Thứ Năm, ngày 28 tháng 3 năm 2024

Tạo hành lang pháp lý đủ mạnh trong thực hiện dự án PPP

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga.

(Thanhuytphcm.vn) - Tiếp tục chương trình phiên họp thứ 43, chiều 24/3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về một số vấn đề còn có ý kiến khác nhau của dự án Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều.

Về dự án Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội thống nhất việc cần phải có quy định nội dung đặc thù đối với trình tự, thủ tục đầu tư, thực hiện dự án; hoạt động của doanh nghiệp dự án PPP; luật áp dụng; bảo đảm đầu tư; cơ chế quản lý vốn nhà nước áp dụng trực tiếp cho dự án PPP. Một số ý kiến đề nghị giải trình quy định tại khoản 2 Điều 3 “Trường hợp có quy định khác nhau giữa Luật này và các luật khác… thì thực hiện theo quy định của Luật này” để tránh xung đột pháp luật.

Thường trực Ủy ban Kinh tế đã cùng các cơ quan liên quan rà soát sự đồng bộ, thống nhất giữa dự thảo Luật với các luật hiện hành cũng như các luật đang được sửa đổi, bổ sung (như Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Đất đai, Luật Đấu thầu, Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Xây dựng…). Theo đó, thời gian áp dụng cho một dự án PPP thường kéo dài nhiều năm, trong điều kiện hệ thống pháp luật còn đang trong quá trình hoàn thiện và điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung thường xuyên thì Luật PPP phải là luật được ưu tiên thực hiện. Do vậy, đề nghị giữ nội dung tại khoản 2 Điều 3 nhằm tạo hành lang pháp lý đủ mạnh để bảo đảm các bên tham gia thực hiện đúng nghĩa vụ hợp đồng, ổn định lâu dài trong thời hạn hợp đồng dự án PPP. Quy định này cũng là tuyên bố chung, thể hiện cam kết của Nhà nước về mặt pháp lý đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước, tạo sự yên tâm cho nhà đầu tư khi tham gia cùng Nhà nước đầu tư vào các dự án PPP.

Tuy nhiên, một số ý kiến không đồng tình với quy định tại khoản 2 Điều 3 vì cho rằng quy định này vẫn chưa giải quyết được vướng mắc về pháp lý trong quá trình thực hiện dự án PPP. Ý kiến này cho rằng, để giải quyết triệt để vấn đề trên thì cần thực hiện đầy đủ trách nhiệm quy định tại Điều 12 và Điều 156 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Do đó, đề nghị cần tiếp tục rà soát để chỉ rõ những quy định mang tính chất đặc thù, cho phép áp dụng quy định khác so với các luật liên quan đối với phương thức đầu tư PPP ngay tại các điều, khoản của dự thảo Luật.

Về vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga bày tỏ băn khoăn về vấn đề ưu tiên áp dụng pháp luật. Bà cho rằng, mảng luật của Ủy ban Kinh tế là luôn có một nguyên tắc không nằm trong Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, tư tưởng khi làm luật cho phép khác nhau giữa luật này và luật khác là rất mâu thuẫn. Nếu Luật PPP là luật đặc thù về đầu tư thì có điểm gì khác với các luật khác cần ghi rõ luôn vào trong luật. Đặt vấn đề tại sao chúng ta chưa rà lại ngoài những quy định đặc thù về ưu đãi đầu tư, về đảm bảo, chia sẻ rủi ro... còn có những quy định nào khác, giờ lại đưa ra quy định “ý là tôi chưa rà soát hết, nếu mà có khác thì xin mời quý vị dùng luật này”, bà thẳng thắn nêu quan điểm không đồng tình và đề nghị rà lại các quy định ưu tiên đặc thù để thể hiện trong luật. Bà đề nghị Thường vụ Quốc hội lưu ý về áp dụng pháp luật ở nhóm về kinh tế, bởi luôn luôn quy định ưu tiên là không rà soát hết, không chỉ thẳng ra.

Quang cảnh phiên thảo luận chiều 24/3. Quang cảnh phiên thảo luận chiều 24/3.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp cũng băn khoăn về quy định chia sẻ rủi ro, với quan điểm nhà đầu tư cứ giảm 50% doanh thu thì Nhà nước lại chia sẻ là không ổn. Trong các luật khác, việc chia sẻ rủi ro chỉ được thực hiện trong trường hợp bất khả kháng như thiên tai, bão lũ, dịch bệnh...

Một vấn đề khác được Thường vụ Quốc hội quan tâm thảo luận tại phiên làm việc, đó là quy định về tham gia giám sát của cộng đồng đối với hoạt động đầu tư theo phương thức PPP quy định tại Điều 90, 91 dự thảo luật. Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu cho rằng, với các công trình xây dựng nông thôn mới thì có thể thực hiện giám sát cộng đồng, nhưng những công trình hiện đại như đường sắt Bắc Nam, đường cao tốc Bắc Nam… thì quy định này không phù hợp, tính khả thi không cao.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chỉ ra rằng, chỉ có hai điều nhưng quy định quá nhiều thủ tục. Đây là dự án kêu gọi thu hút đầu tư, đối tác công tư mà “đẻ” ra nhiều quy định như vậy thì phải tính toán xem tính khả thi có cao hay không. “Không phải xem thường giám sát cộng đồng nhưng phải xem đặt chỗ nào phù hợp với tình hình thực tế, không phải quy định trong luật để đẻ ra bao nhiêu trình tự, thủ tục”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Vân Thanh


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo