Thứ Sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024

Thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong xây dựng đội ngũ cán bộ

Chủ tịch Hồ Chí Minh. (Ảnh tư liệu: TTXVN)

(Thanhuytphcm.vn) - Di chúc là thư của người chuẩn bị “đi xa”, được viết để gửi gắm lại cho các thế hệ con cháu, bạn bè, người thân… Trong thư ấy thường ghi lại tất cả tâm tư, những điều rất quan trọng cần phải làm, những trăn trở mà người sắp “đi xa” mong muốn hậu thế sẽ làm thay mình… Do vậy, làm theo những điều Bác dặn trước lúc Bác đi xa là việc hệ trọng.

Đọc từng câu, từng lời Bác viết trong Di chúc, càng thấm thía những ý tứ hàm chứa Bác gửi gắm để mong muốn xây dựng một đội ngũ cán bộ, đảng viên thật sự “vừa hồng, vừa chuyên”; xây dựng một Đảng cộng sản cầm quyền thật sự trong sạch, vững mạnh; xây dựng một đất nước độc lập, tự do, dân chủ, văn minh, giàu mạnh, nhân dân được ấm no, hạnh phúc.

Với hơn 1.000 từ, Di chúc của Người là những mệnh lệnh của người chỉ huy, là những hoạch định của người lãnh đạo cho tương lai đất nước, là những tâm tình của người đồng chí – người đảng viên chân chính, vĩ đại của Đảng ta.

Về công tác đào tạo cán bộ, Bác có nhắn nhủ điều sau đây:

“Đoàn viên và thanh niên ta nói chung là tốt, mọi việc đều hăng hái xung phong, không ngại khó khăn, có chí tiến thủ. Đảng cần phải chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho họ, đào tạo họ thành những người kế thừa xây dựng xã hội chủ nghĩa vừa “hồng", vừa “chuyên”.

Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết”.

1. Là người sáng lập và lãnh đạo Đảng, những ý tứ Bác dặn dò chính là: phải giữ vững vai trò lãnh đạo của một đảng cầm quyền trên nền tảng đội ngũ cán bộ, đảng viên có đạo đức cách mạng và năng lực; đồng thời, Bác hoạch định một kế hoạch, một chương trình hành động của toàn Đảng, toàn dân về đào tạo nguồn nhân lực cho sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Đọc những lời di huấn này, càng nhớ bài học đầu tiên về “Tư cách một người cách mệnh” trong “Đường Kách mệnh”; càng hiểu sâu sắc hơn vai trò nền tảng của đạo đức cách mạng: “có đạo đức cách mạng mới gánh được nặng, đi được xa”[1]; càng đồng tình với ý kiến của đồng chí Trần Bạch Đằng: “Làm đảng viên cộng sản tức làm người có trình độ cao, nhưng vẫn trên cái nền “làm người”; đổ vỡ tư cách làm người, thiếu nhân tính là đổ vỡ tất cả”[2].

2. Đọc di huấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh - “Người công bộc” vĩ đại của Nhân dân, càng hiểu thật sâu sắc quan điểm của Người về tầm quan trọng của công tác đào tạo đội ngũ cán bộ có đủ phẩm chất và năng lực làm “người đày tớ trung thành của nhân dân”.

Giữ vai trò một Đảng cách mạng cầm quyền thì Đảng phải được xây dựng trên cơ sở đội ngũ những người cách mạng chân chính. Đây là điều vô cùng quan trọng nên Người cẩn thận nhắn nhủ lần nữa trước lúc đi xa: “Đoàn viên và thanh niên ta nói chung là tốt, mọi việc đều hăng hái xung phong, không ngại khó khăn, có chí tiến thủ. Đảng cần phải chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho họ, đào tạo họ thành những người kế thừa xây dựng xã hội chủ nghĩa vừa “hồng", vừa “chuyên”.

Bác luôn nhìn thấy tiềm lực ở lớp người trẻ tuổi, Bác dặn Đảng và các thế hệ đi trước cần tin tưởng vào khả năng của thanh niên, phải hướng dẫn cho thanh niên.

Bác đã từng nói: “Một năm bắt đầu từ mùa xuân. Một đời người bắt đầu từ tuổi trẻ. Tuổi trẻ là mùa xuân của xã hội”[3].

“Thanh niên là người chủ tương lai của nước nhà. Vì vậy, nước nhà thịnh hay suy, yếu hay mạnh phần lớn là do thanh niên…”[4]

Trong “Thư gửi các vị phụ lão” (đăng trên Báo Cứu quốc, tháng 9/1945), Bác viết: “…Chúng ta già cả không làm được công việc nặng nề, thì khua gậy đi trước, để khuyến khích bọn thanh niên và san sẻ những kinh nghiệm của chúng ta cho họ”.[5]

Song, để có một đội ngũ “vừa hồng, vừa chuyên” thì thế hệ trẻ cần được đào tạo, huấn luyện một cách đúng đắn, toàn diện. Bởi vì, theo quan điểm của Bác: “Người có tài mà không có đức là người vô dụng. Người có đức mà không có tài làm việc gì cũng khó”, “Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân”. Cũng chính vì lẽ đó mà Bác ghi vào trang đầu tiên quyển Sổ vàng khi đến thăm Trường Đảng Nguyễn Ái Quốc Trung ương (ở Thái Nguyên, tháng 9/1949): “Học để làm việc, làm người, làm cán bộ. Học để phụng sự Đoàn thể, phụng sự giai cấp và nhân dân, phụng sự Tổ quốc và nhân loại”[6]. Điều này, đòi hỏi mỗi người thầy dạy cán bộ cũng phải là tấm gương sáng cho người học noi theo. Đại tướng Võ Nguyên Giáp – đã nhắc đến lời dạy của người Thầy kính yêu: “Bác thường nhắc đến một phương pháp giáo dục quan trọng là sức mạnh của sự nêu gương. Bác luôn luôn làm gương trước cho mọi người noi theo.”[7].

3. Nói về huấn luyện cán bộ, Bác viết: “Cán bộ là những người đem chính sách của Đảng, của chính phủ giải thích cho dân chúng hiểu, và thi hành. Đồng thời, đem tình hình của dân chúng báo lại cho Đảng, cho Chính phủ hiểu rõ, để đặt chính sách cho đúng. Việc huấn luyện cán bộ là công việc gốc của Đảng”[8].

“Huấn là dạy dỗ, luyện là rèn giũa sạch những vết xấu xa trong đầu óc” [t.6, tr.359]. Tuy nhiên, “việc huấn luyện học tập không phải là việc đơn giản” [t.6, tr.355]. Muốn công tác huấn luyện hiệu quả thì “người huấn luyện của đoàn thể phải làm kiểu mẫu về mọi mặt”; nội dung huấn luyện phải toàn diện: Huấn luyện chuyên môn - nghề nghiệp, huấn luyện văn hóa, huấn luyện lý luận - chính trị; cách thức huấn luyện phải thiết thực, gắn lý luận với thực tế, phải đúng nhu cầu cách mạng, phải chú trọng cải tạo tư tưởng; tài liệu huấn luyện phải do cơ quan lãnh đạo xét kỹ. Đặc biệt, Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “phải biết tự học”, “lấy tự học làm cốt”. Người nói rõ: Huấn luyện cán bộ là công việc thường xuyên, công phu, lâu dài nên cần phải kiên trì và bền bỉ, “không phải vài ba tháng hoặc vài ba năm, mà đào tạo được một người cán bộ tốt... phải công tác, đấu tranh, huấn luyện lâu năm mới được” [t.5, tr.322].

Bác còn viết: “Đảng phải nuôi dạy cán bộ, như người làm vườn vun trồng những cây cối quý báu”.

4. “Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết”. Lời dặn dò này càng khẳng định quyết tâm cách mạng mà Bác đã nhấn mạnh từ những năm đầu thế kỷ 20: “Đời này làm chưa xong thì đời sau nối theo làm thì phải xong” vì làm cách mệnh là “Sửa cái xã hội cũ đã mấy ngàn năm làm xã hội mới, ấy là rất khó”, là một quá trình đầy gian lao, thử thách. Nếu thiếu lực lượng kế cận xứng đáng thì sự nghiệp cách mạng sẽ không chỉ gặp khó khăn, mà cũng khó được gìn giữ, bảo tồn thành quả đã đạt được.

Trong tư tưởng của Người, đây là một vấn đề chiến lược của cách mạng Việt Nam. Quan điểm của Bác thể hiện thế giới quan khoa học và phản ánh tầm nhìn xa trông rộng của một của một lãnh tụ cách mạng. Điều này cũng cho thấy, Bác đã tiếp thu quan điểm biện chứng duy vật về sự phát triển của chủ nghĩa Mác - Lê-nin. Chúng ta, cần nhận thức đầy đủ hàm ý sâu sắc của Bác trong lời nhắn nhủ này: vận mệnh dân tộc, sự nghiệp cách mạng trong tương lai thuộc về thế hệ kế tục được đào tạo ngay từ hiện tại. Đảng ta đã nhận thức sâu sắc chân lý “Vì lợi ích trăm năm trồng người” trong tư tưởng của Bác nên luôn đặt công tác giáo dục đào tạo là quốc sách hàng đầu.

Khéo dùng cán bộ còn thể hiện ở việc biết đào tạo cán bộ nguồn để tránh sự hụt hẫng về thế hệ kế cận. Hồ Chí Minh viết: “Theo luật tự nhiên, già thì phải yếu, yếu thì phải chết. Nếu không có cán bộ mới thế vào, thì ai gánh vác công việc của Đảng?” [t.5, tr.277], Khéo dùng cán bộ còn là biết đào tạo cán bộ địa phương để họ có sự am hiểu sâu sắc thực tế nơi công tác. Bồi dưõng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và “trồng người” là công việc không đơn giản. Vì thế, lớp cán bộ, đảng viên đi trước và những người lãnh đạo phải kiên trì thực hiện công tác này.

Hơn nữa, chính sách đúng đắn, kịp thời để phát triển nguồn lực con người là vấn đề quyết định. Theo quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”[9]; “Cán bộ là tiền vốn của Đoàn thể. Có vốn mới làm ra lãi. Bất cứ chính sách, công tác gì nếu có cán bộ tốt thì thành công, tức là có lãi”[10].

*

Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh là văn kiện lịch sử vô giá kết tinh những tinh hoa đạo đức và tâm hồn cao đẹp, những nội dung cơ bản, những quan điểm cốt yếu của tư tưởng Hồ Chí Minh, vạch ra phương hướng phát triển cho cách mạng Việt Nam cả hôm nay và trong tương lai; là chúc thư của một lãnh tụ thiên tài, một nhà cách mạng lỗi lạc có tầm nhìn xa, trông rộng, một chiến sĩ cộng sản suốt đời yêu thương, trân trọng con người phấn đấu hy sinh vì tự do, hạnh phúc của con người. Những tư tưởng lớn, những phẩm chất đạo đức trong sáng tuyệt vời và chủ nghĩa nhân văn cộng sản tỏa sáng từ Di chúc lịch sử của Chủ tịch Hồ Chí Minh mãi mãi là nguồn sức mạnh tinh thần dẫn dắt toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta trên con đường xây dựng Tổ quốc Việt Nam theo mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Tác phẩm đã định hướng cho toàn Đảng, toàn dân ta đẩy mạnh cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đến thắng lợi hoàn toàn và xây dựng, phát triển đất nước trong tương lai; khẳng định tầm quan trọng của nhân tố đạo đức đối với Đảng cầm quyền. Vì vậy, mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân như mong muốn của Người.

Cùng với cách mạng Việt Nam, tư tưởng Hồ Chí Minh là nền tảng tư tưởng, là kim chỉ nam cho mọi hành động cách mạng của Đảng. Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh sẽ sống mãi trong tâm hồn, trí tuệ dân tộc Việt Nam và sự trân trọng, kính phục của nhân dân thế giới.

TS Bùi Thị Ngọc Trang

Phó Giám đốc Học viện Cán bộ TPHCM


------------------------------------

TÀI LIỆU THAM KHẢO

Hồ Chí Minh Toàn tập (2011), tập 5, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội.

Hồ Chí Minh Toàn tập (2011), tập 6, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội.

[1] Hồ Chí Minh toàn tập, tập 9.

[2] Trần Bạch Đằng: Nổi bận tâm của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi Đảng Cộng sản trở thành Đảng cầm quyền.

[3] Hồ Chí Minh toàn tập, tập 4, tr.273.

[4] Hồ Chí Minh toàn tập, tập 5, Tr.216

[5] Hồ Chí Minh toàn tập, tập 4, tr.32.

[6] Hồ Chí Minh toàn tập, tập 4, tr.208.

[7]  Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Chủ tịch Hồ Chí Minh với sự nghiệp xây dựng con người mới, Hồ Chí Minh chân dung và di sản, 289-307.

[8] Hồ Chí Minh toàn tập, tập 5, tr.309.

[9] Hồ Chí Minh toàn tập (2011), tập 5, tr.280

[10] Hồ Chí Minh toàn tập (2011), tập 6, tr.356


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo