Thứ Sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024

Tháng 12/2021: Trình Ban Bí thư Đề án về mô hình tự quản ở cộng đồng dân cư thôn, tổ dân phố

Hội thảo về đề án thực hiện mô hình tự quản ở cộng đồng dân cư thôn, tổ dân phố

(Thanhuytphcm.vn) - Ngày 18/10, tại Hà Nội, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức hội thảo về đề án thực hiện mô hình tự quản ở cộng đồng dân cư thôn, tổ dân phố.

Theo đề dẫn của Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Hữu Dũng, hoạt động tự quản của Nhân dân luôn là vấn đề được quan tâm tổ chức thực hiện ở nhiều quốc gia trên thế giới. Tổ chức hoạt động tự quản chính là hình thức phát huy quyền làm chủ của Nhân dân tham gia quản lý xã hội. Từ đó phát huy tinh thần đoàn kết, gắn bó Nhân dân trong cộng đồng dân cư, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống….

Ở nước ta hiện nay chưa có nghiên cứu toàn diện dựa trên cơ sở lý luận và thực tiễn về vấn đề hoạt động tự quản, chưa có sự lãnh đạo, chỉ đạo thống nhất trong toàn quốc về tổ chức xây dựng và phát huy vai trò của các mô hình tự quản ở cộng đồng dân cư thôn, tổ dân phố. Nhiều mô hình tự quản ở cộng đồng dân cư được thành lập từ các phong trào, cuộc vận động do MTTQ Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và tổ chức khác trong hệ thống chính trị triển khai, đang có sự trùng lắp về nội dung hoạt động. Hiện trên cùng một địa bàn nhiều mô hình, nhiều chủ thể tham gia hoặc một chủ thể tham gia nhiều mô hình do đó hiệu quả, chất lượng chưa cao, hoạt động còn phụ thuộc vào sự hỗ trợ ngân sách. Do đó, Bộ Chính trị đã ban hành Kế hoạch số 07- KH/TW ngày 27/11/2017 thực hiện về “một số vấn đề tiếp tục đổi mới sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”, trong đó giao nhiệm vụ cho Đảng đoàn MTTQ Việt Nam chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan chỉ đạo xây dựng “đề án thực hiện mô hình tự quản ở cộng đồng dân cư thôn, tổ dân phố trên phạm vi cả nước”.

Góp ý vào nội dung đề án, hầu hết ý kiến đều cho rằng, việc xây dựng các mô hình tự quản phải góp phần nâng cao ý thức công dân ở khu dân cư, đoàn kết giúp đỡ nhau, chấp hành pháp luật, xây dựng cộng đồng dân cư văn hóa, văn minh, an toàn vì lợi ích của công dân và cộng đồng. Các mô hình tự quản cần đảm bảo nguyên tắc tự nguyện, tự nguyện, tự chịu trách nhiệm; đảm bảo dân chủ, công khai minh bạch và đoàn kết và hoạt động trong khuôn khổ của pháp luật, hương ước, quy ước. Đồng thời, phải xây dựng chính sách pháp luật cho hình thức tự quản ở cộng đồng dân cư, xây dựng luật tự quản của cộng đồng dân cư, xây dựng quy ước của các mô hình tự quản. Nếu làm tốt thì các hoạt động tự quản tự chính là mở rộng dân chủ, phát huy quyền làm chủ của nhân dân ở cơ sở để thực hiện các nhiệm vụ của Đảng và Nhà nước đặt ra. Mô hình tự quản là hoạt động của dân, cần nhấn mạnh vai trò của Nhân dân, tinh thần là phải khuyến khích tạo điều kiện cho Nhân dân làm những việc mà pháp luật không cấm…

Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến cho biết, Ban Chỉ đạo đề án và Tổ biên tập sẽ hoàn thiện đề án trình Ban Bí thư vào tháng 12/2021. Đề án sẽ theo đúng tinh thần: mô hình tự quản do Nhân dân, xuất phát từ yêu cầu thực tiễn đáp ứng những nhu cầu chính đáng và phục vụ Nhân dân là chính. Tự quản là công việc của dân, xuất phát từ yêu cầu thực tiễn, được Nhân dân đồng tình ủng hộ và các cơ quan Nhà nước không tham gia quản lý sâu mà chỉ có tính chất hướng dẫn với phương châm “việc nhân nghĩa cốt ở yên dân”.

Theo đồng chí Đỗ Văn Chiến, việc thực hiện mô hình tự quản là một bước để phát huy dân chủ trực tiếp. Đảng đoàn MTTQ Việt Nam sẽ kết hợp các ý kiến đã góp ý, cùng với quá trình xây dựng các văn kiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng để đề xuất, làm sâu sắc hơn quan điểm, nguyên tắc tổ chức hoạt động, phương thức quản lý của mô hình tự quản theo hướng xuất phát từ mong muốn của nhân dân, phục vụ trực tiếp cho đời sống người dân. Các giải pháp thực hiện mô hình tự quản ở cộng đồng dân cư phải đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, phát huy dân chủ đi đôi với kỷ cương; các nguyên tắc tự nguyện, tự quản cần phát huy tối đa cao nhất dân chủ của người dân, lắng nghe tâm tư nguyện vọng của người dân trong triển khai các mô hình tự quản nhưng phải đảm bảo có sự quản lý của Nhà nước.           

Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tin tưởng việc trình Ban Bí thư về Đề án này sẽ là khâu đột phá của MTTQ Việt Nam trong đổi mới nội dung, phương thức hoạt động trong thời gian tới.

Trung Kiên


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo