Thứ Sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024

Quan tâm đến đời sống vật chất, văn hóa tinh thần cho đồng bào các dân tộc thiểu số

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Hà Ngọc Chiến

(Thanhuytphcm.vn) - Theo chương trình làm việc tại phiên họp thứ 37, chiều 10/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiến hành giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn vùng dân tộc thiểu số, miền núi giai đoạn 2012 – 2018”.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Hà Ngọc Chiến, Trưởng đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, các chính sách đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo như chính sách hỗ trợ hộ nghèo thiếu hụt đa chiều; hỗ trợ nhà ở, đất ở, đất sản xuất cho hộ dân tộc thiểu số nghèo, hộ nghèo; chính sách tín dụng ưu đãi, vay vốn xuất khẩu lao động, phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế cho hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số... được thực hiện thời gian qua đã tạo ra sự chuyển biến rõ nét cho vùng dân tộc thiểu số, miền núi. Khoảng 25.000 công trình hạ tầng đã được đầu tư, xây dựng trên địa bàn các xã, thôn bản đồng bào khó khăn, vùng dân tộc thiểu số, miền núi. Đến nay, đa số các xã đã có đường ô tô đến trung tâm; 88% thôn có đường cho xe cơ giới và 42% thôn có đường giao thông đạt chuẩn; 99% trung tâm xã và 80% thôn có điện; 65% xã có hệ thống thủy lợi nhỏ đáp ứng yêu cầu sản xuất và đời sống; 76% xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế. Tỷ lệ hộ nghèo, nhất là hộ đồng bào dân tộc thiểu số giảm trung bình khoảng 3,5%/năm. Kinh phí ngân sách Trung ương bố trí cho Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2012 – 2018 là hơn 47.000 tỷ đồng. Tính đến hết năm 2018, trên 1,4 triệu khách hàng là hộ đồng bào dân tộc thiểu số được thụ hưởng các chương trình tín dụng tại Ngân hàng Chính sách xã hội, với tổng dư nợ 46.159 tỷ đồng.

Tuy nhiên, tỷ lệ hộ dân tộc thiểu số tái nghèo, phát sinh nghèo, hộ cận nghèo còn cao; thu nhập bình quân đầu người/năm của hộ nghèo dân tộc thiểu số thấp hơn thu nhập bình quân đầu người cả nước; đời sống đồng bào còn nhiều khó khăn, sinh kế không ổn định; hệ thống cơ sở hạ tầng thiết yếu còn thiếu, nhiều chỉ tiêu của các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng của Chương trình 30a, Chương trình 135 chưa hoàn thành, chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội; một số mục tiêu lớn (giảm huyện nghèo, xã và thôn đặc biệt khó khăn) không đạt mục tiêu chương trình.

Quang cảnh phiên họp Quang cảnh phiên họp

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, nhiều thông tư, nghị quyết của Quốc hội được ban hành, đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng để thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững nhưng việc triển khai chậm hơn nhiều so với thực tế, lạc hậu so với nhu cầu của cuộc sống. Việc chỉ đạo thực hiện chương trình còn chồng chéo, việc phân cấp, phân quyền còn bất cập, một việc nhưng chia ra rất nhiều bộ, ngành quản lý. Việc quản lý tài chính còn lỏng lẻo. Tình trạng tái nghèo và mù chữ còn chiếm tỷ lệ khá cao. Bên cạnh đó, nhiều nơi việc đạt chuẩn nông thôn mới nhưng thực ra chỉ mang tính hình thức, việc tổ chức sản xuất mang lại thu nhập ổn định cho người dân lại chưa được thực hiện tốt.

“Nhà nước quan tâm đến đồng bào dân tộc thiểu số là đúng nhưng cần có chỉ đạo mang tính đột phá, quan tâm đến vấn đề giáo dục con người. Nếu không giải quyết tốt vấn đề giáo dục thì không thể giảm nghèo bền vững", Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh.

Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, ngoài việc quan tâm đến đời sống vật chất, cần nâng cao, tạo điều kiện và bảo tồn hơn nữa đời sống văn hóa, tinh thần cho đồng bào các dân tộc thiểu số. Chủ tịch Quốc hội đề nghị các bộ, ngành cần tập trung các chính sách hỗ trợ để giúp bà con các dân tộc ít người nhất (10 dân tộc) có tỷ lệ nghèo cao nhất, vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống.

Vân Thanh


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo