hậu quả khó lường, như làm chính đồng chí đó ngộ nhận về năng lực của mình, làm cấp trên nhận định sai về cán bộ, làm người khác có năng lực tốt hơn nhưng không được nhìn nhận đúng mức… Trái lại, nếu đồng chí ấy có khuyết điểm, sai sót nhưng chi bộ lờ đi hoặc bao che, để bản thân đồng chí đó không nhận thức được hạn chế của mình hoặc chủ quan, ngộ nhận… mà tiếp tục mắc sai lầm khác, là hại đồng chí của mình…

Sinh hoạt định kỳ của Chi bộ khu phố 5, phường Tân Hưng Thuận, quận 12. (Ảnh minh họa) Sinh hoạt định kỳ của Chi bộ khu phố 5, phường Tân Hưng Thuận, quận 12. (Ảnh minh họa)

Như vậy, chi bộ, nhất là cấp ủy, bí thư, phải nắm chắc các nguyên tắc tổ chức, sinh hoạt của Đảng và vận dụng đúng trong điều kiện của chi bộ. Các đảng viên cũng nên nghiên cứu để hiểu đúng các nguyên tắc này nhằm thực hiện các quyền và nghĩa vụ của mình một cách hợp lý.

Sự vận dụng linh hoạt không có nghĩa là tìm kẽ hở để “lách” các nguyên tắc nhằm thực hiện các mục tiêu sai trái hoặc các ý đồ không trong sáng mà trên cơ sở hiểu đúng để thực hiện đúng nhằm giữ vững nguyên tắc và bảo đảm phát huy vai trò, trách nhiệm, năng lực của các đảng viên một cách tốt nhất. Đồng thời, sự vận dụng linh hoạt là luôn xem xét nhiều khía cạnh của vấn đề để tạo điều kiện cho đảng viên nói riêng và chi bộ, đơn vị nói chung phát triển phù hợp với các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước và xu hướng vận động của xã hội.

Vân Tâm

Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo