Thứ Sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024

Thành phố Thủ Đức sẽ là thành phố mẫu mực về hạ tầng

Trưởng Đoàn ĐBQH TPHCM Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại buổi tiếp xúc

(Thanhuytphcm.vn) - Sáng 21/11, Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TPHCM gồm các đại biểu (ĐB): Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Đoàn ĐBQH TP, theo dõi, chỉ đạo Đảng bộ TPHCM; Nguyễn Thị Quyết Tâm, nguyên Phó Bí thư Thành ủy, nguyên Chủ tịch HĐND TP; Trịnh Ngọc Thúy, Phó Chánh án Tòa án Nhân dân TP có buổi tiếp xúc cử tri sau kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV.

Cần quan tâm đầu tư cho TP Thủ Đức

Tại buổi tiếp xúc, đa số ý kiến của cử tri quan tâm đến việc thành lập TP Thủ Đức. Cử tri Trần Ba, phường Tăng Nhơn Phú B và cử tri Lương Minh Thuận, phường Trường Thạnh cho rằng: Việc thành lập TP Thủ Đức, người dân nhất trí cao, vì khi triển khai TP Thủ Đức mang lại tốc độ phát triển cho TP, đời sống người dân được nâng cao. Do đó, về tên gọi nên sử dụng là TP Thủ Đức. Đồng thời đề nghị khi thành lập TP Thủ Đức, TP cần nghiên cứu đặt trụ sở làm việc của TP Thủ Đức ở trung tâm của 3 quận nhằm tạo tiện lợi cho người dân khi thực hiện các thủ tục hành chính; quan tâm bố trí cán bộ có đức, có tầm, có trách nhiệm với nhân dân; chăm lo đời sống của công nhân như việc làm, nhà ở…

Cũng tại buổi tiếp xúc, cử tri đề nghị Quốc hội có giải pháp giải quyết tình trạng nợ xấu để hỗ trợ doanh nghiệp (DN), hộ kinh doanh vay vốn làm ăn; biện pháp chế tài đối với các trường hợp vi phạm về luật an ninh mạng. Cử tri Lương Minh Thuận, phường Trường Thạnh cho biết: Hiện nay, DN, hộ cá nhân khi vay vốn làm ăn ở các tổ chức tín dụng ngân hàng nhưng do ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh dẫn đến kinh doanh không có doanh thu và việc trả vốn vay chậm dẫn đến nợ xấu. Do đó, muốn vay vốn để tái sản xuất không được vì vướng vào trường hợp nợ xấu nên phải đi vay “tín dụng đen” với lãi suất cao. Vì vậy, đề nghị Quốc hội có giải pháp xử lý vấn đề nợ xấu để tạo điều kiện cho DN, người dân vay vốn làm ăn.

Bên cạnh đó, cử tri Phạm Văn Kiên, phường Hiệp Phú đề nghị TP làm rõ vấn đề thu hồi đất của người dân trong quá trình thực hiện dự án Khu Công nghệ cao để giải quyết dứt điểm tình trạng người dân khiếu kiện, khiếu nại tập trung đông người.

Ngoài ra, cử tri cũng đề nghị TP giám sát quá trình thực hiện vốn giải ngân đầu tư công, quản lý sử dụng đất công trên địa bàn TP; quan tâm vấn đề chỉnh trang đô thị, an ninh trật tự. Nhà nước cần kiểm soát nạn phá rừng. Quốc hội giám sát sách giáo khoa, bởi vì hiện nay chương trình nặng về lý thuyết, nhẹ về thực hành.

Sẽ có lộ trình thực hiện các vấn đề liên quan đến TP Thủ Đức

Tại buổi tiếp xúc, làm rõ ý kiến của cử tri về dự án Khu Công nghệ cao TP, Chủ tịch UBND Quận 9 Trần Văn Bảy thông tin: Đối với dự án Khu Công nghệ cao TP, bên cạnh những thành công trong quá trình triển khai dự án có một số thiếu sót. Chính vì vậy, dẫn đến khiếu nại, tố cáo của một số hộ dân có đất thu hồi và Thanh tra Chính phủ đã có kết luận thanh tra, đã công bố, công khai cho các hộ dân. Trên cơ sở đó, TPHCM đã nỗ lực triển khai kết luận thanh tra và kết luận của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ.

Trong đó, có hai nội dung liên quan quyền lợi người dân. Đó là phần đất khoảng 41 ha, thực hiện chính sách vào thời điểm năm 2007 và trên cơ sở đó, quận rà soát làm rõ ranh 41 ha trình cho TP và TP trình cho HĐND TP thông qua Nghị quyết bố trí kinh phí 1.471 tỷ đồng để triển khai thực hiện đảm bảo quyền lợi cho người dân. Có 675 trường hợp có đất trong khu 41 ha. Ban Thường vụ Thành ủy rất quan tâm và có phiên họp thảo luận thông qua chủ trương làm cơ sở Ban cán sự Đảng UBND TP chỉ đạo các cơ quan khẩn trương thực hiện. Đến nay, Quận 9 triển khai thực hiện đúng theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, Nghị quyết HĐND TP, Quyết định của UBND TP; đã triển khai thực hiện chính sách chuyển tiền hỗ trợ bổ sung cho hơn 90% các hộ dân có đất trong khu 41 ha. Chỉ còn vài chục hồ sơ vướng mắc về pháp lý do ranh đất và quận đang xin ý kiến của các cơ quan có thẩm quyền để cố gắng trong tháng 12/2020 các hồ sơ bị thu hồi đất trong 41 ha sẽ được giải quyết dứt điểm.

Cử tri Quận 9 phát biểu ý kiến tại buổi tiếp xúc Cử tri Quận 9 phát biểu ý kiến tại buổi tiếp xúc

Đối với 49 trường hợp đặc thù được đề cập trong kết luận của Thanh tra Chính phủ thì Thanh tra Chính phủ yêu cầu UBND TP rà soát, xem xét chính sách đặc thù để đảm bảo hài hòa lợi ích của Nhà nước và các hộ dân bị thu hồi đất. Trên cơ sở đó, TP đã lập Tổ công tác liên ngành do Chủ tịch UBND Quận 9 làm Tổ trưởng và đại diện các sở, ngành tham mưu chính sách đặc thù xin ý kiến, chỉ đạo của Ban Thường vụ Thành ủy và UBND TP, đến nay đã triển khai ban hành các quyết định bổ sung chính sách bán nền tái định cư theo giá tái định cư thời điểm triển khai dự án (1 triệu đồng/m2). Hiện đã tổ chức bốc thăm chọn nền để giao nền cho các hộ dân, tiến tới cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ dân và hỗ trợ các hộ dân có nhu cầu.

“Khu Công nghệ cao TP được công bố quy hoạch theo đúng quy định pháp luật. Tuy nhiên, chúng tôi hiểu và chia sẻ với một số hộ dân có đất bị thu hồi nên hàng tuần đều có tiếp xúc, đối thoại với người dân để lắng nghe và rà soát lại hồ sơ, trên cơ sở ý kiến của người dân, nếu có thiếu sót thì chủ động triển khai và nếu vượt thẩm quyền thì xin UBND TP sớm trả lời cho người dân” – Chủ tịch UBND Quận 9 Trần Văn Bảy khẳng định.

Thay mặt Đoàn ĐBQH TP, ĐB Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Đoàn ĐBQH TP, theo dõi, chỉ đạo Đảng bộ TPHCM cho biết: Về đầu tư hạ tầng của TP Thủ Đức hiện nay không theo quy hoạch cũ. Vì vừa qua, TP đã tổ chức thi tuyển quốc tế quy hoạch 3 quận gồm 2, 9, Thủ Đức thành Khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía Đông TP; trong đó hệ thống giao thông được rà soát lại, có cập nhật để trở thành nơi có giao thông thuận tiện nhất TP. TP mới là TP mẫu mực về vấn đề này, có thể là có những đoạn đường trong TP Thủ Đức sẽ là nơi thí nghiệm xe không có người lái.

Về vị trí trụ sở chính của TP Thủ Đức, việc xử lý cán bộ dôi dư, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân cho hay: Theo dự kiến đầu tháng 12/2020, Ủy Ban Thường vụ Quốc hội họp và nếu thống nhất sẽ ra Nghị quyết về việc thành lập TP Thủ Đức. Nếu có Nghị quyết, TP sẽ khởi động chính thức vấn đề này. Hiện Ban Thường vụ Thành ủy đã có chủ trương làm kế hoạch từng bước để đến 23/5/2021 bầu cử xong và từ 1/7/2021 có HĐND của TP Thủ Đức, TP sẽ có lộ trình thực hiện các vấn đề này để TP Thủ Đức có năng lực tốt nhất đáp ứng nhu cầu phát triển thời gian tới. Khi TP ban hành dự thảo sẽ lấy ý kiến của quận, phường để phát huy dân chủ ý kiến của cơ sở.

Quang cảnh buổi tiếp xúc cử tri Quận 9 Quang cảnh buổi tiếp xúc cử tri Quận 9

Về ý kiến thực hiện chính quyền đô thị không có HĐND quận, phường có ảnh hưởng quyền dân chủ người dân hay không, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, về vấn đề này, TP đã triển khai thí điểm từ năm 2009 đến đầu năm 2016 không có HĐND quận, huyện, phường mà chỉ có HĐND xã và có cơ chế quản lý vấn đề này. Sắp tới, để giải quyết vấn đề này, về HĐND TP thì Quốc hội đã có Nghị quyết tăng số ĐB chuyên trách để tăng cường giám sát. Đồng thời giám sát của HĐND kết hợp với giám sát của MTTQ, kiểm tra của Đảng, Thanh tra TP. Người dân có quyền phản ánh trực tiếp thông qua hệ thống tiếp nhận thông tin phản ánh của người dân ở các quận, huyện. Định kỳ các địa phương có lịch đối thoại với người dân.

Liên quan vấn đề dự án Khu Công nghệ cao TP, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân cho hay: Đây là quyết định TP muốn làm để TP phát triển và báo cáo Thủ tướng Chính phủ mà Trung ương không chi ngân sách, TP dùng ngân sách của TP để đầu tư. Sau quá trình đi vào hoạt động Khu Công nghệ cao TP đạt kết quả tốt về thu hút đầu tư nước ngoài và xuất khẩu. Tuy nhiên, trong quá trình làm về thủ tục có những sai sót và Thanh tra Chính phủ đã có kết luận; căn cứ vào đó, UBND TP lập kế hoạch báo cáo Ban Thường vụ Thành ủy tổ chức triển khai. “Do đây là việc xảy ra đã lâu nên làm chuyện cũ là rất khó nhưng phải làm, tinh thần là những chỗ nào người dân có thiệt hại do làm chưa đầy đủ thì có quan tâm xử lý” - đồng chí Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh.

Đình Lý


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo