Thứ Năm, ngày 28 tháng 3 năm 2024

Lễ kỷ niệm 40 năm ngày Nhà giáo Việt Nam:

Tri ân sâu sắc tới các thế hệ thầy cô giáo trên cả nước

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm cùng các nhà giáo.

(Thanhuytphcm.vn) - Ngày 19/11, đại lễ kỷ niệm 40 năm ngày Nhà giáo Việt Nam được Bộ Giáo dục-Đào tạo (GD-ĐT) tổ chức trọng thể tại Cung Văn hóa Hữu nghị Hà Nội.

Tham dự lễ kỷ niệm có Thủ tướng Phạm Minh Chính; Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam; nguyên Phó Thủ tướng, nguyên Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, nguyên Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân cùng nhiều Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, lãnh đạo các tỉnh thành, các Sở GD-ĐT. Đặc biệt, là các nhà giáo lão thành, nhà giáo nhân dân, nhà giáo ưu tú và các nhà giáo tiêu biểu, xuất sắc đại diện cho hơn 1,2 triệu nhà giáo đã và đang công tác tại các cơ sở giáo dục, cơ quan quản lý giáo dục thuộc 63 tỉnh thành.

Sự kiện kỷ niệm 40 năm ngày Nhà giáo Việt Nam được Bộ GD-ĐT xác định là một trong những việc trọng tâm trong năm 2022. Chuỗi các hoạt động kỷ niệm nhằm tôn vinh, tri ân những nỗ lực, đóng góp của đội ngũ nhà giáo trong sự nghiệp phát triển GD-ĐT.

Đọc diễn văn lại lễ kỷ niệm, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh vị thế cao quý của nghề giáo. Trọng đạo và tôn sư đã là nét đẹp văn hóa truyền thống dân tộc. Sau mấy chục năm xây dựng và phát triển, hiện nay, lực lượng nhà giáo có sự lớn mạnh vượt bậc cả về số lượng và chất lượng. Theo Bộ trưởng, đất nước sau hơn 30 năm đổi mới đã đạt được những thành tựu quan trọng, cơ đồ đất nước to lớn vững bền chưa từng có. Để đạt được những thành tựu đó, ngành giáo dục và các nhà giáo có đóng góp quan trọng.

Trong đòi hỏi của tình hình và nhiệm vụ mới, Bộ trưởng nhấn mạnh, việc tự đổi mới của nhà giáo có ý nghĩa quyết định sự thành công của đổi mới giáo dục. Bộ GD-ĐT coi phát triển đội ngũ nhà giáo đủ về số lượng, tốt về chất lượng là việc sống còn của ngành. Phát triển GD-ĐT cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao là khâu đột phá chiến lược để phát triển đất nước, thì phát triển đội ngũ nhà giáo là khâu đột phá trong đột phá chiến lược ấy.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại lễ kỷ niệm. Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại lễ kỷ niệm.

“Sự nghiệp đổi mới trong giáo dục đang triển khai này nhất định thành công và chỉ được phép thành công, vì sự thành bại của giáo dục không chỉ là việc riêng của ngành, mà thành bại của giáo dục can hệ với sự thành bại của quốc gia. Nhận thức sâu sắc điều đó, toàn ngành giáo dục, hơn một triệu nhà giáo trên cả nước đang hăng hái, dấn thân, đảm trách sứ mệnh đổi mới”, Bộ trưởng nêu.

Bộ trưởng bày tỏ sự cảm ơn sâu sắc tới toàn thể lực lượng nhà giáo và các cán bộ quản lý giáo dục, trong suốt thời gian qua luôn gắn bó, ủng hộ, các chính sách, các định hướng, yêu cầu và chỉ đạo từ Bộ GD-ĐT. Cảm ơn các thầy cô đã biến các chủ trương thành hiện thực sinh động trong cuộc sống. Bộ trưởng cũng bày tỏ lời cảm ơn của toàn thể nhà giáo tới toàn xã hội, tới tất cả quý vị phụ huynh, cảm ơn hàng chục triệu học sinh. “Tôi muốn dành sự cảm ơn đặc biệt tới người học, vì lẽ không trò đố thầy làm nên.” - Bộ trưởng chia sẻ.

Tại lễ kỷ niệm, thay mặt các em học sinh, em Phạm Việt Hưng - học sinh 12A1, Trường THPT chuyên Khoa học tự nhiên, Trường Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội (một trong 6 học sinh đoạt huy chương Vàng kỳ thi Olympic Toán học quốc tế 2022) đã phát biểu gửi lời tri ân sâu sắc đến các thầy giáo, cô giáo đã dìu dắt, chỉ bảo các con phấn đấu và rèn luyện nên người.

Thay mặt các thầy cô giáo, cô Nguyễn Thị Bảo Thúy, giáo viên Trường THPT Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng (nhà giáo ưu tú) cũng phát biểu bày tỏ cảm xúc của một nhà giáo đã 32 năm đứng trên bục giảng và cũng là của một thành viên trong một đại gia đình có 6 anh chị em cùng theo nghề dạy học. “Với tôi, chất lượng giảng dạy là danh dự. Tôi đã dạy học bằng cả trái tim và học trò của tôi đã học bằng khát vọng. Nghề đã chọn tôi và cho tôi thật nhiều cơ hội”, cô Nguyễn Thị Bảo Thúy chia sẻ.

Phát biểu tại lễ kỷ niệm, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước và với tất cả tình cảm, sự tri ân sâu sắc, Thủ tướng Phạm Minh Chính thân ái gửi tới các thế hệ thầy giáo, cô giáo, cán bộ quản lý giáo dục trên mọi miền Tổ quốc lời chào trân trọng, lời thăm hỏi thân thiết và lời chúc mừng tốt đẹp nhất. Thủ tướng bày tỏ sự kính trọng, tri ân sâu sắc tới các thế hệ thầy cô giáo trên cả nước, những người gánh vác sự nghiệp trồng người hết sức cao cả và vinh quang.

Thủ tướng nhắc lại truyền thống hiếu học, tôn sư trọng đạo, quý trọng hiền tài là những giá trị nhân văn sâu sắc của dân tộc ta; là một nhân tố quan trọng tạo nên trí tuệ Việt Nam, đạo đức Việt Nam, văn hóa và con người Việt Nam. Ghi nhận những thành tựu của giáo Việt Nam, Thủ tướng nêu rõ kỷ niệm 40 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam là dịp để chúng ta tri ân hơn 1,6 triệu nhà giáo trên cả nước và biết bao thế hệ thầy giáo, cô giáo luôn cống hiến thầm lặng, bền bỉ cho sự nghiệp giáo dục thế hệ tương lai. Nhiều thầy cô đã vượt khó vươn lên, là tấm gương sáng về đạo đức, sự tận tụy, hy sinh, tâm huyết, cống hiến với nghề; có những thầy cô đã hiến dâng cả tuổi xuân, tình nguyện trở thành người cha, người mẹ thứ hai của các em học sinh.

Theo Thủ tướng, chúng ta đang sống trong kỷ nguyên toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế sâu rộng và cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư với nhiều cơ hội, vận hội, nhưng cũng đặt ra không ít khó khăn, thử thách mới. Sự nghiệp GD-ĐT của chúng ta đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng nhưng vẫn còn không ít hạn chế, yếu kém, tồn tại cần sớm khắc phục và những khó khăn, thách thức phải vượt qua.

Tiết mục nghệ thuật tôn vinh nghề giáo. Tiết mục nghệ thuật tôn vinh nghề giáo.

Để đạt được mục tiêu mà Đại hội XIII của Đảng đã xác định về GD-ĐT, Thủ tướng cho rằng cần xác định rõ, GD-ĐT là sự nghiệp của Đảng, Nhà nước và của toàn dân. Phát triển GD-ĐT là nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài. GD-ĐT phải gắn với nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội và bảo vệ Tổ quốc; với tiến bộ khoa học và công nghệ; phù hợp với quy luật khách quan. Thủ tướng mong mỗi thầy cô xem nhiệm vụ giáo dục là cao cả, đặt toàn bộ tâm huyết, lương tâm, sự hiểu biết sâu sắc và trách nhiệm vào công việc với phương châm xuyên suốt là lấy học sinh làm trung tâm, nhà trường làm nền tảng, thầy cô giáo làm động lực; là người truyền cảm hứng, lòng yêu nước; chấp nhận sự khác biệt, tôn trọng sự đa dạng, phát huy cao nhất sở trường, năng khiếu của mỗi học sinh, tất cả vì học sinh thân yêu, vì sự nghiệp giáo dục cao cả của nước ta.

Thủ tướng đề nghị các bộ ngành, địa phương rà soát, hoàn thiện các cơ chế, chính sách liên quan đến đội ngũ giáo viên phù hợp với thực tiễn, tương xứng với lao động đặc thù của nhà giáo. Chăm lo tốt nhất cả về vật chất và tinh thần, nhất là cho giáo viên mầm non, giáo viên ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, giáo viên giảng dạy các ngành nghề đặc thù, nặng nhọc, độc hại…, để đội ngũ nhà giáo yên tâm công tác và cống hiến.

Thủ tướng cho biết, Chính phủ đã giao Bộ GD-ĐT khẩn trương rà soát, sửa đổi quy định về phụ cấp ưu đãi giáo viên phù hợp thực tiễn với tình hình đất nước và nền kinh tế chung cùng các ngành nghề khác. Sớm có giải pháp hiệu quả giải quyết vấn đề thiếu giáo viên, nhất là giáo viên mầm non. Tuyển dụng đủ số lượng, cơ cấu và đảm bảo chất lượng đội ngũ giáo viên. Xây dựng chính sách thu hút người giỏi vào học ngành sư phạm…

Trung Kiên


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo