Thứ Sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024

“Những người gác cửa” giành sự sống từ tay tử thần

Bác sĩ Huỳnh Thị Thu Hiền theo dõi, chăm sóc người bệnh

(Thanhuytphcm.vn) - Là đơn vị đầu ngành về hồi sức ở khu vực phía Nam, Khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Chợ Rẫy nhiều năm qua trở thành chốt chặn cuối cùng níu giữ sinh mệnh mong manh của các ca bệnh hiểm nghèo. Và những y bác sỹ nơi đây được mệnh danh là “những người gác cửa”, giành giật sự sống từ tay tử thần. Họ là một trong những tập thể điển hình được Thành ủy TPHCM biểu dương thực hiện tốt học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh năm 2019-2020.

Nơi giành giật sự sống

Đi vào khu vực Khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Chợ Rẫy TPHCM không khí lạnh bao trùm, mùi thuốc khử trùng nồng nặc. Trái ngược với  những tiếng ồn ào ở các phòng bệnh thông thường, ở đây chỉ có tiếng tít tít phát ra từ những chiếc máy thở và những bước chân vội vàng của đội ngũ y bác sĩ. Trong căn phòng chỉ vỏn vẹn hơn 100 m2 này, suốt nhiều năm qua, các y bác sỹ nơi đây luôn cố gắng níu giữ những sinh mệnh mong manh trước cửa tử.

TS.BS Phan Thị Xuân, Trưởng Khoa Hồi sức cấp cứu cho biết, tất cả bệnh nhân được chuyển đến đây đều là những bệnh nhân nặng với “9 phần chết, 1 phần sống”. Do đó, các ca bệnh nội, ngoại, chấn thương nặng có suy hô hấp cần thông khí cơ học, sốc do các nguyên nhân khác nhau, suy đa cơ quan cần điều trị hỗ trợ, hồi sức bệnh nhân hiến tạng và bệnh nhân hậu phẫu ghép tạng… đều được thực hiện tại đây. Đặc biệt đơn vị này còn được giao nhiệm vụ điều trị các bệnh nhân diện chính sách nặng. Dù chỉ vỏn vẹn 27 giường bệnh với 15 bác sĩ và 48 điều dưỡng nhưng mỗi năm Khoa Hồi sức cấp cứu tiếp nhận trung bình khoảng 1.300 bệnh nhân cần hồi sức cấp cứu ở thể nặng.

“Toàn bộ 27 giường bệnh luôn trong tình trạng có bệnh nhân. Thậm chí, do cơ sở vật chất hạn hẹp nên chúng tôi chỉ tiếp nhận các bệnh nhân rất nặng như cần thở máy, có sốc, có suy gan, suy thận…đôi lúc phải từ chối người bệnh vì quá tải”, TS.BS Phan Thị Xuân chia sẻ.

Để thực hiện việc cứu người, Khoa Hồi sức cấp cứu đã ứng dụng tất cả kỹ thuật lọc máu hiện đại cho các bệnh nhân có phản ứng viêm như nhiễm khuẩn huyết - sốc nhiễm khuẩn, viêm tụy cấp nặng, suy đa cơ quan trong chấn thương… Hiệu quả của kỹ thuật lọc máu hiện đại đã giúp giảm tỷ lệ tử vong đáng kể tại Khoa Hồi sức cấp cứu. Tỷ lệ bệnh nhân nặng xin về hoặc tử vong chỉ còn khoảng 35%-37%, giảm rất nhiều so với những năm trước đây.

Trên cơ sở đó, năm 2017, Khoa Hồi sức cấp cứu đã tham gia cùng với các Khoa Hồi sức cấp cứu của các bệnh viện lớn khác trên cả nước thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ: “Nghiên cứu ứng dụng các kỹ thuật lọc máu hiện đại trong hồi sức cấp cứu bệnh nhân nặng và ứng phó với một số dịch bệnh nguy hiểm”. Công trình đã được Chủ tịch nước trao Giải thưởng Nhà nước về khoa học công nghệ.

Hiện nay, trung bình Khoa thực hiện lọc máu liên tục cho khoảng 500 bệnh nhân mỗi năm, lọc máu kiểu SLED (12 giờ mỗi ngày) khoảng 700 bệnh nhân, thay huyết tương 30-50 bệnh nhân/năm… Đặc biệt, kể từ khi ứng dụng kỹ thuật Oxy hóa máu qua màng ngoài cơ thể (ECMO), đơn vị này đã cứu sống nhiều bệnh nhân nguy kịch. Hàng trăm trường hợp nặng đã được cứu sống nhờ kỹ thuật hiện đại này. “Tỷ lệ bệnh nhân cai ECMO thành công tại Khoa Hồi sức cấp cứu của Bệnh viện Chợ Rẫy là 71% và xuất viện 57%, cao hơn trung bình của thế giới (55%)”, TS.BS Phan Thị Xuân cho biết.

Nghĩa tình nơi cửa tử

Chính thức nhận công tác tại Khoa Hồi sức cấp cứu được 2 năm nhưng bác sĩ trẻ Huỳnh Thị Thu Hiền đã có thâm niên 5 năm làm việc tại đây. Sau khi tốt nghiệp Đại học Y dược TPHCM, bác sĩ Hiền theo học nội trú tại Khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Chợ Rẫy trong 3 năm và quyết định tiếp tục gắn bó với đơn vị này. “Dù công việc ở Khoa Hồi sức cấp cứu vất vả cực nhọc và căng thẳng hơn các khoa khác nhưng không hiểu sao càng làm việc tại đây tôi càng cảm thấy gắn bó và yêu công việc của mình hơn. Hạnh phúc nhất là mỗi lần được chứng kiến bệnh nhân từ cửa tử trở về”, bác sĩ Hiền chia sẻ.

Các bác sĩ tập trung theo dõi ca bệnh Các bác sĩ tập trung theo dõi ca bệnh

Cường độ làm việc cao, môi trường làm việc còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, thế nhưng có lẽ với bác sĩ Hiền và các nhân viên y tế ở đây áp lực và khó khăn nhất là cảm xúc bất lực khi không thể cứu được bệnh nhân bởi đa số người bệnh được chuyển đến nơi đây đều rơi vào trình trạng “9 phần chết, 1 phần sống”. “Mỗi lần phải thông báo tin buồn cho thân nhân người bệnh luôn là việc làm khó khăn vô cùng”, bác sĩ Hiền chia sẻ.

TS.BS Phan Thị Xuân thừa nhận, Khoa Hồi sức cấp cứu là nơi có môi trường làm việc gian khổ và áp lực bậc nhất tại Bệnh viện Chợ Rẫy. Mỗi bác sĩ, điều dưỡng trong một tua trực phải phụ trách từ 4-5 bệnh nhân. Bệnh nhân nặng phải theo dõi liên tục, không nghỉ ngơi bởi các biến cố có thể xảy ra bất ngờ. Do đó, những ai trụ lại được ở đây từ 3 năm trở lên đều đã trải qua quá trình “tôi luyện” vô cùng khắc khổ: Cũng có trường hợp không chịu được khó khăn và họ xin chuyển công tác sau vài năm nhưng cũng có nhiều người đã gắn bó với nơi đây đến hơn 20 năm.

Như trường hợp của điều dưỡng viên Nguyễn Thị Kim Thảnh là ví dụ điển hình. 21 năm gắn bó với Khoa Hồi sức cấp cứu là ngần ấy thời gian chị phụ trách công việc chăm sóc người bệnh. Chăm sóc người bệnh ở Khoa Hồi sức cấp cứu là chăm lo từ đầu đến cuối, từ ăn uống cho đến vệ sinh mà không có sự hỗ trợ của thân nhân người bệnh. Chia sẻ về lý do gắn bó với Khoa Hồi sức cấp cứu, chị Thảnh cười hiền: “Mình chịu cực quen rồi nên giờ cảm thấy mọi thứ rất bình thường. Khi họ bệnh nặng họ mới cần đến mình và có làm ở đây mới thấu hiểu hết được giá trị của sự sống”.

Cường độ làm việc cao vào bậc nhất cả nước nhưng các y bác sĩ nơi đây vẫn thường xuyên hỗ trợ cho các đơn vị khác lúc cần thiết. Mới đây, Khoa Hồi sức cấp cứu đã cử 3 bác sĩ sang Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới hỗ trợ kỹ thuật ECMO cho bệnh nhân mắc COVID-19 số 91 (phi công người Anh). Là một trong 3 bác sĩ được “biệt phái” sang Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới trong 3 tuần, bác sĩ Huỳnh Thị Thu Hiền kể lại: “Sáng thứ hai, sau 1 ca trực đêm, tôi nhận được lệnh điều động sang Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới, không kịp chuẩn bị đồ, chúng tôi lên đường ngay và bắt tay vào công việc lắp đặt kỹ thuật ECMO ngay cho bệnh nhân”.

Và có lẽ 3 tuần “trực chiến” tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới là quãng thời gian đáng nhớ đối với bác sĩ Hiền bởi bệnh nhân 91 liên tục xảy ra những biến cố phải xử lý gấp. “Có những ngày chúng tôi phải mặc đồ bảo hộ liên tục ở trong phòng cách ly áp lực âm để theo dõi từng chuyển biến của người bệnh. Đây là ca nặng nhất mà tôi từng theo dõi từ trước đến nay”, bác sĩ Hiền cho hay.

Thường xuyên “quên” về nhà, “quên” luôn cả việc chăm lo cho bản thân và chăm sóc người thân, từng giờ từng phút các y bác sĩ của Khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Chợ Rẫy vẫn liên tục đi lại trong phòng bệnh như những con thoi mặc cho ngoài kia là mưa hay nắng, ngày hay đêm. Với họ nhiệm vụ “tối thượng” nhất là bằng mọi giá giành lại sự sống từ bàn tay tử thần.

Lam Giang

Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo