Thứ Sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024

Những điều khoản mang tính nhân văn trong Quy định về kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên vi phạm

Kỳ thứ 17 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương diễn ra trong hai ngày 13 và 14/7/2022, tại Hà Nội, dưới sự chủ trì của đồng chí Trần Cẩm Tú, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương. (Ảnh minh họa: ubkttw.vn)

(Thanhuytphcm.vn) - Ngày 6/7/2022, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định số 69-QĐ/TW về kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên vi phạm. Ở Điều 2 về nguyên tắc xử lý kỷ luật, khoản 14 đã nêu các trường hợp chưa kỷ luật, không hoặc miễn kỷ luật được cho là thể hiện tính nhân văn trong việc xem xét, xử lý các vấn đề liên quan đến uy tín, sinh mệnh chính trị của cán bộ, đảng viên.

Theo đó, các trường hợp chưa xem xét kỷ luật gồm: i) đảng viên nữ đang mang thai, nghỉ thai sản, đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi hoặc đảng viên là nam giới đang nuôi con dưới 12 tháng; ii) đảng viên bị bệnh nặng đang điều trị nội trú tại bệnh viện; iii) đảng viên bị tuyên bố mất tích nếu phát hiện vi phạm vẫn phải xem xét, kết luận, khi phát hiện đảng viên đó còn sống thì thi hành kỷ luật theo quy định.

Trường hợp đảng viên vi phạm đã qua đời thì tổ chức đảng xem xét, kết luận nhưng không quyết định kỷ luật, trừ trường hợp có vi phạm đặc biệt nghiêm trọng.

Trường hợp đảng viên thực hiện đề xuất về đổi mới, sáng tạo theo Kết luận số 14-KL/TW ngày 22/9/2021 của Bộ Chính trị, được cơ quan có thẩm quyền cho phép nhưng xảy ra thiệt hại thì cơ quan có thẩm quyền xác định rõ nguyên nhân khách quan, chủ quan, đánh giá khách quan, toàn diện; nếu đã thực hiện đúng chủ trương, có động cơ trong sáng, vì lợi ích chung thì miễn kỷ luật hoặc giảm nhẹ trách nhiệm. Tương tự, nếu đảng viên vi phạm do chấp hành chủ trương, quyết định, mệnh lệnh sai trái của tổ chức, cấp trên hoặc do bị ép buộc nhưng đã chủ động, kịp thời báo cáo bằng văn bản với tổ chức, cơ quan có thẩm quyền biết ý kiến, đề xuất của mình trước khi thực hiện thì miễn kỷ luật.

Chúng ta đều biết rằng, kỷ luật có vai trò rất quan trọng trong công tác xây dựng Đảng, sinh hoạt đảng, nhằm bảo đảm cho Đảng hoạt động và phát triển. Việc thi hành kỷ luật trong Đảng nhằm bảo đảm kỷ cương, kỷ luật, giữ vững sự thống nhất ý chí và hành động, tăng cường sức chiến đấu của Đảng, giáo dục tổ chức đảng, đảng viên. Tất cả các đảng viên cần nắm vững và thực hiện đúng nguyên tắc, thủ tục thi hành kỷ luật và tự giác chấp hành nghiêm chỉnh kỷ luật của Đảng, làm cho tổ chức đảng luôn trong sạch, vững mạnh.

Trong tổ chức đảng nói riêng và trong toàn Đảng nói chung, các hành vi vi phạm kỷ luật dù nhỏ cũng có thể ảnh hưởng đến năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng; nếu không được chấn chỉnh kịp thời thì có thể tác động đến vai trò cầm quyền cũng như khả năng thực hiện các mục tiêu, lý tưởng của Đảng. Do đó, Đảng phải luôn giữ nghiêm kỷ luật trong mọi trường hợp.

Lịch sử trưởng thành và phát triển của Đảng ta cho thấy, từng có những thời điểm rất khó khăn, nguy hiểm, nhờ giữ nghiêm kỷ luật mà Đảng đã dần vượt qua thử thách, khẳng định được vai trò của mình và lãnh đạo cách mạng tiến lên giành thắng lợi.

Đảng ta không bao giờ lấy việc phải thi hành kỷ luật thật nhiều, thật nặng mà chủ yếu thường xuyên nâng cao giác ngộ chính trị, ý thức tổ chức kỷ luật, tinh thần nghiêm túc và tự giác chấp hành kỷ luật của Đảng. Tức là, việc xử lý kỷ luật là điều chẳng đặng đừng. Nhưng nếu tổ chức đảng và đảng viên vi phạm đến mức phải thi hành kỷ luật thì phải xử lý công minh, chính xác, kịp thời để giữ vững sự thống nhất ý chí và hành động, tăng cường năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu, giáo dục tổ chức đảng và đảng viên.

Ở một góc độ khác, suy cho cùng, kỷ luật của Đảng nhằm hướng đến 3 mục tiêu quan trọng: trừng phạt tổ chức đảng, đảng viên (đặc biệt là với cá nhân) đã có vi phạm, nhất là với các vi phạm cố ý, mang tính nghiêm trọng; giáo dục tổ chức đảng và đảng viên đó, để tránh mắc vi phạm ở những trường hợp khác; răn đe, ngăn ngừa, cảnh báo các tổ chức đảng và đảng viên khác vi phạm.

Từ đó có thể thấy, trong một số trường hợp cụ thể, việc chưa, không xem xét kỷ luật hoặc miễn kỷ luật đã thể hiện tính nhân văn, nhất là với các trường hợp đảng viên đang có thai, ốm đau, đã qua đời hoặc mắc lỗi vô ý, mắc lỗi do bị ép buộc… Chẳng hạn, đảng viên nữ đang mang thai, khi thực hiện việc xem xét kỷ luật có thể ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe người mẹ (ít nhất về mặt tâm lý), từ đó tác động xấu đến sức khỏe thai nhi. Hay khi đảng viên đã qua đời, việc xem xét kỷ luật là cần thiết để chấn chỉnh, rút kinh nghiệm nhưng không quyết định kỷ luật trong nhiều trường hợp, vì thực tế khi đó, quyết định kỷ luật đó không còn ý nghĩa đối với đảng viên ở cả yếu tố trừng phạt hay giáo dục; đồng thời việc quyết định kỷ luật gần như chỉ có tác động đến tình cảm, tâm lý của thân nhân đảng viên, thì cũng làm thay đổi ý nghĩa của vấn đề kỷ luật.

Cũng theo logic đó, một đảng viên có nhiều sáng tạo, đã đề xuất những cách làm mới, được cấp trên chấp thuận, nhưng quá trình thực hiện có thể phát sinh những hậu quả do thiếu kinh nghiệm, do hạn chế kiến thức, do sự phối hợp của các tổ chức, cá nhân khác… thì về mặt kỷ luật, trách nhiệm đảng viên đó đương nhiên phải nhận lấy. Nhưng nếu xét động cơ, mục đích… không phát hiện yếu tố vụ lợi, cá nhân… thì có thể miễn kỷ luật; điều đó không chỉ có ý nghĩa đối với đảng viên đó mà còn giúp giải tỏa nhiều trường hợp khác, tạo điều kiện cho họ mạnh dạn thể hiện tư duy sáng tạo, đổi mới vì lợi ích chung, thay vì luôn dè dặt, cân nhắc vì lo ngại bị kỷ luật.

Dĩ nhiên, yếu tố nhân văn không phải là vô điều kiện. Tính nghiêm minh của kỷ luật đảng phải nhận ra cho được các trường hợp lợi dụng những quy định này để né tránh kỷ luật, trốn trách nhiệm… Chẳng hạn, nếu đảng viên “chạy” bệnh án để được cho là đang bệnh nặng, từ đó tìm cách hoãn, tránh việc xem xét kỷ luật, khi phát hiện cần có hình thức xử lý nghiêm hơn các trường hợp tương tự. Tức là, tính nghiêm minh phải đặt song song tính nhân văn để không “lọt” các trường hợp không trung thực, thách thức quy định của Đảng ở một số đảng viên.

Vân Tâm


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo