Thứ Sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024

Nhiều doanh nghiệp du lịch mong được tiếp cận gói hỗ trợ tài chính để phục hồi sau đại dịch Covid-19

Ảnh minh họa

(Thanhuytphcm.vn) - Từ đầu năm 2020 đến nay, ngành du lịch bị thiệt hại nặng nề do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Theo kết quả khảo sát các doanh nghiệp du lịch trong cả nước về những khó khăn, các thách thức của đại dịch Covid-19 cho thấy nhiều doanh nghiệp đã tiết giảm chi phí bằng cách cho tới 80% nhân viên nghỉ việc.

Nhằm cập nhật tình hình kinh doanh của ngành, hiểu được những khó khăn của các doanh nghiệp, Hội đồng Tư vấn du lịch (TAB) và Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV- thuộc Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng) quyết định khảo sát các doanh nghiệp du lịch trong cả nước về những khó khăn, các thách thức của đại dịch Covid-19. Qua đó, để báo cáo Chính phủ về tình trạng của các doanh nghiệp trong đại dịch và đưa ra các kiến nghị nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp phục hồi sau đại dịch Covid-19.

Khảo sát này do TAB phối hợp với Grant Thornton Ltd. (Việt Nam) và Báo điện tử VnExpress thực hiện từ ngày 13/4 đến 17/4/2020 với 394 doanh nghiệp thuộc lĩnh vực du lịch và lữ hành, bao gồm 51% doanh nghiệp là công ty lữ hành, 15% là khách sạn và 14% là doanh nghiệp vận tải. 92% doanh nghiệp trong số đó là doanh nghiệp nhỏ và vừa có số lượng nhân viên dưới 100 người.

Trong số các phản hồi nhận được, cho thấy doanh thu của các doanh nghiệp sụt giảm trông thấy. Cụ thể, 71% doanh nghiệp cho biết doanh thu của họ trong quý 1 năm 2020 giảm hơn 30% so với cùng kỳ năm 2019, 77% doanh nghiệp dự kiến doanh thu quý 2 sẽ giảm hơn 80% so với quý 2 năm 2019. Thậm chí, gần 50% số doanh nghiệp tham gia khảo sát dự đoán không có doanh thu trong quý 2/2020.

Ngay cả khi không có doanh thu hoặc doanh thu thấp hơn so với kinh doanh bình thường, do dịch Covid-19, song tất cả các chi phí quản lý như tiền thuê nhà, tiền lương, tiền lãi vẫn phát sinh. Các doanh nghiệp phải tạm thời đóng cửa kinh doanh vẫn phải chịu chi phí thuê địa điểm hoặc trả lương. Đặc biệt, một khoản chi phí phát sinh mà doanh nghiệp nào cũng phải chi trả đó là chi phí cho vệ sinh và khử trùng.

Tại thời điểm này, để giúp tồn tại và duy trì hoạt động qua dịch Covid-19 thì bản thân doanh nghiệp phải ưu tiên các biện pháp kiểm soát chi phí. 78% doanh nghiệp tham gia khảo sát đã chọn cắt giảm tiền lương hoặc cắt giảm nhân viên tạm thời trong nỗ lực giảm chi phí để sống sót sau đại dịch. Cụ thể, có 18% doanh nghiệp đã cho nghỉ việc toàn bộ nhân viên và 48% doanh nghiệp đã cho nghỉ việc với tỷ lệ từ 50% đến 80%.

Nhận định về thời gian có thể hoạt kinh doanh trở lại bình thường thì có tới 82,7% doanh nghiệp tham gia khảo sát cho rằng chỉ có thể trở lại bình thường vào đầu quý 3/2020, thậm chí 41,1% doanh nghiệp dự đoán tiêu cực hơn là phải đến năm sau thì mới có thể phục hồi trở lại.

Để giúp doanh nghiệp tồn tại và duy trì hoạt động qua đại dịch Covid-19 thì bản thân doanh nghiệp phải ưu tiên các biện pháp kiểm soát chi phí, đồng thời rất cần các chính sách tài chính của nhà nước để hỗ trợ doanh nghiệp. Cụ thể, có tới 72,6% doanh nghiệp mong nhận được hỗ trợ của nhà nước giảm hoặc cho phép trả chậm thuế, trích nộp bảo hiểm và các khoản phải trả nhà nước khác. 60,4% doanh nghiệp mong tiếp cận với các gói hỗ trợ tín dụng với mục đích giúp doanh nghiệp vay vốn lưu động. Hơn 88% doanh nghiệp phản hồi họ cần hỗ trợ tài chính bằng hình thức vay vốn có bảo lãnh của Chính phủ để phục hồi kinh doanh sau đại dịch Covid-19.

Trúc Anh


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo