Thứ Sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024

Xây dựng chính sách, đường lối phát triển của đất nước phù hợp với các cam kết quốc tế

Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình phát biểu tại Đại hội

(Thanhuytphcm.vn) - Phát biểu tại Đại hội Hội Luật quốc tế Việt Nam lần thứ II, nhiệm kỳ 2020 – 2025 vào sáng 28/11, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình mong muốn, Hội sẽ tiếp tục thực hiện tốt tôn chỉ, mục đích và lĩnh vực hoạt động của mình, đóng góp thiết thực, hiệu quả, có ý nghĩa đối với sự nghiệp bảo vệ và phát triển của đất nước, bảo đảm trên hết và trước hết lợi ích quốc gia, dân tộc trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, bình đẳng và giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, cũng như hòa mình vào sự phát triển chung của cộng đồng pháp luật quốc tế.

Khẳng định sự ra đời của Hội Luật quốc tế Việt Nam đáp ứng nhu cầu và nguyện vọng đông đảo của giới nghiên cứu, thực hành pháp luật quốc tế Việt Nam nói riêng và của đất nước nói chung, phù hợp với xu thế phát triển của thời đại, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình cho rằng, việc thành lập Hội tuy muộn nhưng đã cho thấy sự bắt nhịp với xu hướng phát triển của các hội luật quốc tế, góp phần nâng cao vị thế, tiếng nói khoa học - pháp lý của Việt Nam tại các diễn đàn quốc tế, đóng góp tích cực cho sự phát triển của khoa học pháp lý quốc tế nói chung, vì mục tiêu hòa bình, công lý, hữu nghị và phát triển của đất nước và cộng đồng quốc tế.

Đồng chí Trương Hòa Bình ghi nhận Hội đã hoạt động theo đúng tôn chỉ, mục đích; phát huy thế mạnh chuyên môn của các hội viên, bước đầu xây dựng quan điểm của các học giả Việt Nam về vấn đề Biển Đông, an ninh phi truyền thống, tranh chấp kinh tế, đầu tư, thương mại quốc tế... Qua đó, đã thu hút được sự quan tâm của dư luận trong và ngoài nước ủng hộ lập trường chính nghĩa của chúng ta. Thông qua việc xuất bản ấn phẩm đầu tiên về “Luật quốc tế và những vấn đề thực tại Việt Nam”, Hội đã góp phần quan trọng vào việc phát triển khoa học pháp lý quốc tế tại Việt Nam. Hội cũng đã đưa được nhiều hoạt động nghiên cứu, thực hành pháp luật quốc tế về Việt Nam và từ Việt Nam ra nước ngoài, trong đó đáng lưu ý là thành viên Hội đã được lựa chọn để tham gia vào các cơ quan nghiên cứu pháp luật quốc tế và tài phán quốc tế của Liên hợp quốc.

Đồng chí Trương Hòa Bình đề nghị Hội tuyên truyền, phổ biến lan tỏa ý thức và hiểu biết về pháp luật quốc tế trong các cơ quan, tổ chức của Việt Nam và tích cực tham gia xây dựng quan điểm của Việt Nam tại các thiết chế pháp lý quốc tế thông qua những hội viên và các hoạt động khoa học của Hội. Đồng thời, tăng cường tham gia sâu hơn vào các hoạt động xây dựng chính sách, đường lối phát triển của đất nước để đảm bảo phù hợp với các cam kết quốc tế của Việt Nam và xu hướng phát triển của nền pháp lý quốc tế; hỗ trợ các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, người dân trong việc bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của mình trong các vấn đề quốc tế, nhất là tại các cơ quan tài phán quốc tế.

Quang cảnh Đại hội Quang cảnh Đại hội

“Nước ta đang hội nhập sâu rộng, tham gia nhiều điều ước, cam kết quốc tế, rất cần những tổ chức quốc tế, đó là Hội Luật quốc tế Việt Nam, để bảo vệ quyền lợi của đất nước… Hiện chúng ta phải chịu áp lực lớn về các vấn đề khiếu kiện, tranh chấp quốc tế. Chúng ta phải có chuyên gia giỏi tư vấn, khi Chính phủ chấp nhận tham gia kiện là phải thắng, thắng trong điều kiện đảm bảo các căn cứ pháp lý”, Phó Thủ tướng nêu rõ.

Hiện Hội Luật quốc tế Việt Nam có 470 hội viên. Một số hội viên là trọng tài viên tài Tòa trọng tài thường trực quốc tế (PCA), hòa giải viên và trọng tài viên tại Tòa án Luật biển và tại các cơ chế giải quyết tranh chấp của Việt Nam…

Vân Thanh


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo