Thứ Sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024

Trách nhiệm và vinh dự của người bác sĩ trong cuộc chiến với Covid-19

Trung tá, BS.CKII Chu Văn Tý cùng các lính quân y cấp cứu cho cụ Trương Văn X. (Ảnh: NVCC)

(Thanhuytphcm.vn) - Quân đội nhân dân Việt Nam từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu; sẵn sàng nhận và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó. Đó là điều mà bất kỳ người lính nào cũng tâm niệm dù trong thời chiến hay trong thời bình, đặc biệt trong tình hình hiện nay, khi cả nước đang trong cuộc chiến khốc liệt với dịch Covid-19.

Sứ mệnh của người lính

Có mặt tại phường An Phú từ ngày 21/8 đến nay, tổ hỗ trợ y tế gồm 1 bác sĩ và 2 học viên năm 5 của Học viện Quân y bắt tay ngay vào công tác chuyên môn. Thời gian biểu một ngày làm việc của tổ hỗ trợ y tế bắt đầu từ 5 giờ sáng và thường kết thúc vào 21 giờ. Trong suốt 16 tiếng đồng hồ, 3 thành viên của tổ gần như không có phút nghỉ ngơi. Thế nhưng, ngọn lửa nghề, sứ mệnh của một người lính, trách nhiệm của một người bác sĩ vẫn đong đầy nhiệt huyết.

Công việc hàng ngày của tổ là thăm khám, chăm sóc cho hơn 250 trường hợp F0 trong Khu cách ly tập trung của phường An Phú tại Trường Tiểu học Nguyễn Hiền; chăm sóc, tư vấn sức khỏe, hướng dẫn cách dùng thuốc cho gần 40 trường hợp F0 đang điều trị tại nhà; phối hợp chuyển tuyến các trường hợp F0 có diễn tiến trở nặng; đảm nhận cấp cứu các trường hợp thông thường không liên quan đến Covid-19.

“Trung bình mỗi ngày chúng tôi tiếp nhận khoảng hơn 20 cuộc gọi qua đường dây nóng. Trong đó, có từ 60-70% trường hợp cần can thiệp y tế, số còn lại chúng tôi hướng dẫn cách tự chăm sóc, chế độ dinh dưỡng cho người mắc Covid-19 đang tự điều trị tại nhà và động viên tinh thần để họ an tâm, vững tin; bởi lẽ sự bình tĩnh và tinh thần lạc quan là yếu tố then chốt giúp người bệnh vượt qua dịch bệnh” - Trung tá, BS.CKII Chu Văn Tý, Trạm trưởng Trạm Y tế lưu động phường An Phú cho biết.

Áp lực công việc, hoàn cảnh tiếp xúc nhiều F0, nguy cơ phơi nhiễm cao là những vấn đề lực lượng tuyến đầu phải đối mặt. Thế nhưng, càng trong gian nan, tinh thần chiến đấu, không khuất phục trước khó khăn của người lính càng được phát huy.

Với Trung tá Chu Văn Tý, anh vẫn nhớ như in cuộc gọi cấp cứu từ Khu cách ly tập trung của phường An Khánh khi đồng hồ đã điểm sang ngày mới. Khi đó, một thai phụ 21 tuổi, đau bụng và có dấu hiệu chuyển dạ. Ngay sau khi tiếp nhận thông tin, đội hỗ trợ y tế nhanh chóng đến nơi, tiến hành sơ cứu, liên lạc 115 và chuyển sản phụ đi Bệnh viện Từ Dũ. “Khi nghe điện thoại do người chồng sản phụ báo tin, vợ anh vượt cạn thành công và gia đình đón chào bé gái nặng 3,3kg, chúng tôi thấy hạnh phúc dâng trào vì đã hoàn thành sứ mệnh của mình” - bác sĩ Chu Văn Tý bồi hồi nhớ lại.

Nguồn động lực mạnh mẽ từ những tình cảm lan tỏa

Đến thực hiện nhiệm vụ giữa “tâm dịch”, bên cạnh trách nhiệm của một người lính, một người bác sĩ, họ cũng có những tâm tư. Nỗi nhớ nhà, lo lắng cho sự an toàn của gia đình mình ở quê là những cảm xúc rất đỗi tự nhiên mà ai cũng có. “Ban đầu, chúng em cũng rất nhớ nhà, nhưng vì mục tiêu chung là chiến thắng Covid-19 nên các thành viên cũng bảo ban nhau, tạm gác cảm xúc riêng tư, cố gắng hoàn thành nhiệm vụ thật tốt” – em Phan Thị Thanh Hòa (sinh viên năm 2 Trường Đại học Kỹ thuật Y - Dược Đà Nẵng), thành viên đội hỗ trợ y tế tại phường An Khánh chia sẻ.

Các sinh viên trường Đại học Kỹ thuật Y - Dược Đà Nẵng lấy mẫu xét nghiệm nhanh cho người dân tại khu 14/8 và 87 Lương Định Của, Khu phố 3, phường An Khánh. (Ảnh: Thanh Nhàn) Các sinh viên trường Đại học Kỹ thuật Y - Dược Đà Nẵng lấy mẫu xét nghiệm nhanh cho người dân tại khu 14/8 và 87 Lương Định Của, Khu phố 3, phường An Khánh. (Ảnh: Thanh Nhàn)

Bên cạnh đó, sự chăm lo của chính quyền địa phương, nơi lực lượng Quân y đang hỗ trợ cũng giúp họ thêm phần yên tâm công tác. “Chúng tôi cố gắng tạo điều kiện tốt nhất từ địa điểm nghỉ ngơi, những suất ăn cùng những phần quà như sữa, trái cây, vitamin C cho lực lượng hỗ trợ y tế tại cơ sở. Bên cạnh đó là cung cấp đầy đủ trang thiết bị, vật tư y tế để các bạn thuận lợi trong tác nghiệp. Nhìn các bạn trẻ, tầm tuổi con cháu trong nhà,  chúng tôi rất thương quý tấm lòng của các bạn. Nhờ có lực lượng này mà gánh nặng y tế của phường được giảm đáng kể” - Phó Chủ tịch UBND phường An Khánh Lê Ngọc Ánh cho biết.

Thế nhưng, món quà tinh thần quý giá nhất mà lực lượng hỗ trợ nhận được là tình cảm trân quý của bà con địa phương dành cho những cống hiến, sự tận tụy, tinh thần trách nhiệm của họ trong công việc. Chị Trương Thị Thanh Đ., hiện đang điều trị tại Bệnh viện điều trị Covid-19 số 2, TP Thủ Đức, xúc động nhớ lại khoảnh khắc đội hỗ trợ y tế của phường An Phú đến cấp cứu cho ba chị (ông Trương Văn X.) trong tối 5/9. “Các bác sĩ Quân y rất nhiệt tình, ngay sau khi tiếp nhận cuộc gọi cấp cứu đã nhanh chóng có mặt tại nhà, thực hiện sơ cấp cứu cho ba tôi. Không chỉ làm chuyên môn, các bác sĩ còn động viên tinh thần tôi rất nhiều khi thấy tình trạng của ba trở nặng. Tôi thật sự rất biết ơn các bác sĩ, nếu không có họ, chắc ba tôi đã gặp nguy hiểm” - chị Thanh Đ. kể lại.

Những tin nhắn, những cuộc gọi động viên, những lá thư tay chan chứa ân tình chính là nguồn động lực để những người lính vơi bớt nỗi nhớ nhà, yên tâm công tác. Khi gia đình là hậu phương vững chắc, địa phương là tiền tuyến vững tâm sẽ là sức mạnh để họ phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ, hướng đến mục tiêu duy nhất, chiến thắng dịch Covid-19.

Thanh Nhàn


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo