Thứ Sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024

Tập trung tuyên truyền, vận động và giáo dục pháp luật về bảo vệ quyền trẻ em

Quang cảnh chương trình phát thanh trực tiếp “Đối thoại cùng chính quyền TP” với chủ đề “Bảo vệ trẻ em trong gia đình - Thực trạng và giải pháp”

(Thanhuytphcm.vn) - Sáng 28/5, HĐND TPHCM phối hợp Đài Tiếng nói nhân dân TPHCM (VOH) tổ chức chương trình phát thanh trực tiếp “Đối thoại cùng chính quyền TP” với chủ đề “Bảo vệ trẻ em trong gia đình - Thực trạng và giải pháp”. Phó Trưởng ban Văn hóa xã hội – HĐND TP Nguyễn Minh Nhựt điều hành chương trình.

Cần tư vấn chăm sóc sức khỏe cho trẻ em bị bạo hành, xâm hại và ngược đãi

Tại chương trình, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) TP Huỳnh Thanh Khiết cho biết, thời  gian qua, nhiều vụ việc trẻ em bị bạo hành, xâm hại và ngược đãi xảy ra ngay trong gia đình; không ít trường hợp chính những người sinh thành, dưỡng dục hoặc người tình của cha hoặc mẹ trẻ nhẫn tâm đánh đập, hành hạ trẻ một cách không thương tiếc. Mặc dù đánh trẻ là hành động trái pháp luật nhưng nhiều người lại dửng dưng khi thấy bố, mẹ, người nuôi dưỡng đánh trẻ vì cho rằng đó là việc riêng của gia đình. Chính việc không can thiệp ngay từ đầu, để “trong nhà đóng cửa bảo nhau” đã khiến nhiều sự việc trở nên nghiêm trọng, vượt ngoài tầm kiểm soát, để lại hậu quả đau lòng.

Cụ thể, trong năm 2021 đã xảy ra 9 vụ việc, trong đó, có 8 trẻ em nam và 2 trẻ em nữ; quý I/2022 đã xảy ra 5 vụ việc, trong đó, có 3 trẻ em nam và 2 trẻ em nữ; đồng thời, nhiều vụ bạo hành, xâm hại và ngược đãi trẻ đã xảy ra, người dân, hàng xóm biết nhưng không trình báo cơ quan chức năng.

Phòng LĐTBXH TP Thủ Đức và các quận, huyện, phường, xã, thị trấn cần có sự phân công cán bộ làm công tác trẻ em, có trách nhiệm tiếp nhận thông tin của mọi công dân, tổ chức về các vụ việc trẻ em bị bạo hành, xâm hại và ngược đãi. Hầu hết các vụ việc đều được các trung tâm y tế, cơ sở khám chữa bệnh ưu tiên tiếp nhận điều trị và được các cơ quan điều tra trưng cầu giám định tại các trung tâm giám định pháp y.

Bên cạnh đó, các đơn vị chú trọng đến công tác tư vấn chăm sóc sức khỏe cho trẻ em bị bạo hành, xâm hại và ngược đãi.

Ngoài ra, đối với các ca đã thực hiện theo dõi, quản lý trường hợp, Sở LĐTBXH TP thường xuyên rà soát, đề nghị TP Thủ Đức và các quận, huyện cập nhật kết quả giải quyết các vụ việc trẻ em, chú trọng công tác kết nối để tạo điều kiện cho các em được sớm ổn định tâm lý, hòa nhập cộng đồng.

Đối với các vụ việc bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em phức tạp được dư luận quan tâm hoặc do các cơ quan có thẩm quyền cung cấp thông tin hoặc yêu cầu giải quyết, Sở LĐTBXH phối hợp với sở, ngành, đoàn thể, phòng LĐTBXH chỉ đạo, theo dõi giải quyết các vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em tại địa phương nhằm đảm bảo quyền lợi hợp pháp của trẻ em.

Ngoài ra, Sở LĐTBXH giao Trung tâm công tác xã hội trẻ em thành lập đường dây nóng về bảo vệ trẻ em 1900.545.559, thường trực trong việc kết nối với đường dây nóng 111 thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ, can thiệp khi trẻ em có nguy cơ bị xâm hại hoặc bị xâm hại. Các biện pháp, hình thức hỗ trợ thông qua các hình thức khác nhau, Trung tâm thực hiện tư vấn, can thiệp và hỗ trợ khẩn cấp cho trẻ và gia đình trẻ; đối với những ca phức tạp, có tính chất nghiêm trọng Trung tâm chuyển gửi và giới thiệu cho gia đình đến cơ quan Công an, Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước TP, các Luật sư và Chuyên gia tâm lý; các hoạt động hỗ trợ này hoàn toàn miễn phí.

Đa dạng hóa hình thức tuyên truyền lấy “xây” để hạn chế cái “xấu”

Tại chương trình, Trưởng phòng Xây dựng nếp sống văn hóa và gia đình, Sở văn hóa và Thể thao TP Trần Thanh Vương cho biết, các vụ bạo lực gia đình vừa qua, phần lớn nạn nhân bị bạo lực là phụ nữ và trẻ em, tuy nhiên, cũng có trường hợp người bị bạo lực là nam giới. Điều đáng lưu tâm nữa là bị người thân bạo lực. Tuy nhiên, trẻ em chưa nhận thức được vấn đề bạo lực để bảo vệ chính mình; các nạn nhân bị bạo lực đa phần không dám phản kháng, tố giác mà hầu như chấp nhận chịu đựng.

Đồng chí Trần Thanh Vương cho rằng, công tác tuyên truyền được duy trì thường xuyên nhằm vận động thay đổi hành vi, nhận thức xem đây là yếu tố cần thiết và quan trọng trong việc xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc. Đồng thời kéo giảm số vụ bạo lực gia đình, đa dạng hóa hình thức tuyên truyền lấy cái “xây” để hạn chế cái “xấu” nhằm tuyên truyền xây dựng gia đình hạnh phúc.

Trẻ em cần được quan tâm hỗ trợ, vui chơi giải trí, tham gia các hoạt động Trẻ em cần được quan tâm hỗ trợ, vui chơi giải trí, tham gia các hoạt động

Đồng thời, khi thay đổi nhận thức thì các thành viên trong gia đình cũng như cộng đồng xã hội không xem bạo lực gia đình là “chuyện nhà” mà phải cùng nhau lên tiếng, tố giác, lên án, xử lý hành vi bạo lực gia đình đúng theo quy định pháp luật.

Bên cạnh đó, cần tăng cường chế tài thật nặng được quy định trong luật và các văn bản dưới luật nhằm mang tính răn đe trong các quy định về bạo lực gia đình để kéo giảm số vụ bạo lực gia đình.

Với người bị bạo lực hoặc trẻ em, đồng chí Trần Thanh Vương cho rằng cần phải cho họ nhận diện được thế nào là bạo lực và chính họ phải biết lên tiếng, tố giác hành vi bạo lực, kể cả là người thân, người nhà gây ra bạo lực.

Kết luận tại chương trình, Phó Trưởng ban Văn hóa xã hội – HĐND TP Nguyễn Minh Nhựt cho rằng, để thực hiện tốt hơn việc chăm sóc, bảo vệ trẻ em nói chung và trẻ em trong gia đình nhằm chung tay tạo môi trường tốt nhất, lành mạnh nhất để trẻ em phát triển toàn diện về chân – thiện – mỹ, đề nghị các sở ngành liên quan cần tập trung công tác tuyên truyền, vận động và giáo dục pháp luật về bảo vệ quyền trẻ em, trong đó, cần quan tâm đến đối tượng trực tiếp và thụ hưởng là trẻ em.

Đồng thời, tuyên truyền phải đa dạng và phong phú thể hiện rõ các quyền của trẻ như: Quyền được coi trọng, tôn trọng và đối xử công bằng; quyền được lắng nghe; quyền được hưởng các dịch vụ thiết yếu; quyền được an toàn; quyền được hưởng những khoảng thời gian cùng gia đình, được vui chơi, giải trí. Bên cạnh đó, cần tổ chức triển khai có hiệu quả Quy trình phối hợp hỗ trợ, can thiệp, xử lý đối với các trường hợp bạo lực gia đình trên địa bàn thành phố

Long Hồ


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo