Thứ Sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024

Thiết thực chăm lo đời sống, nâng cao tay nghề cho công nhân, lao động

Phó Bí thư Thành ủy TPHCM Võ Thị Dung trao Bằng khen cho các tập thể

(Thanhuytphcm.vn) - Ngày 13/11, Thành ủy TPHCM đã tổ chức hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 22 - CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp; và sơ kết 5 năm thực hiện Nghị định số 98/2014/NĐ - CP của Chính phủ Quy định về thành lập tổ chức chính trị, các tổ chức chính trị - xã hội tại doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế. Phó Bí thư Thành ủy TPHCM Võ Thị Dung; Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng Ban Dân vận Thành ủy TPHCM Nguyễn Hữu Hiệp; Thành ủy viên, Phó Chủ tịch UBND TP Ngô Minh Châu chủ trì hội nghị.

Tình hình quan hệ lao động có chuyển biến tích cực

Báo cáo tại hội nghị, Trưởng Ban Dân vận Thành ủy TPHCM Nguyễn Hữu Hiệp cho biết, trong 10 năm thực hiện Chỉ thị 22 của Ban Bí thư, tình hình quan hệ lao động trên địa bàn TP có chuyển biến tích cực, quy mô về số vụ, số lượt người tham gia tranh chấp lao động tập thể giảm đều qua các năm. Tính chất các vụ tranh chấp lao động tập thể đã ôn hòa hơn, thời gian tranh chấp và số vụ tranh chấp có tính chất lây lan giảm. Theo thống kê, từ năm 2008 đến năm 2018 trên địa bàn TP đã xảy ra 1.022 vụ đình công với 391.071 người tham gia. Nguyên nhân và đặc điểm các cuộc đình công là tập trung việc đòi nợ lương, đề nghị công khai chi trả lương, thưởng thời điểm trước Tết Nguyên đán, thanh toán tiền phép năm và việc thực hiện quy định như tiền lương làm thêm giờ... Ngoài ra, do khó khăn kinh tế một số doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) kinh doanh thua lỗ dẫn đến nợ lương, nợ bảo hiểm xã hội, chủ bỏ trốn về nước không thực hiện nghĩa vụ với người lao động.

Các đại biểu tham dự hội nghị Các đại biểu tham dự hội nghị

Thời gian qua, TPHCM đã tập trung đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ thuật nghiệp vụ, nâng cao ý thức tôn trọng pháp luật cho công nhân; chăm lo đời sống vật chất cho người lao động. Tiêu biểu, trong 10 năm qua, TP đã chăm lo hơn 2,4 lượt triệu công nhân, người lao động, kinh phí hơn 427,6 tỷ đồng và hỗ trợ, cấp vốn cho gần 1,5 triệu lượt công nhân, người lao động với kinh phí 15.355 tỷ đồng.

Chia sẻ về kinh nghiệm của địa phương trong công tác quản lý Nhà nước về lao động nhằm góp phần xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp, Phó Chủ tịch UBND quận Bình Tân Đỗ Đình Thiện cho rằng, bên cạnh công tác tuyên truyền, việc nâng cao ý thức pháp luật cho người sử dụng lao động, các doanh nghiệp thực hiện tốt Bộ Luật lao động là cần thiết nhằm phòng ngừa xảy ra tranh chấp lao động, đình công. Cùng với đó, quận cũng triển khai thí điểm xây dựng hồ sơ quan hệ lao động tại các doanh nghiệp có nguy cơ cao về tranh chấp lao động, đình công nhằm thiết lập công cụ nắm bắt, theo dõi, đánh giá đầy đủ về tình hình vận hành của quan hệ lao động tại doanh nghiệp để có giải pháp kịp thời phòng ngừa tranh chấp lao động, đình công xảy ra…

Tăng cường đối thoại và hòa giải

Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Ngô Minh Châu cho rằng, cần nâng cao trình độ đầy đủ, ý thức chấp hành pháp luật của người lao động và sử dung lao động. Đồng thời, phải cải thiện chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động. Những tổ chức Đảng, đoàn thể trong các doanh nghiệp phải vững mạnh có đủ uy tín và có ảnh hưởng với công nhân. Tổ chức công đoàn cần là chỗ dựa của công nhân. Việc xây dựng các tổ chức Đảng, đoàn thể trên cơ sở đảm bảo đời sống công nhân, trình độ công nhân. Một trong những biện pháp quan trọng là tăng cường đối thoại và hòa giải tại các doanh nghiệp; tạo sức lan tỏa từ các cuộc đối thoại này.

Kết luận tại hội nghị, Phó Bí thư Thành ủy TP Võ Thị Dung đánh giá, tình hình quan hệ lao động trên địa bàn TP ngày càng ổn định hơn với nhiều mô hình hiệu quả, sáng tạo. Kết quả đạt được trong xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp đã góp phần quan trọng cho việc đảm bảo an ninh, trật tự và ổn định, phát triển kinh tế TP.

Phó Bí thư Thành ủy TPHCM Võ Thị Dung phát biểu tại hội nghị Phó Bí thư Thành ủy TPHCM Võ Thị Dung phát biểu tại hội nghị

Để thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 22 - CT/TW và Nghị định số 98/2014/NĐ - CP, đồng chí Võ Thị Dung đề nghị các cấp Đảng, chính quyền, MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo bằng những chương trình hành động cụ thể, thiết thực.

Phó Bí thư Thành ủy TP Võ Thị Dung cũng cho rằng, cần tăng cường tuyên truyền, thông tin để các doanh nghiệp, công nhân, người lao động hiểu rõ đường lối chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước liên quan đến xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp; đồng thời hiểu rõ về việc thành lập tổ chức chính trị, các tổ chức chính trị - xã hội tại doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế là cần thiết.

Nhấn mạnh công tác xây dựng các tổ chức Đảng, đoàn thể phải có bước tiến, đổi mới về phương thức tập hợp phù hợp với tình hình thực tế của TP, đồng chí Võ Thị Dung yêu cầu, các đơn vị liên quan phải tiếp tục quan tâm, chăm lo đội ngũ cán bộ làm công tác Đảng, đoàn thể tại các doanh nghiệp; tiếp tục đổi mới nội dung phương thức hoạt động của các tổ chức này, đặc biệt phối hợp tổ chức hoạt động thiết thực chăm lo đời sống, nâng cao tay nghề cho công nhân, lao động. Các lực lượng chức năng tiếp tục phối hợp bảo vệ an ninh trật tại các khu chế xuất, khu công nghiệp; ngăn chặn tội phạm, tệ nạn xã hội đe dọa sự an toàn của doanh nghiệp, người lao động. Các cấp chính quyền địa phương xây dựng quy chế dân chủ nơi làm việc; rà soát và có chương trình cụ thể, phân công cán bộ đủ năng lực thực hiện nội dung xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp.

Tại hội nghị, có 27 tập thể, 22 cá nhân và 7 doanh nghiệp vinh dự được đón nhận Bằng khen của Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM.

Báo cáo về kết quả thực hiện Nghị định số 98/2014/NĐ-CP, đồng chí Nguyễn Hữu Hiệp cho biết, qua 5 năm thực hiện Nghị định này đã tạo thêm động lực, cơ chế thực hiện, góp phần nâng cao hiệu quả cho công tác xây dựng tổ chức Đảng, tổ chức chính trị - xã hội trong doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế. Từ năm 2008 đến năm 2018, trong các doanh nghiệp khu vực ngoài Nhà nước, trung bình mỗi năm TP thành lập mới 92 tổ chức Đảng, tăng 1,4 lần so với năm 2007; kết nạp 1.102 đảng viên, tăng 4,25 lần so với năm 2007. TP chú trọng thành lập tổ chức Đảng trong các doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước từ 500 lao động trở lên. Tính chung, số tổ chức Đảng trong các doanh nghiệp từ 1.742 lên 2.333 và số đảng viên tăng từ 18.360 lên 33.013 đảng viên. Cùng với đó, TP đã tập trung xây dựng mô hình tập hợp thanh niên, phụ nữ trong doanh nghiệp; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về lao động; phát triển, củng cố, kiện toàn, nâng cao hiệu quả hoạt động công đoàn…
S. Hải

Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo