Thứ Năm, ngày 28 tháng 3 năm 2024

Thành lập Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng Nhân dân

Phiên thảo luận về dự thảo Nghị quyết thành lập Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng Nhân dân

(Thanhuytphcm.vn) - Sáng 18/9, theo chương trình làm việc tại Phiên họp thứ 48, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết thành lập và quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) và Hội đồng Nhân dân (HĐND) các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Trình bày Tờ trình, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, Nghị quyết quy định việc thành lập Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND trên cơ sở hợp nhất Văn phòng Đoàn ĐBQH và Văn phòng HĐND ở 51 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và trên cơ sở tách Văn phòng Đoàn ĐBQH, HĐND và UBND cấp tỉnh thành Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND cấp tỉnh và Văn phòng UBND cấp tỉnh ở các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện thí điểm.

Báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị quyết do Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày cho thấy, Ủy ban Pháp luật tán thành với sự cần thiết, mục đích, yêu cầu và quan điểm xây dựng Nghị quyết đã nêu trong Tờ trình của Văn phòng Quốc hội. Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng, qua thảo luận, đa số ý kiến trong Ủy ban Pháp luật tán thành phương án 2, giao HĐND cấp tỉnh quyết định thành lập Văn phòng.

Về số lượng và tên gọi các phòng, đa số ý kiến trong Ủy ban Pháp luật tán thành với việc xác định số lượng phòng phải căn cứ vào vị trí, chức năng, nhiệm vụ, khối lượng công việc, số lượng vị trí việc làm và số biên chế được giao. Dự thảo Nghị quyết quy định cứng Văn phòng có 3 phòng và giao cho địa phương có thể quyết định thành lập thêm 1 phòng căn cứ vào tình hình thực tế của địa phương là cần thiết.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng nhấn mạnh, cần làm rõ khái niệm "thành lập mới" để phù hợp với điều kiện thực tế; đồng thời cần quy định cụ thể về việc thành lập Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND, vị trí, chức năng, quyền hạn của Văn phòng này. Về biên chế, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng cho rằng, cần căn cứ vào khung biên chế theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Cấp phó của Văn phòng này, Thường vụ Tỉnh ủy sẽ rà soát, đánh giá cán bộ và do HĐND cấp tỉnh quyết định.

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội  Nguyễn Hạnh Phúc Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc

Tại phiên thảo luận, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất quy định Văn phòng này sẽ do HĐND cấp tỉnh quyết định thành lập sau khi thống nhất với Trưởng Đoàn, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH, là cơ quan tương đương cấp Sở. Về cơ cấu, tổ chức, Văn phòng có Chánh Văn phòng và không quá 3 Phó Chánh Văn phòng. Sau khi thống nhất với Lãnh đạo Đoàn ĐBQH, Thường trực HĐND cấp tỉnh quyết định việc bổ nhiệm, miễn nhiệm, thi đua khen thưởng, kỷ luật Chánh Văn phòng và Phó Chánh Văn phòng.

Nghị quyết cũng quy định điều khoản chuyển tiếp nhằm ổn định tổ chức và nhân sự, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình hợp nhất 2 Văn phòng cũng như bảo đảm quyền lợi của công chức, người lao động.

Vân Thanh


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo