Thứ Sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024

Sứ giả mang món quà của sự sống

TS.BS Dư Thị Ngọc Thu trong một lần đến thăm gia đình người hiến tạng.

(Thanhuytphcm.vn) - Đôi mắt hiền, giọng nói nhỏ nhẹ cùng nụ cười bẽn lẽn là ấn tượng đầu tiên khi tiếp xúc với TS.BS Dư Thị Ngọc Thu, Trưởng Đơn vị điều phối ghép các bộ phận cơ thể người – Bệnh viện Chợ Rẫy TPHCM. Gần 20 năm âm thầm đi xin tạng hiến để cứu người, ít ai biết rằng người phụ nữ nhỏ bé này đã phải đối mặt với không biết bao nhiêu sự nghi kị của người đời cũng như không ít lời đe dọa của các đối tượng buôn bán nội tạng. Chị chính là người âm thầm đứng đằng sau những ca ghép tạng thành công tại Bệnh viện Chợ Rẫy.

Miệt mài đi xin tạng

Vốn là một bác sỹ phẫu thuật Khoa Tiết niệu, cơ duyên đến với công việc điều phối ghép tạng của TS.BS Dư Thị Ngọc Thu bắt nguồn từ người thầy của mình – GS Trần Ngọc Sinh, nguyên Trưởng Khoa Tiết niệu, Bệnh viện Chợ Rẫy. Năm 1998, sau ca ghép thận thành công đầu tiên tại Bệnh viện Chợ Rẫy, bác sĩ Dư Thị Ngọc Thu được giao nhiệm vụ thực hiện một cuộc khảo sát đối với người nhà các bệnh nhân đang nằm viện tại bệnh viện này về việc hiến thận trong trường hợp người thân chết não hoàn toàn. Nhớ lại những ngày ấy, TS.BS Dư Thị Ngọc Thu kể: “Mình tiếp xúc với hơn 100 gia đình có người thân đang nằm ở hồi sức cấp cứu, ai cũng ngạc nhiên vì vấn đề quá mới, thậm chí có người còn nghi ngờ mình mua bán thận và có những lời nói khiếm nhã”. Thế nhưng may mắn thay, trong hơn 100 gia đình chị tiếp xúc thì có 7 gia đình đồng ý hiến thận nếu người thân của họ không may qua đời. Bắt được tia hy vọng này, TS.BS Dư Thị Ngọc Thu đẩy mạnh hơn nữa việc thuyết phục thân nhân người chết não hiến tạng cứu người. Kể từ đó, hành trình âm thầm đi xin tạng hiến của chị bắt đầu.

TS.BS Dư Thị Ngọc Thu (ngoài cùng bên trái) trong một lần đến thăm gia đình người hiến tạng. TS.BS Dư Thị Ngọc Thu (ngoài cùng bên trái) trong một lần đến thăm gia đình người hiến tạng.

Trong bối cảnh danh sách bệnh nhân chờ ghép tạng ngày càng tăng cùng với phương thức hoạt động ngày càng tinh vi của “thế giới thứ 3” (ám chỉ lực lượng cò mồi chuyên buôn bán tạng), lãnh đạo Bệnh viện Chợ Rẫy đã quyết định thành lập Đơn vị điều phối ghép các bộ phận cơ thể người. Sau chuyến đi học tại nước ngoài, TS.BS Dư Thị Ngọc Thu được đề cử nhận nhiệm vụ phụ trách đơn vị này. “Ngày đó mình nhận nhiệm vụ mới với vô vàn khó khăn vì ở Việt Nam chưa ai làm cả. Mọi thứ còn quá mới mẻ và cũng chưa có hành lang pháp lý để thực hiện. Mình vừa làm vừa dò dẫm học hỏi kinh nghiệm từ các nước trên thế giới” – TS.BS Dư Thị Ngọc Thu kể.

Đến nay, sau hơn 6 năm thành lập, đơn vị này đã thực hiện điều phối để các bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy thực hiện thành công 51 ca ghép thận từ người cho chết não hoặc ngừng tim. Bệnh viện Chợ Rẫy cũng đã tiếp nhận 34 người hiến tạng chết não và 13 người hiến tạng ngừng tim.

TS.BS Dư Thị Ngọc Thu hướng dẫn diễn viên điện ảnh Việt Trinh đăng ký hiến tạng sau khi qua đời. TS.BS Dư Thị Ngọc Thu hướng dẫn diễn viên điện ảnh Việt Trinh đăng ký hiến tạng sau khi qua đời.

Thắp lên hy vọng sống

Vận động hiến tạng không hề đơn giản bởi đa phần người Việt Nam vẫn còn có quan niệm “chết phải vẹn toàn”, họ không muốn người thân của mình về thế giới bên kia trong hình hài không nguyên vẹn. Bác sĩ Thu thừa nhận, để có được một trường hợp hiến tạng có khi phải thuyết phục từ 20 - 30 người thân trong gia đình. Có trường hợp đã thuyết phục xong nhưng đến phút cuối người nhà lại đổi ý, không đồng ý hiến tạng nữa… Một người nhà bệnh nhân từng chất vấn chị: Làm sao bác sĩ đảm bảo rằng tạng của ba tôi được ghép đúng người mà không bị mua bán?  “Người ta có quyền nghi ngờ nhưng mình luôn chứng minh bằng một quy trình làm việc minh bạch, công khai và quan trọng nhất là chứng minh bằng các chỉ số y khoa, chỉ người phù hợp nhất mới nhận được tạng hiến. Sau này bọn mình sẽ số hóa toàn bộ quy trình tiếp nhận và ghép tạng để người nhà bệnh nhân có thể theo dõi tạng hiến được ghép như thế nào, ai là người xứng đáng được nhận”. – BS Thu cho biết.

TS.BS Dư Thị Ngọc Thu trao kỷ niệm chương “Vì sức khỏe nhân dân” cho gia đình người hiến tạng. TS.BS Dư Thị Ngọc Thu trao kỷ niệm chương “Vì sức khỏe nhân dân” cho gia đình người hiến tạng.

Xin tạng hiến cho người khác nhưng chính chị và các anh chị em trong đơn vị điều phối đã từng nhận không ít lời đe dọa từ “thế giới thứ 3” vì việc làm của các chị đã ảnh hưởng đến thu nhập của họ. Không hề run sợ, chị vẫn luôn vững vàng đối đầu với nguy hiểm bằng cái tâm trong sáng của mình. “Thêm một ca chết não hoặc ngừng tim hiến tạng là có thêm nhiều cuộc đời được hồi sinh. Đây chính là động lực để chúng tôi, những người làm công tác điều phối tiếp tục sứ mệnh của mình” – TS.BS Dư Thị Ngọc Thu chia sẻ.

Những năm gần đây, công tác vận động hiến tạng đã bớt khó khăn hơn bởi những câu chuyện thấm đẫm tính nhân văn đã được lan truyền trên các phương tiện truyền thông và người dân bắt đầu hiểu hơn về vấn đề hiến tạng. Tuy nhiên, TS.BS Dư Thị Ngọc Thu vẫn còn băn khoăn trăn trở khi không ít gia đình người hiến tạng vẫn đang phải chịu đựng nỗi oan “bán tạng người thân để lấy tiền”. Bác sĩ Thu từng đau lòng và day dứt chứng kiến cảnh một người mẹ nghèo ở Vĩnh Long đã phải bỏ quê đến sinh sống ở địa phương khác vì không chịu được điều tiếng bán tạng con để lấy tiền. Đến nay nơi ăn chốn ở của bà vẫn chưa được bình yên. Hay một người vợ ở Đồng Nai đã rơi vào trầm cảm, tự cô lập bản thân, xa lánh cộng đồng vì bị nghi ngờ bán tạng chồng tiền tỷ.

TS.BS Dư Thị Ngọc Thu (hàng đầu bên phải) trong một lần trao đổi nghiệp vụ điều phối ghép tạng tại Ấn Độ. TS.BS Dư Thị Ngọc Thu (hàng đầu bên phải) trong một lần trao đổi nghiệp vụ điều phối ghép tạng tại Ấn Độ.

Và mỗi lần như thế, chị lại lên đường đến với gia đình người hiến tạng bất kể quãng đường gần xa. Chị cũng kiến nghị Bộ Y tế cấp Kỷ niệm chương “Vì sức khỏe nhân dân” cho người hiến tạng và chính chị đến tận nhà người hiến tạng trao tặng, động viên tinh thần gia đình người hiến bằng những việc làm thiết thực giải nỗi oan cho họ. Chị còn vận động cả địa phương đứng ra lên tiếng, bảo vệ gia đình người hiến tạng. “Nếu không nhờ bác sĩ Thu và các anh chị Bệnh viện Chợ Rẫy thì không biết đến bao giờ nỗi oan bán tạng chồng lấy tiền của tôi mới được gột rửa”, bà Nguyễn Thị Ngọc Yến (tỉnh Đồng Nai) bộc bạch.

Đứng đằng sau thành công của các ca ghép tạng, trong đó có cả những ca ghép tạng xuyên Việt nhưng TS.BS Dư Thị Ngọc Thu không nhận công về mình. Chị cho rằng, đó là món quà của người hiến và gia đình của họ, là công sức của các đội ngũ phẫu thuật, của các đơn vị giao thông vận tải cũng như lực lượng công an… Còn chị chỉ là người giúp trao gửi món quà quý đó đến đúng với những người cần để sự sống tiếp tục được nối dài.

Hồ Lam Giang


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo