Sách “Tiếng Việt - Lắt léo và lịch lãm” của tác giả Lê Minh Quốc. (Thanhuytphcm.vn) – Nhà Xuất bản Trẻ vừa ra mắt cuốn sách “Tiếng Việt - Lắt léo và lịch lãm” của tác giả Lê Minh Quốc.
“Tiếng Việt - Lắt léo và lịch lãm” thuộc bộ sách Tiếng Việt giàu đẹp do Nhà Xuất bản Trẻ phát hành giúp bạn đọc khám phá vẻ đẹp từ sự biến hóa đa dạng của tiếng nước ta qua nhiều bối cảnh giao tiếp sinh động, từ văn chương đến đời thường. Từ đó, bạn sẽ biết cách làm giàu ngôn ngữ giao tiếp của chính mình để sử dụng trong cuộc sống. Đặc biệt, tác giả thể hiện sự trân trọng đối với những đóng góp của người trẻ vào việc làm phong phú thêm tiếng mẹ đẻ, một điều khá hiếm và thật đáng quý, thể hiện tư duy khá cởi mở của người làm khảo cứu.
Với sự dày dặn về tư liệu và dẫn chứng, đây là một nguồn tư liệu quý cho người yêu ngôn ngữ, đang học hoặc nghiên cứu về ngôn ngữ. Cuốn sách này đã góp một bước trên hành trình đi tìm “linh hồn tiếng Việt” của chúng ta.
Cuốn sách này dành cho tất cả những người đang dùng tiếng Việt và muốn nói tiếng Việt hay hơn nữa, để áp dụng trong đời sống và công việc, dùng sự “lắt léo” để nói lời “lịch lãm” làm “lung lay” mọi trái tim.
Tác giả Lê Minh Quốc khẳng định sự phong phú, thâm thúy và uyển chuyển của tiếng Việt, vốn là điều khiến cho người nói tiếng mẹ đẻ cũng gặp khó khăn. Tuy nhiên, chính điều này đã tạo nên sự khéo léo, nét tình cảm và cái duyên riêng, làm nên bản sắc và linh hồn tiếng Việt.
Trong những đối tượng được khảo sát, Lê Minh Quốc đặc biệt ưu ái văn chương bình dân, đặc biệt là ca dao, tục ngữ. Theo anh, chúng lưu giữ “dấu vết văn hóa ngàn năm của người Việt”, là những “viên ngọc còn tồn tại muôn đời” nên được anh lấy làm chuẩn, làm mẫu mực khi sử dụng làm văn liệu dẫn chứng cho một từ nào đó.
Ngoài ra, tác giả cũng đặc biệt thích thú với từ địa phương, dành đến 2/3 cuốn sách để đào sâu và khám phá phương ngữ Trung Bộ và Nam Bộ, đặc biệt là Nam Bộ. Ngôn ngữ luôn được đặt vào một bối cảnh nhất định, gắn liền với văn hóa, lịch sử, thời sự… nên tất nhiên không thể tách rời với nét riêng biệt của từng vùng miền. Đi từ cái riêng đến cái chung, cái chung đến cái riêng, ta mới thấy hết sự đa dạng và thống nhất, tuy cách biểu hiện có khác nhau nhưng đều thấm đẫm tâm hồn và tính cách dân tộc…