Thứ Năm, ngày 28 tháng 3 năm 2024

Việt Nam-Maroc: Từ mối lương duyên lịch sử đến đối tác tin cậy

Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng tiếp Chủ tịch Hạ viện Maroc Habib El Malki thăm chính thức Việt Nam (Hà Nội, 19/12/2017). (Ảnh: TTXVN)

Ngày 27/3, hai nước Việt Nam và Maroc chính thức chạm mốc 60 năm quan hệ ngoại giao (27/3/1961-27/3/2021). Quãng thời gian sáu thập kỷ đủ dài để hai nước Việt Nam và Maroc không ngừng bồi đắp, tạo nên một mối quan hệ sâu sắc, tốt đẹp trên mọi lĩnh vực.

Sự gắn kết tự nhiên giữa hai dân tộc cách nhau hàng chục nghìn km

Nói đến Maroc, nhiều người sẽ có liên tưởng đến một đất nước ở Bắc Phi xa xôi, cách Việt Nam hơn 11.000 km. Thế nhưng vùng đất xa xôi và con người nơi đó từ rất lâu đã có một sự gắn kết tự nhiên, sâu sắc với đất nước, con người Việt Nam.

Vào những năm 1940, theo dòng người bị thực dân Pháp bắt đi lao dịch, khai khẩn các vùng đất thuộc địa, “xứ bảo hộ” ở Bắc Phi và các chuyến tàu viễn dương, những người Việt Nam đầu tiên đã đặt chân lên đất nước Maroc, trong đó có kiến trúc sư Eric Võ Toàn (1924-2004), người đã thiết kế khu lăng mộ Vua Mohamed V và nhiều công trình lớn khác ở Maroc.

Và chỉ hơn một thập kỷ sau, chính thực dân Pháp và cuộc chiến tranh Đông Dương đã đưa những thanh niên Maroc trong màu áo quân viễn chinh Pháp sang Việt Nam. Nhưng đất nước, con người và cuộc đấu tranh chính nghĩa vì quyền được sống trong độc lập, tự do của nhân dân Việt Nam dưới sự lãnh đạo của lãnh tụ Hồ Chí Minh đã truyền cảm hứng cho những người lính Maroc. Họ quay sang ủng hộ và gia nhập Việt Minh, chẳng ngại gian khổ, hy sinh, sát cánh cùng nhân dân Việt Nam đánh đuổi quân xâm lược.

Đặc biệt, sau khi cuộc kháng chiến chống Pháp của nhân dân Việt Nam kết thúc, rất nhiều người lính Maroc đã ở lại cùng lao động sản xuất rồi kết hôn với phụ nữ Việt Nam.

Cho đến nay, trên mảnh đất Ba Vì (Hà Nội), nơi cách đây hơn 65 năm, Nông trường Việt Phi được thành lập, tiếp nhận hơn 300 hàng binh Bắc Phi và hơn 100 công nhân Việt Nam để khai hoang, nuôi bò sữa, trồng trọt, vẫn còn đó một công trình ghi dấu ấn biểu tượng cho tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước, đó là Cổng Maroc.

Năm 1972, các gia đình Maroc-Việt Nam được Chính phủ Maroc cho hồi hương. Và tới nay, sau gần 50 năm, trên đất nước Maroc, những ngôi làng Việt Nam vẫn đang hàng ngày trân trọng, gìn giữ nét văn hóa Việt đặc trưng và là cầu nối gắn kết tình hữu nghị giữa hai quốc gia.

Những ký ức trên phần nào đã khắc họa lên một bức tranh sống động về mối quan hệ hữu nghị có bề dày lịch sử Việt Nam-Maroc, đồng thời là nền tảng cơ sở để hai quốc gia củng cố, phát huy sự hợp tác trên nhiều lĩnh vực ngày nay.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân hội kiến Thủ tướng Maroc Saad Dine Otmani trong chuyến thăm chính thức Vương quốc Maroc, chiều 28/3/2019, tại thủ đô Rabat. (Ảnh: TTXVN) Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân hội kiến Thủ tướng Maroc Saad Dine Otmani trong chuyến thăm chính thức Vương quốc Maroc, chiều 28/3/2019, tại thủ đô Rabat. (Ảnh: TTXVN)

Đúng như lời phát biểu của Chủ tịch Hạ viện Maroc Habib El Malki trong cuộc hội đàm với Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Nguyễn Thị Kim Ngân (năm 2019): “Được xây dựng từ những năm 1960, Cổng Maroc sừng sững giữa rẻo cao Ba Vì (Hà Nội), trở thành biểu tượng của tình đoàn kết hữu nghị giữa nhân dân hai nước Việt Nam-Maroc. Maroc cũng như Việt Nam hôm nay đang có "chiếc cổng" riêng, nhưng với tình bằng hữu và sự hào phóng rất "Maroc," Maroc sẵn sàng trao cho Việt Nam chiếc chìa khóa của mình.”

Đối tác tin cậy

Thiết lập quan hệ ngoại giao từ 1961, Maroc là một trong những nước đi đầu trong việc công nhận và thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam.

Trong những năm qua, trao đổi đoàn giữa hai nước diễn ra tích cực ở các cấp, nổi bật là các hoạt động: Tổng Bí thư Đảng Tiến bộ và Xã hội chủ nghĩa Maroc thăm Việt Nam năm 2014, Thủ tướng Maroc Abbas El Fassi thăm Việt Nam năm 2008, Chủ tịch Hạ viện Maroc thăm Việt Nam các năm 2003 và 2018.

Phía Việt Nam, Thủ tướng Phan Văn Khải thăm Maroc năm 2004, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An thăm Maroc năm 2005 và Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân thăm Maroc năm 2019... Kết quả của các chuyến thăm cấp cao là nhiều hiệp định, thỏa thuận và các hoạt động hợp tác giữa hai nước đã được ký kết sau này.

Maroc là quốc gia châu Phi duy nhất Việt Nam ký kết thỏa thuận hợp tác giữa hai Quốc hội. Năm 2020, tại Đại hội đồng Liên Nghị viện Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á lần thứ 41 (AIPA-41) do Việt Nam chủ trì, Hạ viện Maroc đã trở thành quan sát viên của AIPA. Ngoại giao đảng, ngoại giao nhân dân cũng được thúc đẩy với chuyến thăm Maroc năm 2019 của Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng; chuyến thăm Việt Nam năm 2017 của Cao ủy Những người kháng chiến và cựu binh Maroc, Chủ tịch Hội Hữu nghị Maroc-Việt Nam Mustafa El Ktiri.

Những chuyến thăm đó, cùng với các cơ chế hợp tác song phương như ủy ban hỗn hợp (4 kỳ), tham vấn chính trị (5 kỳ)... đã và đang mang lại những thành tựu hợp tác trên mọi mặt giữa Việt Nam và Maroc.

Ở phương diện đa phương, hai nước đều tham gia nhiều tổ chức, diễn đàn quốc tế, thường xuyên phối hợp lập trường và ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn quốc tế. Maroc đã ủng hộ Việt Nam ứng cử vào vị trí Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021, Hội đồng Nhân quyền, Hội đồng Chấp hành UNESCO và nhiều diễn đàn khác. Bên cạnh đó, là các thành viên tích cực của Tổ chức Pháp ngữ Francophonie, Việt Nam và Maroc có nhiều hoạt động hợp tác, thúc đẩy chương trình nghị sự có ý nghĩa trong khuôn khổ diễn đàn này.

Về hợp tác kinh tế, thương mại, mặc dù giá trị tuyệt đối chưa cao nhưng Maroc là một trong những đối tác thương mại quan trọng của Việt Nam tại châu Phi. Những năm qua, quan hệ kinh tế-thương mại và du lịch giữa Việt Nam và Maroc không ngừng phát triển. Kim ngạch thương mại song phương liên tục tăng, đạt hàng trăm triệu USD/năm, có năm tăng 33%. Việt Nam xuất khẩu sang Maroc các mặt hàng hải sản đông lạnh, càphê, hàng điện tử, đĩa DVD, đồ điện, hạt tiêu, hạt điều, dệt may, vải, sợi các loại... và nhập khẩu từ Maroc sắt thép phế liệu, thức ăn gia súc, nguyên liệu chất dẻo, đá xây dựng... Có thời điểm, Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ hai trong khu vực ASEAN của Maroc.

Trong các lĩnh vực khác như giáo dục đào tạo, văn hóa và hợp tác địa phương, hai bên cũng có những thành quả nhất định. Hằng năm, Maroc và Việt Nam dành một số suất học bổng cho sinh viên hai nước sang học đại học, thạc sỹ và nghiên cứu sinh.

Giữa Đại học Mohamed V của Maroc và Đại học Quốc gia Hà Nội đã có một số hợp tác trong lĩnh vực nghiên cứu. Môn võ cổ truyền Việt Nam được yêu thích và thực hành rộng rãi với hơn 20 trường dạy Võ cổ truyền Việt Nam tại Maroc, Liên đoàn Võ cổ truyền Việt Nam thế giới cũng đã cử đại diện tại đây.

Ở góc độ hợp tác địa phương, hai nước đã và đang xây dựng mối quan hệ hợp tác và kết nghĩa giữa các địa phương như: Thành phố Hồ Chí Minh-Casablanca, Đà Nẵng-Tangier, Nha Trang-Agadir, cũng như xem xét khả năng bổ nhiệm Lãnh sự danh dự Maroc tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Trong chuyến thăm chính thức Việt Nam, ngày 25/11/2008, Thủ tướng Maroc Abbas El Fassi đến dự và phát biểu tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam-Maroc. (Ảnh: TTXVN) Trong chuyến thăm chính thức Việt Nam, ngày 25/11/2008, Thủ tướng Maroc Abbas El Fassi đến dự và phát biểu tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam-Maroc. (Ảnh: TTXVN)

Đánh giá về mối quan hệ hợp tác giữa hai nước thời gian qua, tại các cuộc hội đàm với các nhà lãnh đạo Maroc, tháng 3/2019, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định: Việt Nam luôn coi trọng phát triển quan hệ hữu nghị và hợp tác nhiều mặt với các nước châu Phi, trong đó Maroc là một đối tác ưu tiên tại khu vực Bắc Phi. Việt Nam luôn mở cửa, tạo môi trường pháp lý thuận lợi và an toàn cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp nước ngoài, trong đó có các doanh nghiệp Maroc làm ăn, kinh doanh ổn định tại Việt Nam.

Trong khi đó, Thủ tướng Maroc Saadeddine Othmani nhấn mạnh: Người dân Maroc luôn có sự ngưỡng mộ, đánh giá cao nhân dân Việt Nam không chỉ bởi lịch sử hào hùng mà còn là những thành tựu đạt được hiện nay, cũng như cách mà người Việt Nam nỗ lực để đạt được thành tựu đó... Chính phủ Maroc có quyết tâm rất lớn trong việc làm sâu sắc thêm và đa dạng mối quan hệ giữa Maroc và Việt Nam.

Thúc đẩy hơn nữa hợp tác kinh tế, thương mại

Trong các cuộc gặp với Lãnh đạo Maroc nhân chuyến thăm Vương quốc Maroc tháng 3/2019, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu đã chỉ rõ: Hợp tác kinh tế, thương mại giữa 2 nước mới chỉ ở con số khiêm tốn (thương mại hai chiều chỉ đạt 212,7 triệu USD năm 2018), chưa tương xứng với tiềm năng và mong muốn của hai bên; mong muốn trên cơ sở quan hệ chính trị tốt đẹp, hai bên sẽ thúc đẩy hơn nữa hợp tác kinh tế, thương mại, đem lại lợi ích thiết thực cho cộng đồng doanh nghiệp và người dân hai nước. Việt Nam là thị trường với khoảng 90 triệu dân, sẵn sàng là cửa ngõ để Maroc bước vào thị trường ASEAN.

Maroc và Việt Nam có những điểm tương đồng về địa chính trị. Maroc là cửa ngõ của châu Phi và châu Âu, còn Việt Nam là cửa ngõ của Đông Nam Á. Là những nền kinh tế mới nổi, năng động, hai nước có mức độ tăng trưởng kinh tế ổn định và chính sách đa dạng hóa đối tác thương mại, tăng cường khả năng đáp ứng của nguồn nhân lực. Đây đều là những nhân tố góp phần thúc đẩy hơn nữa sự hợp tác và liên kết của hai quốc gia trong tương lai.

Ở châu Phi, Maroc có vai trò ngày càng quan trọng, có chiến lược đầu tư nhiều vào các quốc gia châu Phi. Chính vì vậy, Maroc sẵn sàng là cánh cửa tốt để hàng hóa của Việt Nam và các nước vào các nước châu Phi. Từ đó, hai nước cần nỗ lực hơn nữa để tăng hợp tác kinh tế; cần rà soát để tiếp tục ký những hiệp định còn thiếu.

Đại sứ Maroc Jamale Chouaibi (ngoài cùng, bên phải) trao “Giải thưởng của Đại sứ quán Maroc” trong cuộc thi "Phóng viên trẻ Pháp ngữ" 2020, do Báo Le Courrier du Vietnam (Thông tấn xã Việt Nam) và Tổ chức Quốc tế Pháp ngữ (OIF) đồng tổ chức, ngày 13/11/2020, tại Hà Nội. (Ảnh: TTXVN) Đại sứ Maroc Jamale Chouaibi (ngoài cùng, bên phải) trao “Giải thưởng của Đại sứ quán Maroc” trong cuộc thi "Phóng viên trẻ Pháp ngữ" 2020, do Báo Le Courrier du Vietnam (Thông tấn xã Việt Nam) và Tổ chức Quốc tế Pháp ngữ (OIF) đồng tổ chức, ngày 13/11/2020, tại Hà Nội. (Ảnh: TTXVN)

Bên cạnh đó, cộng đồng doanh nghiệp hai nước cần kết nối mạnh mẽ hơn nữa để tìm kiếm cơ hội đầu tư, kinh doanh. Những sản phẩm có khả năng xuất khẩu mạnh của hai quốc gia bao gồm cà phê, hạt tiêu, chà là, olive, hải sản, sản phẩm dệt may, quần áo, giày dép, vải sợi, điện thoại di động, máy tính và một số thiết bị điện tử khác.

Hai nước có sự ổn định chính trị, an ninh, an toàn cho nhà đầu tư. Maroc là nước có số lượng nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất ở châu Phi. Về du lịch, Maroc là nước có khách du lịch nước ngoài nhiều nhất khu vực Bắc Phi, dự kiến 2019 đạt khoảng 12 triệu lượt du khách... Hai nước đang xúc tiến mở đường hàng không, đẩy mạnh hợp tác ngân hàng để thuận tiện cho doanh nghiệp hai bên mở rộng đầu tư, kinh doanh trong tương lai.

Với tiềm năng, lợi thế và mối quan hệ tốt đẹp sẵn có, quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại giữa Việt Nam-Maroc trong thời gian tới vẫn còn nhiều dư địa để phát triển hơn nữa.

Theo TTXVN

Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo