Thứ Năm, ngày 28 tháng 3 năm 2024

Loạt bài “Để cuộc sinh hoạt chi bộ có ý nghĩa thiết thực”

Bài 3: Sinh hoạt chi bộ bảo đảm tính định hướng về tư tưởng cho đảng viên

Chi bộ khu phố 1, phường 6, quận Bình Thạnh trong một cuộc sinh hoạt định kỳ. (Ảnh: sggp.org.vn)

(Stxdd.thanhuytphcm.vn) - Định hướng về tư tưởng cho đảng viên là sự gợi mở, dẫn dắt, thuyết phục đảng viên nghe theo, tin tưởng, chấp nhận một cách nghĩ, một quan điểm, một nhận thức nào đó theo hướng phù hợp với quan điểm của chủ nghĩa Marx – Lenin, với chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước, với chỉ đạo của cấp trên về một vấn đề nào đó, một vụ việc nào đó. Khi tư tưởng được định hướng một cách phù hợp thì đảng viên ít bị dao động, ít bị lôi kéo hoặc tin theo cách nghĩ sai trái, lệch lạc, từ đó có thể dẫn đến hành động sai lầm. Định hướng tư tưởng là công việc rất cần thiết trong hoạt động của tổ chức đảng, không chỉ giúp cho đảng viên có nhận thức đúng đắn mà từ đó có thể cung cấp cho đảng viên những luận điểm, luận cứ để tuyên truyền, vận động người khác, nhất là với quần chúng nhân dân.

Tổ chức đảng, cấp ủy có nhiều biện pháp để định hướng tư tưởng cho cán bộ, đảng viên. Đó là cung cấp các tài liệu chính thức (như tài liệu Thông báo nội bộ do Ban Tuyên giáo Trung ương biên soạn hằng tháng, các bài viết trên sách, báo của Đảng…), các hội nghị báo cáo viên, các buổi thông tin thời sự do cấp ủy tổ chức, các buổi triển khai chủ trương, nghị quyết của cấp trên… Tuy nhiên, phổ biến và thường xuyên hơn cả là việc sinh hoạt tư tưởng trong các kỳ họp định kỳ hàng tháng.

Ở nhiều chi bộ, một nội dung quan trọng trong kỳ họp là tạo điều kiện cho đảng viên chia sẻ tình hình thời sự, các luồng dư luận, quan điểm, ý kiến của mình về một số vấn đề, sự kiện mà mình quan tâm. Việc chia sẻ đó trước hết là cách giúp các đảng viên thông tin cho nhau về các vấn đề theo nhu cầu, theo cách hiểu của mình, sau đó là cách để cấp ủy nắm bắt sự quan tâm, thái độ, nhận thức của đảng viên về các vấn đề đó. Với các góc nhìn chưa phù hợp hoặc lệch lạc, cấp ủy sẽ có biện pháp định hướng, uốn nắn, chấn chỉnh nhằm giúp cho đảng viên đó và các đảng viên khác có nhận thức đúng đắn và hình thành dần một phương pháp nhìn nhận, đánh giá vấn đề sao cho phù hợp nhất. Đó chính là việc định hướng tư tưởng cho đảng viên.

Thí dụ, hiện nay, tình hình Myanmar khá phức tạp; trên báo chí và mạng xã hội có nhiều thông tin và luồng ý kiến khác nhau, có khi ngược chiều nhau. Vậy đảng viên có thể bị tác động theo các luồng quan điểm khác nhau đó. Việc định hướng tư tưởng cho đảng viên là giúp đảng viên hiểu đúng về tình hình nước bạn, phù hợp với quan điểm của Đảng và Nhà nước ta, không bị tác động bởi các luận điệu xấu, không làm lây lan các ý kiến chưa phù hợp đến nhiều người khác… Theo đó, Đảng và Nhà nước ta nhất quán chủ trương cho rằng những gì đang diễn ra tại Myanmar là công việc nội bộ của quốc gia này. Việt Nam quan ngại sâu sắc về tình trạng leo thang bạo lực tại Myanmar, đồng thời đề cao đối thoại, hòa giải, hợp tác và xây dựng lòng tin, với trọng tâm vì người dân, trong tìm kiếm giải pháp tại Myanmar. Trên cơ sở tôn trọng chủ quyền, độc lập chính trị, toàn vẹn lãnh thổ và đoàn kết dân tộc của Myanmar, Việt Nam kêu gọi cộng đồng quốc tế cần hỗ trợ các bên ở Myanmar tiến hành đối thoại và hòa giải, phù hợp với lợi ích của người dân nước này…

Trong việc định hướng tư tưởng cần quan tâm một số vấn đề sau:

Thứ nhất, định hướng trên cơ sở lắng nghe đầy đủ, không quy chụp, kết luận vô căn cứ. Khi đảng viên trình bày ý kiến của mình là mong được nghe, được chia sẻ; ý kiến được nêu ra có thể phản ánh nhận thức của đảng viên hoặc có khi chỉ là việc nêu lại ý kiến của ai đó nhằm thông tin cho chi bộ hoặc mong muốn chi bộ lý giải vấn đề đó. Do đó, người chủ trì hoặc cấp ủy nên chú ý lắng nghe trọn vẹn suy nghĩ của đảng viên về một vấn đề nào đó, thậm chí nên gợi mở để đồng chí của mình nói chứ không phải vội vã phê phán. Nếu không thực hiện được điều này, lần sau các đảng viên sẽ ngại nói, khi đó cấp ủy ít có cơ hội định hướng tư tưởng vì không rõ nhận thức của các đảng viên như thế nào, đồng thời không khí trao đổi trong cuộc họp sẽ không sôi động, thoải mái.

Thứ hai, định hướng trước hết là giúp đảng viên hiểu đúng vấn đề, sau nữa hướng đến hành động đúng. Dù nêu vấn đề dưới cái mũ là ý kiến cá nhân hay dư luận thì nếu xác định ý kiến đó cần trao đổi lại thì nhất định phải giúp cho đảng viên nhận rõ cách hiểu đúng. Bởi không có nhận thức đúng có thể sẽ dẫn đến hành động sai. Chẳng hạn, trong công tác bầu cử đại biểu Quốc hội, đảng viên phát biểu, có ý kiến nói rằng “việc bầu bán là tốn kém vì kết quả gần như đã được xác định rồi”. Chi bộ, người chủ trì cần bác bỏ ý kiến này, cần thống nhất quan điểm là bầu cử đại biểu Quốc hội là một sinh hoạt chính trị quan trọng của đất nước, nhằm phát huy quyền làm chủ của nhân dân, là cách để bầu chọn người đủ đức đủ tài làm người đại diện nhân dân tham gia cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất nhằm quyết định các vấn đề hệ trọng của đất nước; kết quả bầu cử phản ánh nguyện vọng của nhân dân chứ không phải là sự sắp đặt của Đảng hay bất kỳ người nào đó...

Thứ ba, người làm công tác định hướng phải nắm chắc vấn đề và nắm rõ chủ trương, đường lối của Đảng về vấn đề đó. Rõ ràng, người định hướng cho người khác thì phải hiểu đúng những vấn đề đảng viên đã phát biểu, xác định trọng tâm vấn đề ở đâu, vận dụng đúng đắn chủ trương, đường lối để lý giải. Trong cách phản hồi, không thể mơ hồ, đại khái theo kiểu “hình như…”, “nghe nói là…”, “chắc không phải như vậy”, “có lẽ là…”. Nếu bản thân thấy vấn đề cần phải định hướng nhưng chưa có đủ thông tin, cơ sở để giải thích, phản bác thì hẹn lại kỳ họp sau chứ không nên vì thế mà lờ đi, khiến vấn đề chưa được giải thích thấu đáo, có thể đảng viên kia cho rằng cách hiểu của mình là đúng, dẫn đến phổ biến ý kiến đó hoặc hành động theo cách nghĩ đó.

Thứ tư, quan tâm chia sẻ góc nhìn khác và tôn trọng sự đa dạng, đa chiều trong đánh giá các vấn đề. Định hướng không nhất thiết là áp đặt mà trước hết là giới thiệu góc nhìn đúng đắn, gợi ý các cách nghĩ khác phù hợp…, bởi có một số vấn đề không dễ dàng xác định được ngay là đúng hay sai. Chẳng hạn, do bức xúc với tình trạng ngập nước kéo dài, có đảng viên phê phán sự quản lý yếu kém của chính quyền thành phố trong công tác chống ngập. Với ý kiến này, nếu cần thiết người chủ trì có thể phê bình thái độ, cách góp ý của đảng viên hơn là nội dung được nêu ra lý giải hoặc truyền đạt lại một số văn kiện của Đảng bộ thành phố, các đồng chí lãnh đạo có nêu sự hạn chế trong công tác chống ngập. Tuy nhiên, vấn đề này còn có nhiều lý do khách quan nữa. Vì vậy, để đánh giá đầy đủ vấn đề phải tiếp cận ở nhiều khía cạnh. Suy cho cùng, sự khác biệt trong cách đánh giá vấn đề là điều luôn cần được tôn trọng, không vì ý kiến của người khác trái với ý mình thì cho rằng đó là sai trái.

Thứ năm, định hướng gắn với kết luận vấn đề đó. Trong nhiều trường hợp, cần có một kết luận ngắn về vấn đề được nêu ra để chốt lại các ý kiến đã được nêu, được trao đổi. Chẳng hạn, khi nêu dư luận về vấn đề Thủ Thiêm, người chủ trì cần khẳng định Thành ủy, UBND thành phố TPHCM đang nỗ lực giải quyết vụ việc đúng quy định của pháp luật, phù hợp với nguyện vọng của nhân dân, thay vì chấp nhận hoàn toàn các ý kiến phê phán thành phố đã được một đảng viên nêu lên trước đó. Dĩ nhiên, trong một số trường hợp, có thể có những gợi mở về cách nghĩ khác nhằm động viên sự chủ động, tích cực và độc lập suy nghĩ của đảng viên.

Việc định hướng tư tưởng trong kỳ sinh hoạt chi bộ là rất cần thiết để nâng cao kiến thức, nhận thức của đảng viên, qua đó giúp đảng viên hiểu đúng các vấn đề, tránh hiểu sai mà làm lây lan thông tin sai và hành động chưa phù hợp. Dĩ nhiên, cần tránh biến cuộc sinh hoạt chi bộ thành cuộc tranh luận nhau, trong khi kỳ họp còn nhiều nội dung khác quan trọng cần trao đổi, quyết định.

Vân Tâm


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo