Thứ Sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024

Ủng hộ tích cực nhất chương trình “Y tế thông minh” của TPHCM

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM Trần Lưu Quang phát biểu tại hội thảo. (Ảnh: Đan Như)

(Thanhuytphcm.vn) - Các ứng dụng “Y tế thông minh” (YTTM) tại TPHCM mới chỉ dừng lại ở bước thí điểm khởi đầu. Một trong những điều kiện cần thiết để ngành y tế xây dựng thành công YTTM là củng cố hạ tầng công nghệ thông tin; đồng thời phải có quyết tâm của người đứng đầu các bệnh viện. Đó là những ý kiến đưa ra tại Hội thảo Quốc tế YTTM tại TPHCM năm 2019 do UBND TPHCM tổ chức ngày 14/12.

Ứng dụng trí tuệ nhân tạo nâng cao năng lực khám chữa bệnh

Tại hội thảo, PGS.TS.BS Tăng Chí Thượng, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM cho biết, việc chọn ưu tiên khi triển khai xây dựng YTTM xuất phát từ yêu cầu của thực tiễn. Ngành y tế TP xác định xây dựng YTTM là công cụ hỗ trợ hiệu quả cho các giải pháp nâng cao chất lượng y tế hướng đến phục vụ người dân, nhân viên y tế và nhà quản lý. 

Theo Sở Y tế TP, đến nay ngành y tế TP đã ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) nâng cao năng lực khám chữa bệnh tại các bệnh viện. Cụ thể, Bệnh viện Bình Dân triển khai phẫu thuật robot ngoại tổng quát; Bệnh viện Nhân dân 115 triển khai phẫu thuật robot thần kinh; Bệnh viện Ung bướu TP thử nghiệm phần mềm AI trong tư vấn và hỗ trợ các bác sĩ trong lựa chọn phác đồ điều trị bệnh ung thư tiên tiến và hiệu quả cho người bệnh;…

Cùng với đó, TP cũng đã triển khai bệnh án điện tử, hướng đến bệnh viện không giấy. Trong đó, Bệnh viện Quận Thủ Đức là bệnh viện đầu tiên được Bộ Y tế công nhận và cho phép sử dụng bệnh án điện tử. Nhiều bệnh viện khác tại TP đang trên lộ trình xây dựng bệnh án điện tử.

Tại hội thảo, các đại biểu đã chia sẻ những kết quả bước đầu, kinh nghiệm trong xây dựng YTTM. TS.BS Trần Vĩnh Hưng, Giám đốc Bệnh viện Bình Dân cho biết, bệnh viện là đơn vị ứng dụng đầu tiên phẫu thuật robot cho người lớn tại nước ta, trong phẫu thuật tổng quát và tiết niệu từ năm 2016. Trong 3 năm, đã có 858 người bệnh được phẫu thuật bằng robot và mang lại lợi ích tối đa cho người bệnh. Trong khi đó chi phí chỉ bằng 1/5 – 1/10 so với việc điều trị tại nước ngoài. Phẫu thuật bằng robot đã tạo điều kiện thuận lợi và sự tinh tế trong thao tác phẫu thuật, đóng góp cho ngành ngoại khoa. Về khả năng nhân rộng, bệnh viện đã đào tạo nhiều bác sĩ trong nước và nước ngoài trong đó có các bác sĩ của Philippines. 

Từ kinh nghiệm của mình, Giáo sư Kuo Shou-Jen, Giám đốc Bệnh viện Chương Hóa, Đài Loan (Trung Quốc) cho biết, tại Đài Loan, YTTM là mục tiêu phát triển của các bệnh viện trong những năm gần đây. Nhiều ứng dụng thông minh mang lại lợi ích thiết thực cho người bệnh đã được triển khai. Bệnh viện Chương Hóa đã áp dụng các ứng dụng nhằm “thông minh hóa” cải thiện quy trình khám chữa bệnh, tăng độ chính xác của liều thuốc, giảm tỷ lệ lỗi, nâng cao đáng kể chất lượng chăm sóc cũng như tạo được sự hài lòng cho người bệnh.

Phẫu thuật bằng robot tại Bệnh viện Bình Dân. (Ảnh: Thy Dương) Phẫu thuật bằng robot tại Bệnh viện Bình Dân. (Ảnh: Thy Dương)

Phải có quyết tâm của người đứng đầu

Tại hội thảo, các đại biểu đã thảo luận, đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả xây dựng YTTM. Một số ý kiến cho rằng, một trong những điều kiện cần thiết để ngành y tế xây dựng thành công YTTM là củng cố hạ tầng công nghệ thông tin. Phải xây dựng được cơ sở dữ liệu của ngành y tế. Cùng với đó là tập hợp các chuyên gia công nghệ thông tin và hình thành “Ban Công nghệ thông tin” của Sở Y tế, hướng đến thành lập Trung tâm công nghệ thông tin của ngành y tế. Cùng với chủ động học tập kinh nghiệm của các nước trong khu vực và trên thế giới, cần chọn lựa ưu tiên theo từng giai đoạn để thực hiện lộ trình xây dựng YTTM. Bên cạnh đó, phải có quyết tâm của người đứng đầu của các bệnh viện và cơ sở y tế cũng như sự hỗ trợ của các sở, ngành liên quan và quan tâm, chỉ đạo sâu sát của lãnh đạo TP.

Theo PGS.TS.BS Tăng Chí Thượng, các ứng dụng YTTM tại TPHCM mới chỉ dừng lại ở bước thí điểm khởi đầu. Để xây dựng YTTM, thời gian tới, các trạm y tế và trung tâm y tế quận/huyện sẽ quản lý sức khỏe người dân bằng Hồ sơ sức khỏe điện tử (EHR). Các bệnh viện và các cơ sở khám chữa bệnh, quản lý người bệnh bằng bệnh án điện tử (EMR). Trung tâm Cấp cứu 115, điều phối các trạm cấp cứu vệ tinh bằng hệ thống điều phối cấp cứu thông minh. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) sẽ ứng dụng công nghệ thông tin giúp phát hiện và can thiệp kịp thời ngăn chặn dịch bệnh, bệnh không lây nhiễm,… Riêng Sở Y tế sẽ xây dựng dữ liệu lớn của ngành y tế, xây dựng các ứng dụng.

Phát biểu tại hội thảo, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM Trần Lưu Quang nhấn mạnh, những kết quả trao đổi tại hội thảo Quốc tế YTTM tại TPHCM năm 2019 là khởi đầu tốt đẹp và tạo thêm hy vọng vào sự phát triển mạnh mẽ cho ngành y tế TP thời gian tới.

Theo đồng chí Trần Lưu Quang, ngành y tế TP không chỉ chăm sóc cho 9 triệu người dân TP, 4 triệu người dân vãng lai và dân số TP tăng thêm 120.000 người mỗi năm mà còn phải chăm sóc sức khỏe cho người dân cả khu vực phía Nam. Điều đó khiến hệ thống y tế TP quá tải.

Việc ứng dụng công nghệ thông tin sẽ giảm sự quá tải cho hệ thống y tế TP. Khi ứng dụng công nghệ thông tin, người dân có thể không cần đến cơ sở y tế hoặc được điều trị ở tuyến dưới không cần về TP với chất lượng khám chữa bệnh được nâng lên. Đây là việc làm cần thiết trong điều kiện chưa thể xây dựng hàng loạt các bệnh viện để đáp ứng nhu cầu sự phát triển của TP và cả khu vực.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM Trần Lưu Quang khẳng định, lãnh đạo TP cam kết sẽ ủng hộ tích cực nhất chương trình YTTM của TP. Đồng chí cho rằng, để có sự phát triển mạnh mẽ trong xây dựng YTTM cần có thời gian và còn nhiều việc phải làm. Vì vậy, đội ngũ chuyên gia, cán bộ, nhân viên y tế phải trách nhiệm hơn, yêu nghề hơn, quyết tâm hơn mới thực hiện thành công trong thời gian sớm nhất.

S. Hải


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo